.

Bố Trạch: Nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ

Thứ Sáu, 25/11/2016, 14:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Với riêng địa bàn huyện Bố Trạch, năm 2016 là năm sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sản xuất nông nghiệp năm 2016 trên địa bàn huyện Bố Trạch đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện địa phương đang chỉ đạo bà con khắc phục hậu quả đợt lũ vừa qua, đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở bố trí lại cơ cấu giống, khôi phục tổng đàn…

Năm 2016, ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển và diễn biến phức tạp của thời tiết đã gây tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch. Cùng với đó, giá một số nông sản thấp, thị trường đầu ra thiếu ổn định đã hạn chế đến tâm lý đầu tư và mở rộng diện tích trên một số loại cây trồng.

Nhiều công trình thuỷ lợi được sửa chữa kịp thời bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp.
Nhiều công trình thuỷ lợi được sửa chữa kịp thời bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân toàn huyện, sản xuất nông nghiệp năm 2016 trên địa bàn Bố Trạch đã đạt nhiều kết quả tích cực: tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thuỷ sản ước đạt 2.019,3 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm 2015); trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6,8%, lâm nghiệp tăng 10%.

Đáng chú ý là, trong thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa tỷ lệ sử dụng giống mới vào sản xuất được Bố Trạch đẩy mạnh theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã góp phần đưa tổng diện tích gieo trồng đạt 19.076ha (tăng 5,4% so với cùng kỳ); tổng sản lượng lương thực đạt 52.607 tấn (tăng 4% so với cùng kỳ). Chăn nuôi phát triển thuận lợi, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, các dịch bệnh được khống chế tạo điều kiện cho người chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất. Riêng lĩnh trên vực thuỷ sản, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng có giảm đáng kể do ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 năm 2016, trên địa bàn huyện Bố Trạch xảy ra mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng. Đợt mưa lũ đã gây thiệt hại 337 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông lâm 94 tỷ đồng; thiệt hại về chăn nuôi 41 tỷ đồng; thiệt hại về thuỷ sản 17 tỷ đồng. Nhiều công trình thuỷ lợi và hệ thống kênh mương bị hư hỏng; nguồn giống cây trồng và hàng trăm đàn gia súc, gia cầm bị thu hẹp về số lượng...

Nhằm giúp bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt lũ, kịp thời ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, ngay sau lũ, huyện đã tập trung chỉ đạo kiểm tra hiện trạng các công trình giao thông, hồ đập, đê kè; đánh giá đúng mức độ hư hỏng để từ đó có biện pháp sửa chữa kịp thời, bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân.

UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai khắc phục sớm nhất điểm sạt lở tại khu vực Vực Chèo (xã Phúc Trạch) và tuyến đường từ Ba Trại đi xã Liên Trạch; chủ động khắc phục các công trình thủy lợi để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông - xuân 2016-2017 và kế hoạch phát triển nông nghiệp năm 2017, với mục tiêu đề ra là duy trì tốc độ tăng trưởng nông – lâm – thuỷ sản; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu  nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch chia sẻ: Vụ đông-xuân năm nay, huyện Bố Trạch tiến hành gieo cấy 5.350 ha lúa và 5.050 ha các loại ngô, sắn, lạc. Nhằm bảo đảm cho một mùa vụ thắng lợi, huyện đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng sửa chữa, khắc phục các điểm hư hỏng tại một số tuyến đê và hệ thống kênh mương bị ảnh hưởng do lũ.

Cùng với đó, công tác hỗ trợ giống cũng được huyện triển khai kịp thời theo quy định. Ngoài việc chủ động hướng dẫn cho bà con đăng ký mua nguồn giống bảo đảm chất lượng, huyện đã tiến hành trợ giá cho các giống lúa chất lượng cao.

Chẳng hạn như giống P6, SV181, PC6, GL105, SVN1... được hỗ trợ với mức 3.000 đồng/kg; giống lúa lai được hỗ trợ với mức 10.000 đồng/kg;  giống ngô lai mới DK 9901, NK6326, CP501, PAC399, PAC999... được hỗ trợ với mức 10.000 đồng/kg; giống lạc SVL1 được hỗ trợ với mức 6.000 đồng/kg... nhằm giúp bà con triển khai gieo cấy theo đúng lịch thời vụ.

Bà Trần Thị Thuý Hà, thôn Bắc Giang, xã Hưng Trạch chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 sào lúa và 2 sào ngô, lạc. Đợt lũ vừa rồi nước vào nhanh trở tay không kịp nên toàn bộ số giống bị mất cả; phần thì bị nước lũ cuốn trôi, phần giữ lại được thì bị ngâm nước, lên mầm cả nên không còn hạt giống để gieo trồng vụ sau. Cũng may là được bà con chòm, xóm giúp đỡ, đặc biệt là được chính quyền địa phương hỗ trợ giá giống nên gia đình tôi cũng yên tâm sản xuất”.

 Bà con nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông-xuân.
Bà con nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông-xuân.

Ngoài việc hỗ trợ giá giống, huyện Bố Trạch còn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, bám sát Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi thuỷ sản giai đoạn 2016 – 2020, huyện chủ trương đối với các chân ruộng khác nhau, tùy theo điều kiện để có phương án cụ thể theo định hướng chuyển đổi đồng thời áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa; đẩy mạnh chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như cây dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng bỏ ruộng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đồng thời, tạo điều kiện nhằm từng bước mở rộng diện tích trồng ngô làm cây thức ăn phục vụ chăn nuôi; phát triển ngô thực phẩm ở các vùng đủ điều kiện để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích...

Cùng với đó, lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng phát triển theo hướng chất lượng, giá trị. Đẩy mạnh triển khai xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chỉ đạo tốt công tác tiêm phòng dịch và khâu kiểm tra giám sát thú y phòng trừ dịch bệnh đồng thời tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư phát triển sản xuất. Tổ chức khôi phục và đẩy mạnh công tác nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ phát triển thuỷ sản, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển.

Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tin rằng Bố Trạch sẽ có thêm một vụ mùa đông - xuân bội thu, tạo đà thắng lợi cho kế hoạch phát triển nông nghiệp năm 2017.

Thanh Hải