.

Xây dựng mô hình liên kết trong chăn nuôi ở Bố Trạch - Kỳ 1: Giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ Sáu, 05/08/2016, 13:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Sở hữu tiềm năng to lớn về đất đai, thổ nhưỡng với vùng đồng bằng phì nhiêu và vùng gò đồi rộng lớn… Bố Trạch là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi. Nếu như trước đây, chăn nuôi ở Bố Trạch phát triển theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả kinh tế chưa cao; thì nay, với việc thực hiện tốt các dự án, mô hình mới, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện đã và đang phát triển bền vững, hiệu quả.

Hướng đi phù hợp

Không thể phủ nhận một điều rằng ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch thời gian qua có những chuyển biến tích cực cả về số lượng cũng như chất lượng và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Năm 2010 tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 44,76%, đến nay tỷ trọng chăn nuôi chiếm 49%.

Phong trào nuôi cá lồng trên sông Son phát triển mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Đinh Lan
Phong trào nuôi cá lồng trên sông Son phát triển mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Đinh Lan

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch vẫn còn những hạn chế như quy mô nhỏ, chủ yếu là sản xuất nông hộ; chăn nuôi mang tính quảng canh, nuôi tận dụng còn chiếm tỷ trọng lớn nên tầm vóc, thể trọng gia súc còn nhỏ.

Kèm theo đó là chất lượng đàn còn thấp, tỷ lệ bò lai, lợn ngoại chiếm tỷ lệ không cao so với tổng đàn. Chăn nuôi các đối tượng đặc sản, giá trị còn ít trong khi giá thành sản xuất lại cao. Sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường còn thấp, tiêu thụ khó khăn, thiếu bền vững; chưa có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp đầu mối với các trang trại, gia trại và nông dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cẩm Long, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch cho biết: hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ tuy đã góp phần giải quyết nhu cầu thực phẩm tại chỗ, cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn nhưng lại đang bộc lộ rất nhiều hạn chế như trình độ nuôi lạc hậu, phát triển không tập trung, ảnh hưởng xấu đến môi trường, công tác phòng tránh dịch bệnh khó kiểm soát và gây thiệt hại lớn.

Cùng với đó, việc xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chưa được quy hoạch cụ thể khiến công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng giá trị, bền vững, chất lượng; từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại, huyện Bố Trạch chủ trương phát triển chăn nuôi nông hộ đối với vùng nông thôn có mật độ dân cư thưa (vùng gò đồi); khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để làm được điều đó, những năm qua, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình mới. Trong đó chú trọng thực hiện tốt “Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn II (2011-2015)” nhằm tạo tiền đề thực hiện thành công “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 – 2020”.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đàn bò 23.000 con (bò lai chiếm trên 35%); đến 2020 là 23.500 - 25.000 con (bò lai chiếm trên 60%). Đàn lợn duy trì quy mô ổn định hợp lý, tập trung phát triển về chất lượng; phấn đấu đến năm 2015 có 127.680 con (trong đó tỷ lệ lợn có máu ngoại chiếm 83%); năm 2020 có 206.080 con (tỷ lệ lợn có máu ngoại chiếm 95%). Riêng đàn gia cầm, phấn đấu đến năm 2015 có 710.000 con, đến 2020 có 960.000 con, (đàn gà 880.000 con).

Những kết quả bước đầu

Từ những mục tiêu và định hướng cụ thể, huyện Bố Trạch đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp về kỹ thuật, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi trong chăn nuôi; tập trung phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao đi đôi với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong đó coi khâu giống là yếu tố then chốt. Hiện toàn huyện có 13 máy ấp trứng gia cầm, trong đó có 3 lò ấp lớn ở xã Hạ Trạch, Lâm Trạch, Nhân Trạch đã tạo ra con giống cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện.

Công tác giống đã có sự quản lý về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng đối với giống lợn nái ngoại, lợn đực ngoại, bò đực giống và giống gia cầm. Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn đều tự túc con giống nuôi thịt, riêng giống nuôi nái đều mua ở những trung tâm có uy tín, nguồn gốc rõ ràng.

 Chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp ở Bố Trạch.
Chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp ở Bố Trạch.

Đồng thời, mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò phát triển ở hầu hết các địa phương trong huyện đã tạo được nguồn thức ăn chủ động cho chăn nuôi trâu, bò. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được tăng cường góp phần hạn chế được thiệt hại cho đàn gia súc, gia cầm do các dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, đa số các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đều kết hợp theo mô hình vườn - ao - chuồng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Song song với các giải pháp kỹ thuật, huyện Bố Trạch đã chủ động lồng ghép các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh, hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn huyện; đồng thời phối hợp với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hỗ trợ xây dựng hầm biogas cho 60 hộ gia đình; khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, chăn nuôi sạch nhằm giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, tiến tới một nền nông nghiệp sạch. Các giải pháp về cơ chế, chính sách được thực hiện đúng quy trình nhằm hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân.

Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, những năm qua tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện Bố Trạch tăng mạnh cả về quy mô và số lượng, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp từ 44,55% (năm 2011) tăng lên 48% (năm 2014).

Tính đến nay, toàn huyện có số đàn trâu là 7.220 con (tăng 0,14% so cùng kỳ), đàn bò là 23.822 con (tăng 0,94% so cùng kỳ), trong đó bò lai chiếm 34,5% tổng đàn; đàn lợn là 114.048 con (tăng 5,69% so cùng kỳ); đàn gia cầm có 668.760 con (bằng 99,71% so cùng kỳ). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 9.617,92 tấn, tăng 7,06% so cùng kỳ.

Và điều đặc biệt hơn cả là các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch đã thực sự thâm nhập được vào thị trường nội, ngoại tỉnh; đã có khả năng cạnh tranh không thua kém gì so với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác.

Thanh Hải

Kỳ 2: Đa dạng hóa các mô hình liên kết