.

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm: Thu từ các doanh nghiệp gặp khó

Thứ Tư, 20/07/2016, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2016, các chi cục, đơn vị trong toàn ngành Thuế đã đổi mới hoạt động theo tinh thần bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để có biện pháp thu kịp thời. Kết quả, tổng thu ngân sách 6 tháng được 1.341 tỷ đồng, đạt 47,9% dự toán năm, đạt 93,4% dự toán 6 tháng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Ông Ngô Hữu Cần, Cục trưởng Cục Thuế cho biết, năm nay chỉ tiêu thu ngân sách mà HĐND tỉnh giao tăng 15% so với năm 2015. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm và ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển đã tác động lớn đến công tác thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên nhờ sự nỗ lực của toàn ngành và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp nên nhiều sắc thuế thu đạt chỉ tiêu dự toán địa phương giao.

Kết quả nổi bật là, số thu trong cân đối được 1.231 tỷ đồng, đạt 53,3% dự toán Trung ương,  đạt 49,0% dự toán tỉnh và tăng 11,0% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (không tính tiền sử dụng đất) thực hiện được 839,8 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ.

Đặc biệt, có 9/13 khoản thu đạt tiến độ trên 50% dự toán năm: Thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (84,5%); thu tiền sử dụng đất (78,4%); thu tiền thuê đất (66,2%); thuế bảo vệ môi trường (60,6%); thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (56,1%); lệ phí trước bạ (54,9%); thuế thu nhập cá nhân (53,5%); thu khác ngân sách trong cân đối (52,7%); thu cấp quyền khai thác khoáng sản (51,1%). Còn lại 4 khoản thu chưa đạt tiến độ của dự toán năm là: Thu thuế CTN-DV NQD (35,6%); thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương (38,9%); thu phí, lệ phí tính cân đối (43,4%); thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương (45,0%).

Chợ Tréo (Lệ Thủy) được đầu tư khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh.
Chợ Tréo (Lệ Thủy) được đầu tư khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh.

So cùng kỳ, có 10/13 khoản thu tăng trưởng khá, nổi bật là thu thuế bảo vệ môi trường (tăng 120%); thu tiền thuê đất (tăng 52,9%); thu lệ phí trước bạ (tăng 24,1%); thu cấp quyền khai thác khoáng sản (tăng 18,9%); thu phí lệ phí (tăng 11,1%)... Có 3 khoản thu giảm so cùng kỳ là: Thu khác ngân sách cân đối (giảm 16,1%); thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (giảm 12,5%); thuế công thương nghiệp-dịch vụ ngoài quốc doanh (giảm 7,3%).

Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm còn khó khăn và ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển, nhưng một số địa phương đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thu nên đã đạt kết quả khá cao so với cùng kỳ. Tiêu biểu có 5 đơn vị hoàn thành cả về tổng số và số trong cân đối, đó là: Chi cục Thuế Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa và Ba Đồn. Riêng Chi cục Thuế Minh Hóa hoàn thành tổng số nhưng không hoàn thành số trong cân đối. Có 3 đơn vị là: Văn phòng Cục, Chi cục Thuế Bố Trạch và Đồng Hới không hoàn thành cả về tổng số và số trong cân đối.

Nếu trừ tiền sử dụng đất thì có 5 đơn vị không đạt tiến độ dự toán năm là: Minh Hóa (đạt 39%); Bố Trạch (đạt 41,4%), Văn phòng Cục (đạt 44,8%); Đồng Hới (đạt 47,4%) và Quảng Ninh (47,7%).

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm là thu từ các doanh nghiệp. Theo ông Đỗ Minh Hùng, Trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ và kế toán (Cục Thuế) thì, trong tổng số 34 đơn vị doanh nghiệp Nhà nước Trung ương có giao dự toán chỉ có 4 đơn vị (chiếm 11,7%) nộp ngân sách đạt khá và vượt cao so tiến độ (từ 50% trở lên); trong đó một số đơn vị có số dự toán giao cao là: Công ty Xăng dầu Quảng Bình thực hiện 93,39 tỷ đồng/169,7 tỷ đồng (đạt 55%); CN Công ty CP ĐT&PT điện miền Bắc Hố Hô thực hiện 2,89 tỷ đồng/3,5 tỷ đồng (đạt 82,8%); Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Bình Trị Thiên thực hiện 999 triệu đồng/1.600 triệu đồng (đạt 62,5%); Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Bắc Quảng Bình thực hiện 638 triệu đồng/754 triệu đồng (đạt 84,6%). 

Còn lại 30 đơn vị (chiếm 88,3%) thực hiện không đạt tiến độ hoặc tiến độ thực hiện thấp; nhiều đơn vị có số dự toán giao cao nhưng thực hiện còn thấp như: Công ty CP SXVL và XD Cosevco 1 thực hiện 7,3 tỷ đồng/26,2 tỷ đồng (đạt 28%), Viễn thông Quảng Bình thực hiện 4,6 tỷ đồng/23,1tỷ đồng (đạt 20%), Điện lực Quảng Bình thực hiện 1,3 tỷ đồng/14,3 tỷ đồng đạt 9,3%...

Trong tổng số 45 đơn vị doanh nghiệp địa phương được giao dự toán, có 13 đơn vị (chiếm 28,8%) có số nộp đạt tiến độ dự toán năm; còn lại 32 đơn vị (chiếm 71,2%) nộp không đạt tiến độ. Nhiều đơn vị có dự toán lớn nhưng thực hiện còn thấp như: Công ty CP Bia rượu Quảng Bình thực hiện 39 tỷ đồng/111 tỷ đồng (đạt 35,3%); Công ty LCN Long Đại thực hiện 4,9 tỷ đồng/12, tỷ đồng (đạt 40,3%); Công ty TNHH MTV cao su Việt Trung thực hiện 0,64 tỷ đồng/5,55 tỷ đồng (đạt 11,5%); Công ty CP du lịch Sài Gòn-Quảng Bình thực hiện 0,64 tỷ đồng/5,44 tỷ đồng (đạt 11,8%)...

Trong tổng số 440 doanh nghiệp do Cục Thuế quản lý được giao dự toán, chỉ có 41 đơn vị (chiếm 9,3%) có số thu đạt tiến độ dự toán năm (từ 50% trở lên). Trong đó tiêu biểu một số doanh nghiệp có số nộp đạt khá như: Công ty TNHH SX-TM Hưng Phát thực hiện 97,9 tỷ đồng/155,5 tỷ đồng (đạt 63%); Công ty CP Tổng công ty Miền Trung thực hiện 10,1 tỷ đồng/9 tỷ đồng (đạt 112,2%); Công ty CP FOCOCEV Quảng Bình thực hiện 7,4 tỷ đồng/9 tỷ đồng (đạt 82,6%); CN Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân thực hiện 6 tỷ đồng/2,3 tỷ đồng (đạt 258,9%...

Ông Ngô Hữu Cần, Cục trưởng Cục Thuế cho biết, mặc dù thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt tiến độ dự toán Trung ương giao và tăng so cùng kỳ, song nhìn chung chưa đồng đều. Một số khoản thu quan trọng đạt thấp như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thu phí và lệ phí. Tình trạng thất thu thuế ở một số lĩnh vực, sắc thuế vẫn còn xảy ra. Công tác quản lý doanh nghiệp chưa được chặt chẽ nhất là đối với các doanh nghiệp ngừng, nghỉ và bỏ địa điểm kinh doanh. Việc đôn đốc nộp số thuế phát sinh chưa quyết liệt nên làm tăng thêm nợ mới.

Về nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm, ông Ngô Hữu Cần cho biết, Cục Thuế sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế trên địa bàn. Tăng cường đôn đốc công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, thường xuyên theo dõi chặt chẽ các khoản nợ mới phát sinh để thu hồi kịp thời. Xây dựng cơ chế phối hợp với các ngành liên quan trong công tác quản lý thuế nhằm tăng cường quản lý, chống thất thu về thuế lĩnh vực vận tải, tài nguyên, khoáng sản; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương nội bộ ngành. Đồng thời tiếp tục đôn đốc công tác nộp thuế điện tử, phấn đấu đạt 95% trên cả ba tiêu chí (đơn vị nộp thuế, số chứng từ nộp thuế, số tiền nộp thuế).

P.V