.

Siết chặt công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu

Thứ Năm, 21/07/2016, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhờ sự đầu tư mở rộng hệ thống cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng của các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, đến nay mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu toàn tỉnh cơ bản bảo đảm phục vụ các phương tiện vận tải và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi thực sự cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cơ chế cạnh tranh hiện nay, các ngành chức năng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh và bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ hàng ngày cho đời sống xã hội, có tác động rất lớn đến thị trường tiêu dùng. Thực tế cho thấy, trong cơ chế cạnh tranh hiện nay, việc kinh doanh xăng dầu không còn độc quyền trong khối doanh nghiệp nhà nước mà có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, đã tăng thêm tính tiện ích, sự cạnh tranh lành mạnh và tạo cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn khi dùng sản phẩm này. Bình quân mỗi năm, tổng sản lượng xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khoảng 170.000 m3, trong đó khối doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 40% thị phần và doanh nghiệp tư nhân chiếm 60% thị phần.

Ở khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu lớn trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH SXTM Hưng Phát (thành phố Đồng Hới). Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu gồm: Công ty TNHH Phú Hải (thành phố Đồng Hới), Công ty TNHH TMTH Minh Khiêm (thị xã Ba Đồn), Công ty TNHH TMTH Việt Trung (huyện Bố Trạch)...

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1 doanh nghiệp làm tổng đại lý xăng dầu là Công ty TNHH Hồng Vân (thị xã Ba Đồn) và khoảng 100 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 180 điểm bán lẻ xăng dầu. Hầu hết, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được trang bị cơ sở vật chất khá hiện đại với công nghệ điện tử hiện số có độ chính xác cao.    

Công ty Xăng dầu Quảng Bình là doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần 40% khối lượng xăng dầu toàn tỉnh. Thời gian qua, công ty đã không ngừng đầu tư mở rộng hệ thống cơ sở vật chất, cải tiến đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng trên toàn hệ thống cửa hàng xăng dầu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, củng cố lòng tin và sự tín nhiệm của đại bộ phận khách hàng đối với thương hiệu Petrolimex tại địa bàn Quảng Bình. Công ty hiện có 42 cửa hàng kinh doanh xăng dầu khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều được trang bị cơ sở vật chất khá hiện đại với công nghệ điện tử hiện số có độ chính xác cao.
Hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều được trang bị cơ sở vật chất khá hiện đại với công nghệ điện tử hiện số có độ chính xác cao.

Riêng năm 2015, tổng sản lượng xuất bán xăng dầu của công ty đạt gần 75.000 m3. Năm 2016, công ty phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xăng dầu tối thiểu 7% so với năm 2015, nộp ngân sách 165 tỷ đồng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bên cạnh những thuận lợi cơ bản thì hiện tại Công ty Xăng dầu Quảng Bình đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu.

Hiện tại, các đầu mối luôn duy trì thù lao cho các đại lý ổn định với mức cao hơn nhiều so với mức thù lao của công ty từ 300 đến 500 đồng/lít, đồng thời có chính sách lôi kéo khách hàng bán buôn và khách hàng trực tiếp với mức chiết khấu cao từ 700 đến 1.000 đồng/lít.

Bên cạnh đó còn có hiện tượng nguồn hàng xăng dầu không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường tỉnh với số lượng lớn, chào bán cho các đại lý với mức hoa hồng từ 1.700 đến 2.000 đồng/lít. Vì vậy, nhiều đại lý và khách hàng bán buôn của công ty đã chuyển sang mua xăng dầu của các đầu mối khác làm sản lượng bán qua kênh đại lý đạt thấp và ngày càng giảm so với trước đây.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu, Công ty Xăng dầu Quảng Bình đang nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh chính sách kinh doanh xăng dầu (giá, công nợ...) đối với khách hàng, đại lý theo hướng bảo đảm quyền lợi của hai bên và phù hợp với tình hình thị trường trong từng thời điểm.

Cùng với việc tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng công tác dịch vụ chăm sóc khách hàng, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu Petrolimex, công ty sẽ triển khai hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống bảng hiệu, biểu trưng chữ P cho các thương nhân nhận quyền theo nhận diện của Petrolimex; đồng thời hỗ trợ các khách hàng, đại lý trong việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về kinh doanh xăng dầu, dầu mỡ nhờn cho đội ngũ nhân viên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm chấn chỉnh, bình ổn hoạt động và thị trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Theo đó, đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và xử phạt nghiêm như: Công ty TNHH TMTH xăng dầu Việt Trung với hành vi vi phạm bán xăng dầu cho các đối tượng ngoài hệ thống phân phối, phạt tiền 30 triệu đồng; Công ty TNHH TMTH Thịnh Đạt mua xăng dầu từ các đối tượng ngoài hệ thống phân phối, phạt tiền 30 triệu đồng; Cửa hàng XD Minh Phương (Công ty TNHH TH 27/7 Anh Chuyền) không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng, phạt tiền 1,5 triệu đồng; Cửa hàng xăng dầu Thắm Tài có nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu không được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy, phạt tiền 8 triệu đồng; DNTN xăng dầu Nguyễn Tư Liệu sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa, phạt tiền 8 triệu đồng; ông Trần Văn Thành (huyện Lệ Thuỷ) vận chuyển 2.900 lít dầu không rõ nguồn gốc, phạt tiền 12 triệu đồng... Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm, các ngành và lực lượng chức năng khác cũng đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tổ chức, thanh, kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Qua đợt kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm và đã tiến hành xử lý nghiêm, góp phần nâng cao ý thức của các chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường và chất lượng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Để siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, bảo đảm công bằng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, trong thời điểm hiện nay và thời gian tới, Sở Công thương cần tăng cường công tác quản lý về giá cả, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chứng chỉ về mặt nghiệp vụ, điều kiện cần và đủ để kinh doanh mặt hàng xăng dầu của các doanh nghiệp.

Về phía Sở Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với các ngành chức năng tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng xã hội việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện những trường hợp gian lận, rút túi người tiêu dùng.

Đặc biệt, để hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh phát triển lành mạnh, các ngành chức năng phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn nguồn xăng dầu không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ vào địa bàn tỉnh, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp đại lý/thương nhân nhận quyền, tổng đại lý/thương nhân phân phối xăng dầu tiếp nhận hàng xăng dầu trôi nổi không rõ nguồn gốc từ địa bàn khác về làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách của tỉnh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các đầu mối.

Ngoài các giải pháp của cơ quan chức năng, thiết nghĩ, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng phải có nhận thức đúng đắn và tuân thủ quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ.

Hiền Chi