.

Ứng phó với biến đổi khí hậu lên bờ biển - Bài 1: Những nguy cơ cận kề

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm trên dải đất duyên hải Bắc Trung Bộ, Quảng Bình có đường bờ biển dài 116,04 km. Đây là lợi thế lớn để phát triển kinh tế và du lịch biển. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng diễn ra phức tạp, làm gia tăng hiện tượng thiên tai và nước biển dâng. Những tác động này ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống người dân, đặc biệt là vùng ven biển.

Mưa lớn bất ngờ, bão và áp thấp nhiệt đới có diễn biến thất thường, lốc xoáy, nắng nóng gay gắt kéo dài, mùa đông khắc nghiệt… là các diễn biến thời tiết bất thường luôn xảy ra quanh năm tại vùng ven biển Quảng Bình.

Tình trạng sạt lở tại bờ biển xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) ngày càng nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở tại bờ biển xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) ngày càng nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê, tính trung bình mỗi năm Quảng Bình có 1-2 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào bờ biển, tần suất xuất hiện và cường độ bão ngày càng gia tăng, thiệt hại do bão hàng năm lên đến vài chục tỉ đồng, số lượng người chết ngày càng tăng. Lốc xoáy cũng thường gây tốc mái hàng chục nóc nhà, nhiều ha lúa và hoa màu bị hư hại. Do chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, việc canh tác trở nên khó khăn ảnh hưởng đến sản lượng lương thực của tỉnh.

Theo kết quả khảo sát của Dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” (EbA), do diễn biến thời tiết bất thường, tại các khu vực dọc bờ biển 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nạn cát bay diễn ra thường xuyên hơn, hình thành ngày càng nhiều các đụn cát gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

Hệ sinh thái ven bờ thưa thớt, còn sót lại một số ít các cụm phi lao không đủ để chắn gió, chắn cát. Các cụm phi lao gần biển bị gió và sóng biển mạnh làm trơ rễ, giảm sức sống. Tốc độ gió mạnh làm cát bay tràn vào nhà dân; cát chảy lấp phủ kín chân ruộng. Sau mỗi mùa mưa, người dân phải bới cát lên để lấy lại diện tích ruộng canh tác.

Huyện Quảng Ninh có 2 xã Võ Ninh và xã Gia Ninh bị ảnh hưởng nặng nề bởi cát bay, cát chảy. Ngoài ra, xã Hải Ninh, với hơn 100ha đồi cát ven biển không có cây chắn gió, nạn cát bay, cát chảy và sạt lở xảy ra nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều hộ dân ở các thôn dọc biển, như: Tân Hải, Tân Ðịnh, Xuân Hải. Nhiều gia đình phải bỏ nhà di chuyển đến nơi ở mới và hiện còn gần 100 hộ khác sát biển cũng đang phải chịu cảnh sống chung với nạn cát bay, cát chảy. Nhiều con đường liên thôn bị cát lấp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Dự báo trong các năm tới, hiện tượng cát bay, cát chảy ở các cồn cát chịu tác động mạnh của gió biển, sẽ tiếp tục lấn sâu vào đất liền, làm sa mạc hóa cục bộ các khu vực hiện nay đang sử dụng để canh tác, làm mất dần đất nông nghiệp tại 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Nước biển dâng cao sẽ làm thay đổi môi trường sống nhiều loài sinh vật biển, trước hết là tôm, cá tự nhiên. Các mô hình nuôi thủy sản truyền thống có nguy cơ bị phá sản. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các xã ven biển, như: Nhân Trạch, Hải Trạch (huyện Bố Trạch), Quảng Hưng, Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), Bảo Ninh, Quang Phú (TP. Đồng Hới)… và nước ngọt sẽ khan hiếm nhiều hơn. Bờ biển, bờ sông sẽ bị xâm thực mạnh hơn, sản xuất nông nghiệp có nguy cơ suy thoái, nhất là cây lúa, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng lớn. Đời sống của hàng vạn người dân sẽ bị xáo trộn.

Khu vực dọc theo bờ biển và các nhánh sông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão với tốc độ gió >30m/s, làm xói lở bờ rất nghiêm trọng. Tổng chiều dài sạt lở 56 xã trong tỉnh là 103,2km, trong đó sạt lở bờ sông là 93,1 km. Xã Hải Ninh, xã Nhân Trạch và xã Quảng Hưng là những khu vực điển hình với tình trạng sạt lở do biển xâm thực.

Vào mùa mưa lũ, biển lấn sâu vào đất liền hàng chục mét, nhiều đoạn đường, cống thoát nước bị sóng đánh sập. Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng cho biết: “Tình trạng biển xâm thực vào bờ đã xảy ra từ lâu, tuy nhiên, những năm trở lại đây, mức độ xâm thực nhanh và nhiều hơn. Người dân trong thôn chúng tôi đã đổ đất để ngăn chặn nhưng không được.

Tính từ năm 1980 đến nay, bờ biển đã bị nước biển xâm thực khoảng 15-20m/năm”. Ở các thôn Tân Hải, Xuân Hải (xã Hải Ninh), nhiều hộ dân cũng phải di dời ra khỏi khu vực bị sạt lở. Tại xã Nhân Trạch, nhiều đoạn biển xâm thực hàng năm từ 30 - 40m, gây sụp, nứt nhiều nhà dân sống trong khu vực. Quá trình biển xâm thực cũng đã làm cho nhiều diện tích hoa màu, vườn tược của người dân bị mất trắng; dân cư phải di cư sâu dần vào đất liền.

Nước biển dâng cao, ăn sâu vào bờ cát các xã ven biển Quảng Bình.
Nước biển dâng cao, ăn sâu vào bờ cát các xã ven biển Quảng Bình.

Ông Phan Đình Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, các huyện ven biển đang bị nước biển xâm lấn ở mức báo động. Theo tính toán kịch bản nước biển dâng cao (A1FI) ở mức triều cao nhất trung bình nhiều năm Htbmax, đến năm 2020, 2040, các khu vực ven biển bị ngập do nước biển dâng là tại 3 cửa sông lớn (cửa Roòn, cửa Gianh, cửa Dinh).

Trong đó, khu vực các xã nằm giữa 2 cửa sông Lý Hòa và cửa sông Dinh, như: xã Đức Trạch, Trung Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) bị ngập một phần diện tích. Các nhánh sông nhỏ, như: sông Lệ Kỳ, sông Đức Phổ ở khu vực chảy qua các phường Đồng Phú, xã Đức Ninh (TP. ĐồngHới) dọc theo sông Rào Ly bị ngập.

Dọc theo đường bờ biển, đoạn bờ biển nhỏ phía Tây Nam núi Sú thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch; xã Cảnh Dương và xã Quảng Phú (huyện QuảngTrạch) đoạn dọc theo 2 bên cửa sông Roòn; trung tâm xã Ngư Thủy Trung (huyện Lệ Thủy) là ba vùng ven biển bị ngập do nước biển dâng.

Theo tính toán này, trong 60 năm tiếp theo (kể từ năm 2040), số điểm ngập lụt không gia tăng, nhưng tại các khu vực ngập lụt kể trên, mực nước sẽ còn dâng cao trên diện rộng.

Lê Mai

Bài 2: Sẵn sàng phương án ứng phó