.

Quảng Trạch: Tích cực phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ Năm, 30/03/2017, 09:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm giao mùa và lúc người dân bước vào vụ chăn nuôi mới, công tác kiểm soát dịch bệnh đang được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Trạch triển khai tích cực. Mục tiêu là nhằm ngăn chặn, hạn chế sự phát sinh và lây lan các mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng và các mầm bệnh khác.

Sau khi có chỉ đạo về việc tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2017, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quảng Trạch đã phối hợp với 18 xã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và cử cán bộ về tận cơ sở để hướng dẫn kỹ thuật tiêm vắc xin và phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, UBND huyện Quảng Trạch đã quyết định trích kinh phí từ nguồn ngân sách để mua 200.000 liều vắc xin cúm gia cầm. Toàn huyện Quảng Trạch hiện có khoảng 77.000 con gia súc, trên 573.000 con gia cầm.

Theo kế hoạch, trong tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2017, huyện Quảng Trạch sẽ triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, hộ gia đình; các cơ sở giết mổ; chợ buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; nơi công cộng, đường làng ngõ xóm với khoảng 1.700 lít thuốc khử trùng, tiêu độc. Tiêm phòng miễn phí vắc xin lỡ mồm long móng trâu bò khoảng 13.000 liều; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò khoảng 11.000 liều; vắc xin dịch tả lợn khoảng 25.000 liều; vắc xin cúm gia cầm khoảng 165.000 liều.

Cán bộ thú y xã Quảng Đông, Quảng Trạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm trên địa bàn.
Cán bộ thú y xã Quảng Đông, Quảng Trạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm trên địa bàn.

Riêng vắc xin dại chó khoảng 7.000 liều và người chăn nuôi phải chi trả tiền vắc xin (trong năm chỉ tiêm một đợt). Đặc biệt, để tránh lây lan các mầm bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cũng đã chỉ đạo chốt kiểm dịch động vật tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật lưu thông, nhất là các xe chở động vật từ hướng Hà Tĩnh đi qua địa bàn, tổ chức trực chặt chẽ, nghiêm túc 24/24 giờ.

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quảng Trạch cho biết: "Bên cạnh phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng và tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, Trạm cũng đã chỉ đạo chốt kiểm soát dịch bệnh kiểm tra chặt chẽ các xe chở gia súc, gia cầm đi qua địa bàn huyện về hồ sơ kiểm dịch, kiểm tra lâm sàng và niêm phong chì.

Đặc biệt, tập trung kiểm tra nghiêm ngặt những xe chở gia cầm ra vào địa bàn để tiến hành phun tiêu độc khử trùng, và thông báo đến các huyện bạn để theo dõi, giám sát nhằm xử lý những bất thường xảy ra theo đúng Luật thú y".

Là hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có kinh nghiệm trên 15 năm, gia đình ông Võ Văn Sỹ, thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch luôn đặt vấn đề bảo vệ an toàn đàn vật nuôi lên hàng đầu. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi hơn 1.000 con vịt đẻ trứng và 30 con dê.

Để đàn vật nuôi phát triển tốt, bên cạnh chú trọng đến nguồn thức ăn, gia đình ông Sỹ luôn thực hiện đồng bộ các biện pháp thú y, giám sát dịch bệnh, chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng định kỳ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trang trại của gia đình. Nhờ đó, mỗi năm, trang trại chăn nuôi đã mang lại cho gia đình ông Sỹ nguồn thu nhập khá lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi về cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ông Sỹ cho biết: "Hàng năm, cán bộ thú y xã luôn tiêm định kỳ 2 lần và tiêm bổ sung vắc xin cho đàn vật nuôi của gia đình tôi để phòng, chống dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn chúng tôi mua thuốc bột để trộn vào thức ăn, nước uống của gia cầm vào các thời điểm giao mùa; hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, nước uống phải thay thường xuyên, nhờ đó đàn vật nuôi của gia đình luôn tránh được dịch bệnh".

Mặc dù dịch bệnh gia súc, gia cầm chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Quảng Trạch nói riêng, tuy nhiên, để ngăn ngừa các loại dịch bệnh xảy ra, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các ban, ngành chức năng cần có biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào địa bàn.

Đồng thời, cần vận động người chăn nuôi mua giống vật nuôi và sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch và hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, góp phần tăng tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Minh Ánh
(Đài TT-TH Quảng Trạch)