.

Hàng Việt khẳng định chất lượng

Thứ Tư, 22/03/2017, 14:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường hàng hóa trong nước và địa phương. Việc thúc đẩy tuyên truyền, giới thiệu các mô hình, điển hình sản xuất giỏi, các sản phẩm có chất lượng của tỉnh đã góp phần giúp hàng hóa Việt Nam nói chung và của Quảng Bình nói riêng tiếp tục khẳng định thương hiệu, ngày càng đến gần, gắn bó với người tiêu dùng.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các Hội chợ trong tỉnh, hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại trong và ngoài tỉnh...

Bên cạnh đó, các ban, ngành trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi; các sản phẩm có chất lượng của tỉnh nhà đến nhân dân trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao khả năng kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư.

Ngoài ra, Ban lãnh đaọ cuộc vận động còn tiến hành bồi dưỡng kỹ năng cho nhà sản xuất nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản; tuyên truyền, vận động bà con ngư dân không buôn bán, chế biến, tiêu thụ hải sản chết bất thường cũng như thu gom cá và xử lý đúng quy định sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh Miền Trung.

Cửa hàng chuyên bán nông sản Việt Nam ở Lộc Ninh, TP. Đồng Hới.
Cửa hàng chuyên bán nông sản Việt Nam ở Lộc Ninh, TP. Đồng Hới.

Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức 9 lớp tập huấn về thực hiện cuộc vận động cho gần 1.100 cán bộ Mặt trận cơ sở; Hội Nông dân đã chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức 9 lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho gần 500 hội viên nông dân; Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cán bộ, hội viên.

Theo ông Trần Văn Tuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh cho biết, trong công tác quản lý Nhà nước về thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các sở, ban, ngành đã phát huy trách nhiệm trong triển khai thực hiện. Các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ngành, phòng chức năng của các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp được đẩy mạnh thực hiện.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các trung tâm thương mại, các doanh nghiệp thực hiện chương trình đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, tổ chức Hội chợ thương mại, Hội chợ Xuân ở các địa phương, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Công thương, xây dựng 2 mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam ”...

Đồng thời, các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm giám sát việc niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ và bán hàng đúng giá niêm yết; ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ; thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng và giá trị.

Hiện nay, qua khảo sát thị trường trong tỉnh của ngành Công thương, hàng Việt tại đa số các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ 90%.  Có nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, thay đổi mẫu mã để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; nhiều mặt hàng của địa phương đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường về mẫu mã, chất lượng và giá cả như: bánh mè xát Quảng Thanh, mật ong Tuyên Hóa, khoai gieo Hải Ninh, rượu Võ Xá, rượu Tuy Lộc, nón lá Quy Hậu, mây tre đan mỹ nghệ...

Thị trường hàng hóa đã từng bước được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và giá cả. Trong năm 2016, Sở Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tổ chức 976 lượt kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 822 vụ vi phạm. Tổng số tiền, hàng xử phạt, tịch thu trị giá hơn 7 tỷ đồng.

Đồng thời, các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm, sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, kinh doanh cầm đồ, hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng...; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 45 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 1.042 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tiến hành lấy 664 mẫu nông sản để phân tích kiểm soát dư lượng các chất độc hại và 170 mẫu thủy sản gửi kiểm tra an toàn thực phẩm...   

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc vận động trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế, như:  công tác tuyên truyền, vận động của một số địa phương còn thiếu thường xuyên, chưa sâu rộng; công tác  kiểm tra, kiểm soát thị trường thiếu đồng bộ nên vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn khó kiểm soát, đang là nỗi lo của người tiêu dùng.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong đầu tư sản xuất, nhưng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm mang thương hiệu Quảng Bình trên thị trường chưa nhiều và chưa gây ấn tượng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Hiền Phương