.

Tân Hóa cần lắm những công trình phục vụ dân sinh

Thứ Ba, 26/07/2016, 10:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng năm tuy gặp rất nhiều khó khăn bộn bề bởi những cơn nóng giận bất thường của thời tiết, nhưng lúc nào cũng vậy, người dân Tân Hóa luôn vươn mình đứng dậy để trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội, gìn giữ quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng... trên địa bàn huyện Minh Hóa. Tuy nhiên, người dân nơi đây hiện rất cần sự quan tâm hỗ trợ đầu tư một số công trình hạ tầng để di dãn dân tránh lũ và phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực...

Nhu cầu bức thiết về khu di dãn dân tránh lũ

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã cho biết, Tân Hóa hiện có 668 hộ với 3.240 nhân khẩu tập trung sinh sống ở các thôn Cổ Liêm, Rí Rị và Yên Thọ (thôn Yên Thọ được chia làm 5 thôn theo thứ tự từ 1 đến 5-P.V). 6 tháng đầu năm nay tuy bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết kèm theo đó là giá cả thị trường luôn biến động, nhưng người dân trên địa bàn đã tập trung chăm sóc, bảo vệ các loại cây trồng vụ đông xuân với tổng diện tích 386ha.

 Khu vực được xã Tân Hóa lựa chọn xây dựng hạ tầng để di dân tránh lũ.
Khu vực được xã Tân Hóa lựa chọn xây dựng hạ tầng để di dân tránh lũ.

Nhìn chung, kế hoạch thực hiện các loại cây trồng như: lúa, ngô, lạc, sắn, khoai lang... đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với tổng sản lượng lương thực trên 1.400 tấn. Tổng đàn gia súc là 3.339 con, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và đạt 112% so với kế hoạch. Lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng đã được Đảng bộ, chính quyền và người dân đồng thuận “chung sức, chung lòng” thực hiện nên đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, do địa hình thấp trũng lại bị bao quanh là những dãy núi đá vôi nên vào mùa mưa bão Tân Hóa thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân và các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh.

Đặc biệt là trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10-2010, thời điểm đó toàn xã ngập trắng trong nước lũ, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, tỉnh và huyện thì người dân Tân Hóa sẽ phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề. Liên tiếp các năm sau này, cứ thấy mưa to kéo dài là bà con cập rập chuyển đồ đạc vào sinh hoạt trong các nhà phao tránh lũ, gia súc gia cầm thì đưa lên chỗ cao để giảm thiểu thiệt hại.

Ông Trần Thanh Hà ở thôn 4 Yên Thọ cho hay, ở khu vực này là nơi thấp nhất của xã Tân Hóa nên chỉ cần mưa kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ là nước đã ngấp nghé tràn vào nhà, do vậy việc di dân lên vùng đất cao hơn là nhu cầu bức thiết của người dân. Cho dù về chỗ ở mới sẽ không tránh khỏi những khó khăn ban đầu nhưng bà con sẵn sàng chấp nhận để thoát khỏi tình cảnh ngập lụt từ bao đời nay. Nhưng dù có muốn “an cư lạc nghiệp” thì người dân cũng rất khó thực hiện được nếu không có sự quan tâm đầu tư kinh phí để hỗ trợ xây dựng khu dân cư tránh lũ.

Trước tình hình bức thiết này, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Hóa đã đề nghị với huyện thiết lập vùng di dân tránh lũ để hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Địa điểm được chọn là vùng đất cao vượt trên đỉnh lũ lịch sử thuộc thôn Rí Rị, bên cạnh là tuyến đường rộng rãi vươn dài ra đến xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa), từ đó có thể về xuôi qua vùng thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch nên rất thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương buôn bán.

Theo ông Ngô Thanh Đá, khi hoàn thành ở khu vực này sẽ tiếp nhận 186 hộ dân thuộc diện khẩn cấp cần phải di dời ở thôn Yên Thọ với dự kiến mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở. Hiện tại, xã đã tiến hành niêm yết bản đồ nhưng lại thiếu kinh phí khoảng 50 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, cắm mốc và tiến hành các bước tiếp theo nhằm sớm hoàn thành khu di dãn dân tránh lũ.

Cả vùng đất mênh mông bị bỏ hoang về mùa khô hạn.
Cả vùng đất mênh mông bị bỏ hoang về mùa khô hạn.

Cần sự hỗ trợ để xây dựng công trình thủy lợi

Không chỉ đối mặt với những khó khăn vào mùa mưa lũ, người dân Tân Hóa còn gặp phải nạn thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô. Theo chân Bí thư Đảng ủy xã Cao Thanh Bình, chúng tôi về các thôn Yên Thọ và cảm nhận được sự hanh khô của đồng đất nơi đây. Cả cánh đồng mênh mông khét nồng mùi cỏ cháy, không thấy bóng dáng của các loại cây lương thực, nhiều vũng nước trâu đằm cũng nứt nẻ khô khát.

Ông Cao Thanh Bình tâm sự, tài nguyên đất đai thì Tân Hóa sẵn có nhưng lại thiếu nguồn nước tưới vào mùa khô hạn, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu thì khó lường và ngày càng cực đoan hơn. Do vậy, bà con rất muốn các ban, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ đầu tư công trình đập Hói Bụt để cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất (trong đó có khoảng 70ha lúa nước) trên địa bàn. Bởi vì ngoài thôn Cổ Liêm và Yên Thọ đã được đầu tư công trình cung cấp nước sạch thì ở thôn Rí Rị còn phải sử dụng nước khe suối nên không bảo đảm vệ sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Tại vị trí mà xã dự kiến lựa chọn xây dựng công trình thủy lợi này có địa thế rất thuận lợi vì tận dụng được 2 ngọn núi 2 bên, đặc biệt là khe Hói Bụt từ trước đến nay cũng chưa bị khô cạn bao giờ. Nếu có kinh phí chỉ cần xây dựng đập ngăn thì sẽ trữ được lượng nước với dung tích khoảng 25-35 triệu m3, đồng thời hoàn thiện thêm hệ thống đập tràn, kênh mương thì sẽ chủ động được nguồn nước cho bà con.

“Nếu được đầu tư xây dựng khu tái định cư tránh lũ và công trình thủy lợi Hói Bụt thì đời sống và sản xuất của người dân Tân Hóa sẽ ổn định, từ đó tạo sự đột phá về phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nhằm giảm nghèo bền vững”, ông Cao Thanh Bình khẳng định.

M.Văn