.

Ươm màu xanh cho những cánh rừng

Thứ Tư, 27/04/2016, 09:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi nhắc đến người đồng nghiệp mẫu mực của mình-đảng viên trẻ, kỹ sư Lê Thuận Kiên, anh Trần Ngọc Anh, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã dành những lời trân trọng: Kiên hăng hái, nhiệt tình và bao giờ cũng chịu khó học hỏi. 10 năm công tác tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Lê Thuận Kiên hiện là một trong những kỹ sư có hiểu biết sâu sắc nhất về các loài thực vật tại đây, đặc biệt là phong lan.

Tốt nghiệp khoa Lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm Huế, Lê Thuận Kiên được nhận vào công tác tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Vườn thực vật hiện đang lưu giữ và bảo tồn nhiều giống, loài cây quý hiếm của núi rừng Phong Nha-Kẻ Bàng, đó là điều kiện lý tưởng cho những ai ưa thích khám phá và ham học hỏi như Kiên. Hơn 10 năm gắn bó với địa điểm đặc biệt này với anh là quãng thời gian quý giá để được lăn lộn, trải nghiệm thực tế và ứng dụng những kiến thức đã học.

Vườn thực vật là một khu rừng tự nhiên, có diện tích trên 40 ha. Khu vườn có nhiều dòng suối, thác nước đan xen như cảnh quan của một Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thu nhỏ, rất hấp dẫn với du khách ưa khám phá, đi picnic, nghỉ lại giữa rừng sâu hoang vu, ngắm động vật ăn đêm...

Vườn thực vật có 6 điểm tham quan chính, bao gồm: Thác gió, hồ Vàng Anh, Nhà trưng bày mẫu vật, đường mòn diễn giải, vườn ươm cây giống và phân khu các rừng cây quý, hiếm. Để gìn giữ và bảo tồn sự đa dạng sinh học ở Điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường Vườn thực vật, phải kể đến đội ngũ cán bộ, kỹ sư trẻ của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật-Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Để có được thành quả như hôm nay, Lê Thuận Kiên và những người đồng nghiệp của mình phải ngày ngày lăn lộn, cùng ăn, cùng ngủ, cùng thức với núi rừng để rồi cùng chung một chí hướng nuôi dưỡng những mầm xanh trên cánh rừng nguyên sinh này.

Công việc thường nhật của kỹ sư lâm nghiệp trẻ Lê Thuận Kiên, Phó trưởng bộ phận nghiên cứu bảo tồn sinh vật, Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cũng như những cán bộ, kỹ sư làm việc tại vườn là quan sát, chăm sóc và nghiên cứu những giống thực vật, từ đó góp phần bảo tồn những nguồn gen quý hiếm.

Hơn 10 năm gắn bó với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, thông qua đề tài “Nghiên cứu tính đa dạng và tri thức bản địa của cộng đồng vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng”, Kiên đã cùng với các đồng nghiệp của mình tập trung nghiên cứu sự đa dạng về thành phần cây thuốc.

Sau những tháng ngày miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, họ đã xác định được tại Vườn thực vật hiện có 450 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 166 loài cây lấy gỗ, 198 loài cây thuốc quý có giá trị với 16 loài quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam cần được bảo tồn.

Kiên cho biết, sau khi phát hiện ra cây thuốc, cả nhóm lập tức khoanh vùng, hái lá mẫu về nghiên cứu đối chiếu với sách vở xem cây đó thuộc loại cây gì, có tác dụng gì trong điều trị bệnh, từ đó mang các cây con về vườn ươm giống theo phương pháp sinh sản vô tính-dâm hom, rồi lại nhân giống ra tự nhiên.

Kiên bảo, cái đích cuối cùng mà đội ngũ những người thực hiện dự án muốn hướng đến là nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng về công dụng của các cây dược liệu và ý thức bảo vệ chúng.

Đồng thời, khuyến khích bà con trồng và sử dụng các loại cây dược liệu thông thường ngay tại gia đình. Trong những ngày rong ruổi, miệt mài tìm tòi trong những cánh rừng già, họ đã tìm ra và đưa về Trung tâm nhiều giống cây thuốc quý, trong đó có nhiều loại đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện nay, bên cạnh việc nhân giống và trồng bổ sung các cây giống bản địa, Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật đang tập trung xây dựng vùng dược liệu ngay tại Vườn thực vật và đã xây dựng được 1ha vườn giống hữu tính loài giổi ăn hạt, 1ha vườn giống sa nhân tím, 30ha rừng giống chuyển hóa loài re gừng và nhiều diện tích cây hà thủ ô đỏ, ba kích tía, giảo cổ lam, bình vôi...

Trung tâm cũng đang tập trung nhân giống nhiều loài cây thực vật có giá trị như: sao đen, muồng hoa đào, trắc, thông đỏ, bách xanh, trầm hương... vừa tạo bóng mát, vừa làm nơi lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý. Hàng năm, trung tâm đã trồng bổ sung hàng trăm cây giống vào Vườn thực vật từ 20 đến 30 loài, tăng thêm tính đa dạng sinh học tại khu vườn này.

Trong nhiều năm lăn lộn với nghề, Lê Thuận Kiên có một niềm đam mê đặc biệt với loài phong lan mà như anh Trần Ngọc Anh, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thì Kiên hiện là người có hiểu biết sâu sắc nhất về các giống lan quý hiếm tại đây.

Theo thống kê, hiện nơi đây đang lưu trữ nguồn gen của gần 300 loài lan quý, trong đó, có không ít loài đã được Kiên trực tiếp phát hiện và nghiên cứu. Cứ nhìn Kiên say sưa ngắm nghía, cắt tỉa từng cành cây, nâng niu từng nụ hoa mới hiểu, người kỹ sư trẻ ấy có một đam mê máu thịt với loài hoa rừng quý hiếm này. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Kiên và những người đồng nghiệp của mình đã tiếp nhận 370 kg phong lan rừng thuộc 11 loài bị xâm hại, thuộc các giống lan quý như lan hoàng thảo, lan kim tuyến...

Làm việc giữa vùng rừng núi thiếu thốn đủ bề nhưng Lê Thuận Kiên và những người đồng nghiệp nhiệt thành khác đã biết biến những khó khăn thành động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn và giữ gìn sự đa dạng sinh học của Vườn thực vật nói riêng, của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nói chung.

Và “mỗi ngày rừng lại thêm xanh” chính là những bằng khen, giấy khen quý giá nhất ghi nhận cho chính những nỗ lực lặng thầm của những con người lặng thầm giữa mênh mang núi rừng Trường Sơn.

D.H