.

Quảng Trạch: Nhìn lại một năm dồn điền, đổi thửa

Chủ Nhật, 26/03/2017, 14:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực tế cho thấy, mặc dù tình hình từ sản xuất nông nghiệp trong những năm qua trên địa bàn huyện Quảng Trạch có bước phát triển nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Người dân chủ yếu vẫn sử dụng nguồn lực con người, mức độ cơ giới hóa còn chậm, nguyên nhân chính là do tình trạng ruộng đất manh mún khá lớn, số thửa nhiều và quy mô diện tích lại nhỏ. Trước thực trạng này, Huyện ủy Quảng Trạch đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về "Dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi".

Chương trình Nhằm mục đích tạo nên cánh đồng lớn, các thửa ruộng lớn để có điều kiện cơ giới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi. Đồng thời, Quảng Trạch sẽ khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán để hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân, đáp ứng với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26 (Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành TW khóa X) đã đề ra.

Năm 2016, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch đã tập trung chỉ đạo triển khai thí điểm công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại 3 xã: Quảng Tùng, Quảng Lưu và Cảnh Hóa. Đến nay, sau một năm triển khai thực hiện, xã Quảng Lưu đã dồn điền đổi thửa được tổng diện tích là 270,8 ha. Trong đó, diện tích đất trồng lúa là 270,53ha và diện tích trồng màu là 0,27ha.

Trước dồn điền, toàn xã có 1.274 hộ sử dụng 6.585 thửa, bình quân một hộ sử dụng 5,1 thửa. Tuy nhiên, sau khi dồn điền, xã Quảng Lưu có 1.328 hộ (tăng lên 54 hộ do tách hộ từ bố mẹ ra riêng), sử dụng 2.693 thửa, bình quân một hộ sử dụng 2 thửa.

Nhờ dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa nông nghiệp ở Quảng Trạch có nhiều khởi sắc.  Ảnh: T.H
Nhờ dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa nông nghiệp ở Quảng Trạch có nhiều khởi sắc. Ảnh: T.H

Đối với xã Quảng Tùng, đã tiến hành dồn điền đổi thửa tổng số diện tích là 250,35. Trong đó, đất trồng lúa có 224,63 ha và đất trồng màu có 28,86 ha. Trước dồn điền xã Quảng Tùng có 1.326 hộ sử dụng 3.967 thửa, bình quân một hộ sử dụng 3 thửa. Sau dồn điền, Quảng Tùng có 1.914 hộ, sử dụng 3.420 thửa, bình quân một hộ sử dụng 1,8 thửa.

Nhìn chung, sau dồn điền đổi thửa, hầu hết diện tích đất công ích đã được quy gọn thành vùng tập trung. Sau dồn đổi, 2 xã đã tích tụ được 25,57 ha. Trong đó, xã Quảng Lưu có 20,5 ha và xã Quảng Tùng có 5,07 ha. Số thửa mỗi hộ sử dụng giảm xuống còn 1,8 - 2 thửa. Hệ thống giao thông thủy lợi được bảo đảm tốt, diện tích giao thông tăng. 

Về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay xã Quảng Lưu đang trong quá trình hoàn thành phương án chuyển đổi, tuy nhiên, vụ đông - xuân này, bà con nhân dân ở thôn Phù Lưu đã chuyển đổi thành công một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau và hoa màu cho hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Quảng Tùng, vụ đông - xuân năm 2016 - 2017, bà con nhân dân trên địa bàn đã thực hiện 2 mô hình thí điểm giống mới, trong đó 3 ha giống lúa Thiên ưu 8 do Trạm Khuyến nông thực hiện tại thôn Sơn Tùng và 4 sào giống lúa SV189 do Trạm giống thực hiện tại thôn Di Lộc.

Riêng xã Cảnh Hóa, do trong năm 2016, hai trận lũ liên tiếp đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và sản xuất của bà con nhân dân trên địa bàn, nên công tác dồn điền đổi thửa của địa phương chưa thể hoàn thành.

Qua một năm triển khai, mặc dù tiến độ thực hiện công tác dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của các xã điểm chưa đáp ứng được mục tiêu mà huyện Quảng Trạch đã đề ra, nhưng đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác khi triển khai thực hiện.

Sau khi dồn điền đổi thửa, 2 xã Quảng Lưu và Quảng Tùng đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún; nhân dân đồng tình hiến hàng chục ngàn m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch gọn được vùng đất công; hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, bà con nhân dân xã Quảng Lưu đã hiến hơn 60.000m2 đất để quy hoạch các công trình giao thông nội đồng, kênh mương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ về những kết quả mà xã Quảng Lưu đạt được trong công tác dồn điền đổi thửa, ông Biền Ngân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Thành công trong công tác dồn điền đổi thửa tại xã Quảng Lưu là nhờ sức mạnh tổng hợp, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân.Từ sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự chỉ đạo của chính quyền, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho nông dân. Bên cạnh đó, khi các thôn tổ chức hội nghị họp dân để bàn về công tác này, chúng tôi đã phân công các đồng chí đảng ủy viên và các ban ngành về tận từng thôn, xóm họp cùng với bà con.Đặc biệt, chúng tôi đã để cho người dân các thôn họp bàn để tự phân loại diện tích đất ruộng tốt, ruộng xấu và thống nhất để chia thửa. Nhờ đó, sau khi dồn đổi, bà con rất hài lòng và phấn khởi. Vụ đông – xuân năm 2016 - 2017, trên địa bàn xã đã tiến hành gieo cấy hết 100% số diện tích đất lúa".

Trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại cần khắc phục sau một năm triển khai thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, năm 2017, huyện Quảng Trạch tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung rà soát quỹ đất, tổ chức chia đất thực địa. Phấn đấu đến cuối năm nay, toàn huyện sẽ có thêm 5 xã là: Quảng Liên, Quảng Phương, Quảng Thạch, Phù Hóa và Cảnh Hóa (trong đó xã Cảnh Hóa tiếp tục thực hiện vì chưa hoàn thành trong năm 2016) hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Minh Ánh
(Đài TT-TH Quảng Trạch)