.

Khởi sắc từ 135

Thứ Sáu, 30/12/2016, 13:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016, từ nguồn vốn của Chương trình 135 (59.411 triệu đồng), tỉnh ta đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất... cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được được cải thiện, góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Quảng Bình là tỉnh có 64 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc miền núi, với diện tích 6.649km2, chiếm trên 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó có 44 xã và 27 thôn bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135. Tổng số hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số là 4.302 hộ, chiếm 76,89%; hộ cận nghèo là 493 hộ, chiếm 8,81% /hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, Chương trình 135 năm của tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Chương trình đã hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc... ở các xã đặc biệt khó khăn. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng bào được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc, công cụ sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, đời sống của đồng bào đã được cải thiện đáng kể.

Năm 2016, thực hiện chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh đã đầu tư 43.740 triệu đồng để xây dựng 94 công trình, trong đó, khởi công mới 36 công trình (tổng kinh phí đầu tư 12.438 triệu đồng); hoàn thành chuyển tiếp 13 công trình (tổng kinh phí đầu tư: 7.356 triệu đồng); hoàn thành 37 công trình (kinh phí 18.136 triệu đồng) và chuẩn bị đầu tư 8 công trình (kinh phí 910 triệu đồng)...

Trạm Y tế Nam Hóa (Tuyên Hóa), được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135 đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Trạm Y tế Nam Hóa (Tuyên Hóa), được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135 đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hiện đã giải ngân được 42.830 triệu đồng, đạt 97,91% kế hoạch. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn và thôn, bản đặc biệt khó khăn năm 2016 là 12.915 triệu đồng, tập trung chủ yếu cho các nội dung: hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất; mua sắm thiết bị máy móc, công cụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Tổng kinh phí đã giải ngân là 12.651 triệu đồng đạt 97% kế hoạch. Ngoài ra, UBND các huyện đã bố trí nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng cho 63 công trình và đã triển khai thực hiện hoàn thành đưa vào sử dụng, giải ngân nguồn vốn đạt 100% kế hoạch...

Để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trên tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án khác kết hợp với nguồn vốn Chương trình 135, ngân sách địa phương và nguồn lực của cộng đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương.

Nhờ nguồn vốn đầu tư lồng ghép của các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, rẻo cao, vùng khó khăn của tỉnh. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa;  tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và các nguồn điện khác chiếm 94,3% với tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 84%; trên 87% số học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường đầy đủ.

Có được kết quả trên là do Chương trình 135 tại tỉnh Quảng Bình được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở và thu hút sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể, người dân. Các hợp phần của chương trình được thiết kế tương đối phù hợp với nhu cầu thực tế. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng được thực hiện song hành cùng hỗ trợ phát triển sản xuất đã cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, hướng đến giảm nghèo bền vững ở vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý, thực hiện lồng ghép, huy động nguồn lực nhằm thực hiện đồng bộ các nội dung của Chương trình 135 như: Nghị quyết 30a, Chương trình nước sạch, kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá trường học...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình 135 tại Quảng Bình cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Năm 2016, kinh phí Trung ương bố trí cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng mới được 90%, trong đó chưa bố trí nguồn vốn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, vì vậy ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện ở cơ sở. Vấn đề huy động sự đóng góp của nhân dân còn quá ít, sự tham gia đóng góp của người dân trên địa bàn hưởng lợi rất thấp.

Nhiều địa phương không huy động được ngày công nào, mặc dù có nhiều công việc người lao động bình thường có thể tham gia như: đào đất đá, vận chuyển vật liệu... Chưa có công trình nào xã đứng ra tổ chức cho dân làm, thậm chí ngay cả khi xã làm chủ đầu tư. Công tác quản lý nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, khó đánh giá được hiệu quả của nguồn vốn...

Để từng bước khắc phục khó khăn, toàn tỉnh đang tập trung nhiều hoạt động, trong đó chú trọng đến việc điều tra xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục đầu tư vào các nội dung như xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng các công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất... nhằm tạo điều kiện cho các địa phương còn nhiều khó khăn vươn lên về mọi mặt.

Nhật Văn