.

Khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau lũ

Thứ Ba, 22/11/2016, 14:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau những đợt lũ chồng lũ vừa qua, Quảng Bình không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn bị ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Hiện nay, để kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất cho người dân, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm sau lũ.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay số lượng gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi là trên 1 triệu con, trong đó trâu, bò có 255 con (chiếm khoảng 0,17% tổng đàn); lợn 12.199 con (chiếm 33,8% tổng đàn); gia cầm 1.007.020 con (chiếm 47% tổng đàn); dê 115 con.

Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được thực hiện tốt tại các địa phương.
Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được thực hiện tốt tại các địa phương.

Cùng với những thiệt hại nặng nề trước mắt, các địa phương cũng đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch bệnh bởi mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, cộng thêm ngập lụt cục bộ là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh, phát triển.

Lệ Thủy là huyện có số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại nhiều nhất trong đợt lũ vừa qua với 518.018 con bị chết và cuốn trôi, đây lại là địa phương có nhiều vùng thấp trũng dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Trước tình hình đó, bà Phan Thị Minh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Lệ Thủy cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh kịp thời sau mưa lụt, địa phương đang tập trung chỉ đạo các thôn, xã kiểm tra các hộ dân chăn nuôi để kịp thời phát hiện dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt; công tác tiêm phòng định kỳ cũng đang được triển khai đến tận các thôn, xóm, hộ dân. Sau lũ lụt, nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm rất khan hiếm do ngập úng lâu ngày rau màu, đồng cỏ bị hư hỏng, dập nát và ô nhiễm, Trạm Thú y huyện đã phối hợp với các địa phương linh động hướng dẫn bà con nông dân tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như:  cỏ tự nhiên, chuối, rơm, thức ăn dự trữ,... Các nguồn thức ăn này cần phải bảo đảm được rửa sạch, nhằm bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi, đồng thời phòng tránh những mầm bệnh có thể bùng phát sau lũ lụt.

Cùng sát cánh, giúp đỡ bà con nông dân vượt qua khó khăn sau thiệt hại nặng nề trong chăn nuôi do mưa lũ gây ra, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Sau mưa lũ, công tác phòng dịch là khâu quan trọng, được ưu tiên hàng đầu, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Vệ sinh chuồng trại thường xuyên là một trong những công việc quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.
Vệ sinh chuồng trại thường xuyên là một trong những công việc quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.

Do đó, sau khi nước rút, Chi cục đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo bà con kịp thời tiến hành quét dọn bùn, rác khu vực chuồng trại chăn nuôi, vườn nhà; thu gom phân, rác, chất độn chuồng, chất thải ở nơi nhốt, xác chết gia súc, gia cầm để chôn, tiêu hủy; cọ rửa dụng cụ chăn nuôi, nền chuồng bằng xà phòng. Sau đó tiêu độc khử trùng bằng hóa chất chuồng trại, xung quanh chuồng trại, những nơi tiêu hủy gia súc, gia cầm,... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho vật nuôi.

Để công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng được triển khai tốt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hỗ trợ 15 tấn hóa chất cho các địa phương, đồng thời cử cán bộ thú y bám sát địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Công tác tiêm phòng tại các địa phương tiếp tục được triển khai, với mục tiêu đạt 100% kế hoạch được giao.

Cùng với công tác xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo bà con nhanh chóng phục hồi các đồng cỏ bị hư hỏng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu thức ăn của vật nuôi trong thời gian tới. Hiện nay là thời điểm các địa phương bắt đầu vụ ngô, Chi cục khuyến khích bà con trỉa ngô dày để tận dụng nguồn thức ăn cho chăn nuôi từ thân, lá ngô trong giai đoạn khan hiếm thức ăn. Chi cục cũng kêu gọi các công ty, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi kịp thời cung ứng, hỗ trợ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm sau mưa lũ...

Để có thể khôi phục nhanh chóng việc phát triển đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân trong tỉnh, ông Trần Công Tám cho biết, chủ trương của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ưu tiên hỗ trợ khôi phục cho các trang trại chăn nuôi lớn trước, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Về con giống, cần có chính sách hỗ trợ lấy giống từ Trung tâm giống để bảo đảm việc sinh trưởng, phát triển tốt của vật nuôi...

Lê Mai