.

Thoát nghèo từ trồng rau

Thứ Tư, 22/03/2017, 08:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Được sự quan tâm của các cấp Hội Nông dân, gần 10 năm trở lại đây, bà con hội viên nông dân thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch đã chuyển đổi từ đất trồng lúa, cây màu sang trồng rau và chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, diện tích đất bỏ hoang được tận dụng triệt để.

Nhiều hộ dân thôn Tú Loan 3 khá giả nhờ trồng rau sạch.
Nhiều hộ dân thôn Tú Loan 3 khá giả nhờ trồng rau sạch.

Thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch là địa phương có diện tích đất nông nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, đất ở đây chủ yếu là đất cát pha, rất khó để phát triển trồng trọt. Trước đây, bà con trong thôn chủ yếu trồng lúa, lạc và khoai lang. Công sức, tiền của đầu tư nhiều, nhưng năm nào bà con cũng bị mất mùa, thua lỗ do đất cằn cỗi, không phù hợp với các loại cây. Trước khó khăn của bà con, các cấp Hội Nông dân đã có nhiều nỗ lực tìm hướng đi phù hợp bằng việc chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau kết hợp với chăn nuôi.

Ông Phạm Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hưng cho biết: “Để tạo điều kiện cho hội viên trồng rau, chúng tôi đã đi thăm dò thị trường, nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn rồi chỉ đạo hội viên lấy cát sạch từ trên đồi về đổ lên đất trong vườn. Sau đó, vận động bà con phát triển chăn nuôi để lấy phân, xử lý cẩn thận theo quy trình đem trộn với cát trước khi trồng rau”.

Lúc đầu, hội viên trong thôn chưa hoàn toàn tin tưởng và làm theo. Nhưng với quyết tâm cao, các cấp Hội đã về tận vườn rau hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc và tìm thị trường tiêu thụ cho bà con. Sự cố gắng của tổ chức hội đã mang lại cho bà con những vườn rau có năng suất và thu nhập cao. Hiện, toàn thôn Tú Loan 3 đã có hàng trăm hộ trồng rau, trong đó có trên 50 mô hình trồng rau lớn kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao.

Hội Nông dân xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch có 5 chi hội. Toàn xã có 154 ha đất trồng rau và có trên 100 hộ có mô hình trồng rau lớn, cho thu nhập cao.

Các hộ còn lại cũng đang tích cực trồng rau để làm thực phẩm trong gia đình. Trồng rau đã góp phần đưa hầu hết hội viên nông dân toàn xã thoát nghèo.

Anh Phạm Văn Kế, một hội viên nông dân trong thôn tâm sự: “Trồng rau kết hợp với chăn nuôi lãi hơn rất nhiều lần so với trồng các loại cây khác, lại không gây ô nhiễm môi trường. Tuy đỡ vất vả hơn trồng lúa, trồng lạc, nhưng đòi hỏi người nông dân phải chăm chỉ và thực hiện đúng quy trình”.

Với 4 sào đất vườn, anh dành khoảng 1 sào để làm chuồng trại chăn nuôi gia súc và gia cầm, còn 2 sào đầu tư trồng rau. Trên khoảng đất đó, anh đã trồng hàng chục loại rau, như: cải, xà lách, đậu tương, bầu, bí, rau mùi, cà chua... và một hồ nuôi cá. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng cho việc chăn nuôi. Còn vườn rau mỗi năm anh thu về khoảng 80 triệu đồng.

Là một trong những người đi tiên phong trong phong trào trồng rau sạch ở thôn Tú Loan 3, anh Trần Minh Tấn vẫn không quên những ngày cơ cực. Với 5 sào đất vườn, trước đây, anh tập trung trồng lúa khoảng 3 sào. Tuy nhiên, do đất cát không giữ được nước lâu nên năm nào cũng mất mùa, thiếu ăn.

Không chịu khuất phục đói nghèo, anh được Hội Nông dân xã định hướng chuyển đổi sang trồng rau kết hợp với chăn nuôi. Lúc đó, anh đã vay mượn khắp nơi để ra cách tỉnh phía Bắc học cách trồng thương phẩm. Học xong, anh về vay ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi và trồng rau. Nhờ đó, đời sống gia đình anh ngày khấm khá.

Anh Tấn nhớ lại: “Lúc đó, rau thu hoạch xong, thương lái đến tận vườn mua hết. Thấy được hiệu quả của trồng rau, tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 2 sào nữa”. Với bản năng chăm chỉ, cần mẫn, vườn rau do vợ chồng anh chăm sóc ngày càng xanh tốt. Lúc này, các thương lái từ Ba Đồn, Hà Tĩnh kéo đến mua không ngớt: “Cứ chiều về là thương lái tập trung hỏi mua, nhưng nhà vẫn không đủ rau bán. Cũng nhờ trồng rau, đời sống gia đình tôi ngày càng đi lên, con cái được ăn học trưởng thành”, anh Tấn kể.

Mô hình trồng bầu trên, rau dưới của anh Phạm Văn Kế, thôn Tú Loan 3.
Mô hình trồng bầu trên, rau dưới của anh Phạm Văn Kế, thôn Tú Loan 3.

Hiện vườn nhà anh có 3 sào đất được trồng đủ các loại rau. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm chiếc máy cày nhỏ để làm đất và cả hệ thống tưới nước tự động. Mùa nắng nóng, vườn rau của anh được lợp một lớp lưới mỏng phía trên cùng với nguồn nước tưới thường xuyên nên rau lúc nào cũng xanh tốt, bán được giá cao. Mô hình trồng rau kết hợp với chăn nuôi đã mang lại cho gia đình thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.  

Việc trồng rau ở thôn Tú Loan 3 đã mang lại cuộc sống ổn định cho bà con nông dân, góp phần làm cho vùng đất cát ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, về lâu dài, bà con đang rất mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư máy móc và nước tưới... “Sắp tới, chúng tôi sẽ cho thành lập tổ hợp tác trồng rau để bà con tham gia sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, tạo thêm các mối liên kết để giúp cho hội viên có vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, yên tâm sản xuất lâu dài” ông Phạm Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hưng nói thêm.

Xuân Vương