.

Phát triển mô hình trồng mướp đắng an toàn

Thứ Hai, 20/03/2017, 14:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Trồng mướp đắng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGap) ở xã Hưng Thủy, Lệ Thủy là mô hình kinh tế mới, thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền địa phương và nhà nông. Mô hình này đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người nông dân ở địa phương.

Mướp đắng là một loại rau quả trồng và bán được quanh năm trên thị trường, vì vậy, nhiều năm nay, người dân xã Hưng Thủy đã trồng mướp đắng với diện tích hơn 43ha. Tuy nhiên, sản phẩm mướp đắng sau thu hoạch chưa được kiểm nghiệm và rơi vào tình trạng chung: được mùa – mất giá. Hiểu được khó khăn của người dân, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thành lập Tổ hợp tác sản xuất mướp đắng sạch an toàn vệ sinh thực phẩm Hưng Thủy gồm 14 hộ ở thôn Tương Trợ.

Với lợi thế địa phương là vùng đất pha cát rất thích hợp trồng cây mướp đắng, các thành viên của Tổ hợp tác đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng cây mướp đắng áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGap).

Muốn cây phát triển nhanh, nhiều trái, người trồng phải nắm vững kỹ thuật từ khâu ngâm hạt giống, giâm vào bầu tro cho tới việc xới đất, vun luống, đặt dây, cắt ngọn, bón phân và phun thuốc sao cho đúng kỹ thuật. Theo đó, mỗi sào cần 180 cây giống; 1,3 tấn phân chuồng; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; thường xuyên làm sạch cỏ, không để cỏ cạnh tranh dinh dưỡng; dùng nguồn nước sạch để tưới, tuyệt đối không sử dụng nước thải chưa qua xử lí; cần phải xới đất, vun cao trước khi cắm giàn.

Bên cạnh đó, để năng suất, chất lượng mướp đắng đạt cao, chính quyền xã đã quy hoạch gọn vùng trồng mướp, bảo đảm các khâu tưới tiêu, bảo vệ cây trồng.  Ngoài ra, quá trình trồng và chăm sóc cây mướp đắng đều phải có sự kiểm tra, giám sát của Tổ hợp tác, UBND xã Hưng Thủy và cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện nhằm bảo đảm sản phẩm mướp đắng được an toàn.

Hiện nay, toàn xã Hưng Thủy mới trồng thử nghiệm 2ha cây mướp đắng áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGap. Để mô hình này ngày càng được nhân rộng và trở thành thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, UBND xã Hưng Thủy đã có kế hoạch cụ thể. Trong đó, xã sẽ chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm

Việc hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng mô hình sản xuất mướp đắng an toàn của UBND xã Hưng Thủy không chỉ mở ra hướng đi mới cho nông dân mà còn tạo tiền đề cho việc phát triển gắn với điều kiện lợi thế của địa phương, sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần giúp nhiều hộ nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đặc biệt, trong định hướng xây dựng NTM, với những mô hình phát triển nông nghiệp mới, Tổ hợp tác trồng mướp đắng an toàn trên địa bàn xã Hưng Thủy đã chứng minh cho phương châm liên kết bền vững của "3 nhà" (Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông). Đây chính là cơ sở để hình thành các vùng trồng rau quả an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng trong và ngoài huyện.

Vân Anh
(Đài TT-TH huyện Lệ Thủy)