.

Để người dân sống gần rừng ổn định sản xuất

Thứ Năm, 29/12/2016, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương, chính sách giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống gần rừng phát triển kinh tế, vươn lên ổn định đời sống, đến nay toàn tỉnh chỉ giao được trên 40% diện tích đất đã thu hồi. Do còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ diện tích đất giao cho người dân sử dụng còn thấp so với diện tích thu hồi, công tác giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống gần rừng thực sự là bài toán khó đối với một số đơn vị, địa phương liên quan.

Công tác giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống gần rừng được tỉnh ta bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2012. Qua quá trình triển khai rà soát, bóc tách, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh thu hồi trên 8.467 ha đất của các nông, lâm trường giao cho địa phương quản lý; trong đó huyện Lệ Thủy 2.902 ha, Quảng Ninh 3.882 ha, Bố Trạch gần 1.306 ha, Tuyên Hóa 223 ha, Quảng Trạch 154 ha.

Sau khi thu hồi, các địa phương đã tập trung xây dựng phương án và tiến hành các thủ tục giao đất cho các hộ dân trên tinh thần khu vực dễ giao trước, khó giao sau. Các khu vực khó khăn không có chi phí đo đạc thì giao đất thực địa cho các hộ ổn định sản xuất trước, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã giao được gần 3.466 ha, đạt 40,3% diện tích đất đã thu hồi; trong đó huyện Lệ Thuỷ đã giao được 375 ha, Quảng Ninh 2.093,6 ha, Bố Trạch 822 ha, Tuyên Hóa 223 ha...

Rừng trồng sản xuất của người dân huyện Bố Trạch.
Rừng trồng sản xuất của người dân huyện Bố Trạch.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng số diện tích đất đã giao cho người dân sử dụng đạt thấp so với diện tích thu hồi, chúng tôi được biết, do phần lớn diện tích đất thu hồi từ các lâm trường là đất rừng tự nhiên sản xuất chưa được chuyển đổi sang rừng trồng nên dẫn đến vướng mắc do quy định của Lật Đất đai.

Để bảo đảm liền vùng, liền khoảnh, thuận lợi cho các nông, lâm trường trong công tác bảo vệ rừng, trong quá trình rà soát một số diện tích đất đã thu hồi có vị trí không thuận lợi, xa khu dân cư, một số khu vực rừng có trữ lượng và núi đá nên không giao được cho dân. Ngoài ra, do một số diện tích đất sau thu hồi còn có tài sản của các nông, lâm trường chưa được xử lý nên các địa phương chưa lập phương án để giao đất cho các hộ dân...

Qua khảo sát thực tế tại các đơn vị, chúng tôi được biết, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh bàn giao huyện Lệ Thuỷ khoảng 4,5 ha đất có tài sản cây cao su; Công ty TNHH MTV Long Đại bàn giao cho huyện Lệ Thuỷ trên 105 ha đất có tài sản cây keo lai, huỵnh và luồng, bàn giao cho Quảng Ninh gần 72 ha có cây keo lai, thông nhựa và Bố Trạch 31 ha có cây keo lai, thông nhựa; Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình bàn giao huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn gần 200 ha có cây thông nhựa và cây keo (trong đó xã Quảng Kim 39,2 ha, Quảng Đông gần 26 ha, Quảng Phú 5 ha, Quảng Châu 49,4 ha, Quảng Sơn 78 ha và Quảng Tiên 2,2 ha).

Nhằm thúc đẩy tiến độ công tác rà soát giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ dân sống gần rừng ổn định cuộc sống, UBND các huyện đang tập trung hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những diện tích đất đã giao. Đối với những diện tích đất hiện tại đang được UBND xã quản lý, có thể giao được cho dân sản xuất thì các địa phương đó phải xây dựng phương án cụ thể để tiếp tục giao cho dân, giảm áp lực từ việc thu hồi đất nông, lâm trường.

Theo quy định tại Điều 135, Luật Đất đai 2013 thì đất rừng tự nhiên sản xuất chỉ giao cho tổ chức quản lý rừng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, không giao cho người dân và cộng đồng dân cư. Do vậy, đối với diên tích đất rừng tự nhiên sản xuất được thu hồi từ các công ty, ngành NN và PTNN phải thực hiện việc điều tra, đánh giá hiện trạng đất nhằm đề xuất phương án chuyển đổi sang đất rừng trồng sản xuất, khai thác tận thu để có quỹ đất giao cho dân hoặc cộng đồng theo quy định.

Các ngành chức năng và đơn vị liên quan cũng cần xác định rõ chi phí đã đầu tư trên đất đối với diện tích đất thu hồi có rừng trồng và lập phương án xử lý dứt điểm, nhằm vừa tạo điều kiện cho các công ty thu hồi vốn, vừa thuận lợi trong việc giao đất cho dân. Trước khi thu hồi đất, các ngành, đơn vị liên quan cần rà soát và đánh giá kỹ hiện trạng đối với những diện tích địa phương đề nghị thu hồi để tránh tình trạng thu hồi đất rừng tự nhiên có trữ lượng, địa hình khó khăn không trồng được rừng như vừa qua.

Các ngành, lực lượng chức năng cũng nên tăng cường tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất đối với diện tích đất đã giao những chưa sử dụng nhằm có cơ sở đánh giá hiệu quả của việc thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ dân sống gần rừng.

Hiền Chi