.

Quảng Ninh: Tập trung khôi phục sản xuất

Thứ Hai, 21/11/2016, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Tranh thủ thời tiết tạm ổn sau lũ, cấp uỷ, chính quyến các cấp và bà con nông dân Quảng Ninh đang nỗ lực vừa khắc phục hậu quả thiên tai vừa nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống.

Đồng chí Nguyễn Viết Ánh, Chủ tich UBND huyện khen tặng những tập thể đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Viết Ánh, Chủ tich UBND huyện khen tặng những tập thể đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp năm 2016.

Sau hai trận lũ liên tiếp trong tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, ngoài thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, trang thiết bị, Quảng Ninh còn có hàng chục nghìn con gia cầm, gia súc bị chết và lũ cuốn trôi cùng nhiều diện tích rau màu bị hư hại. Hàng trăm công trình đê, kè, kênh mương và đường giao thông cũng bị hư hỏng... Ước tổng thiệt hại lên đến khoảng trên 120 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm ổn định tình hình và đời sống người dân, ngoài việccứu trợ kịp thời cho người dân, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung tu sửa lại đường sá, đê kè, kênh mương, giao thông nội đồng... Tuy còn ngổn ngang bao khó khăn, nhưng chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh xác định phải nhanh chóng khôi phục sản xuất, trong đó triển khai tốt vụ sản xuất đông-xuân bảo đảm theo đúng lịch thời vụ.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong trong sản xuất nông nghiệp năm 2016, đặc biệt là sản xuất cây trồng 2 vụ trên địa bàn đạt và vượt kế hoạch, trong đó, cây lúa 8.798 ha (đạt 107,29% kế hoạch), năng suất đạt 55,06 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực 2 vụ đạt 49.234 tấn (đạt 100,5% kế hoạch)..., toàn huyện Quảng Ninh đang bước vào triển khai vụ đông-xuân 2016-2017 với động lực và quyết tâm cao.

Để tiếp tục nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, huyện đã có phương án chuyển đổi cây trồng hợp lý ở các địa phương có nguy cơ thiếu nguồn nước tưới chân đất lúa năng suất thấp như: Long Đại, Phúc Duệ, Chợ Gộ, Quảng Xá, Thế Lộc, Vạn Phúc...

Trong đó, ưu tiên các cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định, lựa chọn cây trồng phù hợp như: ngô, dưa hấu, mướp đắng, đậu xanh. Đồng thời, khai thác các diện tích đất hoang hoá đưa vào trồng sắn nguyên liệu và các loại cây ngắn ngày khác như: lạc, vừng, đậu các loại và trồng cỏ chăn nuôi. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích vận động nhân dân tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích ở các xã: An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Gia Ninh... Riêng đối với xã Hải Ninh, huyện đã có kế hoạch về chính sách hỗ trợ giá giống khoai lang cho người dân kịp sản xuất, mức hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.

Về giống lúa, đối với vụ này, các giống trung và ngắn ngày có năng suất và chất lượng như: TBR225, TBR1, XT28, lúa lai... được cơ cấu vào sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do thời tiết mưa rét đầu vụ gây ra, nhất là diện tích thấp trũng ở các xã: Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh... Việc Quảng Ninh cơ cấu giống chặt chẽ theo vùng và chỉ cơ cấu 3-4 giống/vụ là để tránh tình trạng phân tán, manh mún nhằm tạo điều kiện cho đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, hạn chế khả năng lây lan của các loại sâu bệnh và dịch hại trên đồng ruộng.

Nông dân xã Hải Ninh đang tiến hành trồng khoai lang vụ đông.
Nông dân xã Hải Ninh  trồng khoai lang vụ đông.

Trước mắt, huyện chủ động đưa ra các phương án hỗ trợ kịp thời như: hỗ trợ giá giống lúa TBR225 với định mức 80 kg/ha, mức hỗ trợ 5.000 đồng/kg; giống lúa xác nhận, định mức 100 kg/ha, mức hỗ trợ 2.000 đồng/kg (áp dụng cho cả 2 vụ); giống ngô nếp lai HN88 định mức 20 kg/ha, 100.000 đồng/kg.

Cùng với chủ động công tác dự tính dự báo tương đối chính xác để phòng trừ kịp thời, huyện cũng đã yêu cầu các địa phương trên địa bàn cần phải chủ động xây dựng phương án phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng ngay từ đầu vụ; đặc biệt công tác diệt chuột, ốc bươu vàng, cây mai dương phải tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng loạt. Huyện cũng sẽ trích kinh phí hỗ trợ thuốc diệt chuột sinh học, mức hỗ trợ 50% giá trị (đối với cả 2 vụ).

UBND huyện chỉ đạo các chi nhánh thủy nông trên địa bàn phối hợp chặt chẽ các địa phương, để chủ động kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới, tiêu hợp lý ngày từ đầu năm. Với phương châm tiết kiệm nước vụ đông-xuân để sản xuất vụ hè-thu và có lịch tưới cụ thể để bảo đảm nguồn nước kịp thời phục vụ sản xuất, nhất là những diện tích cuối nguồn.

Hy vọng rằng, với quyết tâm khắc phục khó khăn cao và sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp nhịp nhàng của các ban, ngành cộng với sự cố gắng, tích cực của người dân, vụ đông-xuân 2016-2017 sẽ là vụ mùa thắng lợi trên địa bàn Quảng Ninh.

H.Trà