.

Hiệu quả bước đầu trong giao đất, giao rừng ở Trường Sơn

Thứ Năm, 21/04/2016, 07:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Chính sách giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đang phát huy hiệu quả tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Đồng bào đã ý thức hơn đến trồng rừng, trồng sắn... nhằm từng bước mang lại cuộc sống ấm no, ổn định lâu dài. Hơn thế nữa, chính sách giao đất giao rừng đã tạo điều kiện để người dân tham gia vào công tác bảo vệ rừng.

Xã Trường Sơn có 20 thôn, bản với dân số 1.026 hộ, 4.303 khẩu. Ngoài 5 thôn phân bổ gần trung tâm xã phần lớn người Kinh sinh sống, 15 bản còn lại là địa bàn đồng bào dân tộc Vân Kiều định cư nằm rải rác dọc núi rừng, ven sông, suối. Nhiều bản cách xa trung tâm xã cả một ngày đường.

Ông Hoàng Xuân Thọ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Những năm về trước, Trường Sơn có đến 27 thôn bản, nhiều bản nằm heo hút, cách biệt giữa núi rừng. Ngày nay, đồng bào Vân Kiều  dần xuống núi, sống định canh, định cư. Các bản như: Sắt, Trung Sơn, Bến Đường, Đá Chát, Cây Sú... bà con đã trồng và quen dần với cây lúa nước. Chính sách giao đất, giao rừng về từng hộ và cộng đồng bản làng quản lý đã từng bước phát huy quyền làm chủ của người dân. Đồng bào tích cực trồng sắn, trồng rừng..., đời sống vì thế khá dần lên, giảm dần tỷ lệ đói, nghèo”.

Đồng bào dân tộc Vân Kiều tích cực chăm sóc cây sắn.
Đồng bào dân tộc Vân Kiều tích cực chăm sóc cây sắn.

Trong tổng số gần 77.500 ha đất tự nhiên, xã Trường Sơn chỉ có trên 100 ha đất sản xuất, còn lại phần lớn là đất rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp do các lâm trường quản lý. Theo chủ trương giao đất, giao rừng của UBND tỉnh, xã Trường Sơn sẽ được nhận trên 3.800 ha đất rừng từ các lâm trường chuyển sang. Đến thời điểm này, xã Trường Sơn đã nhận diện tích 367,5 ha.

"Trên cơ sở đó, UBND xã đã nhanh chóng giao đất cho đồng bào, nhận bàn giao đến đâu, giao cho bà con đến đó. Song song với quá trình giao đất, cán bộ xã bám bản, hướng dẫn bà con phát huy hết lợi thế trên diện tích đất được giao" -Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết thêm.

Đến nay, toàn xã có 217 ha đất trồng cây lâm nghiệp, 200 ha trồng sắn nguyên liệu đạt hiệu quả cao. Cây sắn trồng chủ yếu ở các bản: Cổ Tràng, Trung Sơn, Cây Cà, Khe Cát..., bình quân mỗi hộ trồng từ 0,25 ha đến 2 ha. Sắn trồng trên các triền đồi, thung lũng và trồng xen với cây keo, tràm.

Qua 2 vụ thu hoạch có năng suất bình quân khoảng 21 tấn/ha, sản lượng đạt trên 4.200 tấn. Sắn nguyên liệu sau khi thu hoạch được các thương lái đến tận nơi thu mua với giá 1.200 đồng/kg. Như vậy cứ 1 ha sắn người dân Trường Sơn có thu nhập khoảng 20 đến 22 triệu đồng.

Cùng với thu hoạch sắn, trong năm 2015, bà con xã Trường Sơn thu hoạch được gần 40 ha keo, trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi ha thu được 20 triệu đồng.

Ngoài ra, người dân xã Trường Sơn cũng được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ rừng cộng đồng. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã có 5 bản được giao quản lý 1.313 ha rừng cộng đồng, gồm: Long Sơn, Trung Sơn, Cổ Tràng, Sắt và Khe Cát.

Ông Hoàng Xuân Thọ cho biết thêm: “Hiệu quả việc giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc Vân Kiều quản lý, sản xuất đã thấy rõ ràng. Không những tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập giúp trang trải cuộc sống vốn đang nhiều khó khăn của bà con trong xã, mà còn tạo được niềm tin cho nhân dân. Đồng bào yên tâm định canh định cư, tình trạng phá rừng làm nương rẫy hầu như không còn, công tác bảo vệ rừng từ đó được nâng cao. Trong thời gian tới, người dân Trường Sơn mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn của các cấp chính quyền trong việc giao đất, giao rừng, tạo điều kiện để bà con sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống".

Hiệu quả chính sách giao đất giao rừng tại xã Trường Sơn đã làm đổi thay cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi đây. Cái đói, cái nghèo từng bước được đẩy lùi. Từ đó đồng bào yên tâm khi được sống, lao động, canh tác ngay trên mảnh đất mình làm chủ.

Hương Trà