.

Trầm lắng… thương mại điện tử

Thứ Tư, 03/08/2016, 16:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng và tiện ích như hiện nay, thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành một trong những kênh mua bán, phân phối hàng hóa hiệu quả nhất. Ở tỉnh ta, bên cạnh Sàn giao dịch thương mại điện tử của Sở Công thương, đã xuất hiện một vài trang thương mại điện tử của các doanh nghiệp, đơn vị nhằm tiếp cận gần hơn với thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng này. Bên cạnh các mặt mạnh tích cực, một thực tế cho thấy sẽ vẫn còn rất nhiều điều phải làm để đưa các trang thương mại điện tử địa phương bắt kịp với xu thế, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng và hoàn thiện các chức năng của mình.

Năm 2013, Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương chính thức ra mắt, mở ra nhiều cơ hội giao thương mới mẻ, tiềm năng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh.

Qua hơn 3 năm triển khai, bà Hoàng Thị Hải Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết, Sàn giao dịch đã tạo dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến thuận lợi, góp phần khai thác có hiệu quả các lợi ích của thương mại điện tử, phát huy những lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thông qua việc tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử, nhận thức của cán bộ quản lý và cộng đồng doanh nghiệp về thương mại điện tử đã được nâng cao rõ rệt. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đã ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng thương mại điện tử trong thực tiễn và hoạt động mua bán trực tuyến đã dần có bước chuyển biến tích cực.

Tín hiệu vui khi một số doanh nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng các phần mềm để phục vụ cho công việc sản xuất kinh doanh của đơn vị, sử dụng thường xuyên các dịch vụ công và bố trí cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Hải Vinh vẫn khẳng định một thực tế là số lượng khách hàng giao dịch qua Sàn thương mại điện tử còn rất thấp, cho nên các giao dịch trên Sàn thương mại điện tử chưa được sôi động và hiệu quả mang lại chưa cao.

Hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh vẫn còn rất trầm lắng...
Hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh vẫn còn rất trầm lắng...

Ghé qua trang Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ www.quangbinhtrade.vn có thể phần nào nhận thấy rõ sự trầm lắng này. Tại thời điểm chúng tôi truy cập vào trang này (ngày 27-7-2016), các bài viết trên trang được cập nhật khá chậm, nhiều bài đinh của chuyên trang, chuyên mục thậm chí xuất hiện từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6 vẫn chưa được thay thế.

Tin về hội chợ thương mại năm 2016 đã diễn ra từ ngày 15-7, nhưng đến ngày 19 mới được cập nhật. Các thông tin thiết yếu cho khách hàng về giá xăng, giá vàng được cập nhật quá chậm, đều đang ở ngày 20-6-2016. Những điều này khiến cho khách ghé thăm trang có cảm giác như trang web bị bỏ quên một thời gian dài. Các sản phẩm tham gia Sàn giao dịch được bố trí theo các ngành hàng, như: Nông, lâm, thủy hải sản; thực phẩm và đồ uống, khoáng sản và cao su; dệt may, thời trang, trang sức... Cách phân loại này có mặt tích cực là chi tiết, cụ thể, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm mặt hàng mà mình có nhu cầu.

Tuy nhiên, bản thân cách thức phân loại này lại có sự chồng chéo nhau, ví dụ: thực phẩm sẽ có cả mặt hàng thủy hải sản; gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ bao hàm hàng thủ công mỹ nghệ... Bên cạnh đó, Sàn giao dịch vẫn chưa có được những nét đặc trưng riêng của thương mại tỉnh nhà, như có gian hàng riêng về các đặc sản Quảng Bình chẳng hạn. Các sản phẩm thiếu đa dạng, thiếu nét đặc trưng, doanh nghiệp tham gia ít ỏi (mới có 55 doanh nghiệp) cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Sàn giao dịch “thưa thớt” khách.

Một điểm đáng lưu ý khác là hỗ trợ trực tuyến của Sàn giao dịch về bán hàng, quản trị luôn trong tình trạng “not online” (không trực tuyến), mà chỉ có địa chỉ thư điện tử, làm giảm đi tính nhanh chóng, tiện lợi trong quá trình tham gia giao dịch tại Sàn của khách hàng.

Sự trầm lắng của Sàn giao dịch thương mại điện tử được Sở Công thương lý giải chủ yếu là do môi trường pháp lý cho thương mại điện tử đang từng bước được hoàn thiện, trong khi việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thương mại điện tử chưa được sâu rộng. Chúng ta chưa có cơ chế giám sát trực tuyến các hoạt động trên môi trường mạng và chế tài xử phạt chưa đủ răn đe các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử.

Mặt khác, nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng thương mại điện tử có phần được cải thiện, song kiến thức chưa chuyên sâu. Các doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa chú trọng đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử, cho nên tỷ lệ ứng dụng trong thực hiện thủ tục hành chính còn rất hạn chế.

Và cũng phải kể đến thói quen, tập quán, tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp quen với việc sử dụng các kênh mua bán, giao dịch trực tiếp truyền thống tại các siêu thị, chợ. Khách hàng chưa có niềm tin và chưa có thiện cảm vào việc mua bán trực tuyến qua mạng.

Trang web www.hotronongdanquangbinh.vn thuộc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội Nông dân tỉnh cũng vừa đưa chức năng thương mại điện tử vào hoạt động. Theo ông Mai Văn Tịnh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, thông qua trang web này, các sản phẩm nổi bật của nông dân tỉnh ta được giới thiệu rộng rãi và được kết nối đến các đối tượng khách hàng quan tâm, từ thực phẩm, như: mật ong, nấm, khoai deo, ngô... cho đến hàng thủ công mỹ nghệ, nón lá, các giống cây trồng, vật nuôi...

Về thực chất, trang web mới chỉ là cầu nối giữa người nông dân và đối tác. Những ai quan tâm đến sản phẩm có thể trực tiếp liên hệ với người sản xuất thông qua địa chỉ trên trang web hoặc thông qua Trung tâm để tìm đến. Nhiều chức năng cần có của một chuyên trang thương mại điện tử, như: hỗ trợ trực tuyến hoặc trực tiếp phân phối, giao bán sản phẩm, vẫn chưa có điều kiện để triển khai. Ông Tịnh chia sẻ, mục đích chính của trang web là thêm một kênh quảng bá, tiêu thụ cho sản phẩm của nông dân tỉnh nhà, Trung tâm còn khó khăn về trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực đối với riêng lĩnh vực thương mại điện tử và khâu tuyên truyền, quảng bá cho trang web.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng thương mại điện tử có vai trò quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giới thiệu, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp cũng như mang lại nhiều cơ hội làm ăn, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng các hoạt động thương mại điện tử của tỉnh ta, ngành Công thương cần tiếp tục nỗ lực phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử; phát triển các dịch vụ công, sản phẩm, ứng dụng công nghệ, dịch vụ về thương mại điện tử và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử.

Bên cạnh sự cố gắng của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi trong cách ứng xử với thương mại điện tử. Cần phải coi đây như một kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả và là thị trường kinh doanh đầy tiềm năng, để từ đó có những chuyển mình tích cực thì mới thực sự mang lại hiệu quả cao cho các sàn giao dịch thương mại điện tử. 

Mai Nhân