.

Thực trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Hàng loạt địa phương đang "ôm"... nợ

Thứ Sáu, 22/04/2016, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - So với nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh ta bắt tay triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XD NTM) tương đối muộn. Trong điều kiện tỉnh nhà còn lắm khó khăn, xuất phát điểm bình quân cả tỉnh chỉ đạt 3,6 tiêu chí/xã (năm 2011), để XD NTM đạt kết quả cao, rất nhiều địa phương ngoài việc huy động tốt nội lực ngay tại cơ sở và tranh thủ tốt sự hỗ trợ của cấp trên đã phải huy động thêm một lượng vốn lớn nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản và buộc phải “ôm” thêm một khoản nợ không hề nhỏ để “cán đích” NTM theo đúng lộ trình đề ra...

Nợ đọng 446,9 tỷ đồng

Lộc Ninh là một trong 2 xã cuối cùng của thành phố Đồng Hới cán đích NTM trong năm 2015. Bắt tay triển khai thực hiện với xuất phát điểm là 12 tiêu chí đã đạt chuẩn, trong đó chủ yếu là các tiêu chí “mềm”, việc cán đích NTM đúng lộ trình trở thành thách thức không hề nhỏ đối với địa phương. Bởi trên thực tế, với 70% người dân làm nông nghiệp, mạng lưới giao thông và thủy lợi dàn trải, việc đầu tư cho các tiêu chí còn lại như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... đòi hỏi địa phương phải huy động thêm một lượng vốn lớn.

Thủy lợi-một trong số những tiêu chí đòi hỏi các địa phương phải huy động lượng vốn rất lớn.
Thủy lợi-một trong số những tiêu chí đòi hỏi các địa phương phải huy động lượng vốn rất lớn.

Để hoàn thành theo đúng kế hoạch, địa phương buộc phải ứng trước nguồn vốn từ các doanh nghiệp với chủ trương công trình nào bố trí được 35% vốn thì cho phép khởi công, phần còn lại “xin”... nợ doanh nghiệp. Hiện số nợ đọng xây dựng cơ bản các công trình trên địa bàn xã là 12,2 tỷ đồng, trong đó riêng các công trình xây dựng cơ bản thuộc Chương trình XD NTM do xã làm chủ đầu tư nợ gần 7 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Cội, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh chia sẻ: Trước đây, với quy định được trích 70% số tiền từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, xã dự định sẽ thanh toán xong nợ đọng trong năm 2016. Tuy nhiên, từ sau khi đạt chuẩn NTM (năm 2015), theo quy định của tỉnh, xã chỉ còn được trích lại 35% số tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất, nên thực sự đang “đau đầu” bởi với tỷ lệ trích lại này thì đến năm 2020 vẫn không thể trả xong nợ chứ chưa nói đến việc bố trí nguồn vốn cho các công trình mới.

Cùng chung “cảnh ngộ” như xã Lộc Ninh (thành phố Đồng Hới) là trường hợp của xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn). Qua tìm hiểu thực tế, được biết việc triển khai xây dựng NTM tại xã Quảng Tiên gặp không ít khó khăn bởi nhu cầu về vốn, đặc biệt là nguồn kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cần nhiều trong khi nguồn vốn của Nhà nước và nguồn huy động trong dân còn hạn chế. Các tuyến giao thông nông thôn trước đây mặc dù được cứng hóa một phần nhưng đường nhỏ hẹp và qua quá trình sử dụng đều xuống cấp.

Thêm vào đó, Quảng Tiên là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, kinh tế vườn đồi, kinh tế gia trại hay một số ngành tiểu thủ công nghiệp do mới hình thành nên còn mang tính đơn lẻ, hiệu quả chưa cao. Bởi vậy, việc hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở vật chất đòi hỏi nhiều vốn thực sự là thách thức không nhỏ đối với địa phương và việc nợ đọng xây dựng cơ bản như hiện nay là điều... không thể tránh khỏi. 

Không riêng gì xã Lộc Ninh hay Quảng Tiên, việc nợ đọng các công trình xây dựng cơ bản thuộc Chương trình XD NTM hiện đang là thực trạng chung, khó khăn chung của 136 xã trong toàn tỉnh.

Theo số liệu báo cáo sơ bộ từ Văn phòng điều phối Chương trình XD NTM tỉnh, tính đến ngày 31-1-2016, số nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình toàn tỉnh khoảng trên 469 tỷ đồng. Trong đó, nợ đọng của các xã đạt chuẩn NTM trên 271,8 tỷ đồng; nợ đọng của các xã chưa đạt chuẩn NTM là trên 252,1 tỷ đồng. Số nợ đọng này chủ yếu tập trung vào các hạng mục như: giao thông nợ 226,1 tỷ đồng; trường học 92,5 tỷ đồng; thủy lợi nợ 58,8 tỷ đồng; cơ sở vật chất văn hóa nợ 42,9 tỷ đồng.

Cụ thể, về nợ đọng xây dựng cơ bản của các xã đã đạt NTM ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh gồm: huyện Lệ Thuỷ nợ khoảng 23,8 tỷ đồng/6 xã đạt chuẩn; huyện Quảng Ninh nợ gần 5,8 tỷ đồng/3 xã đạt chuẩn; thành phố Đồng Hới nợ trên 33,4 tỷ đồng/6 xã đạt chuẩn; huyện Bố Trạch nợ 33 tỷ đồng/7 xã đạt chuẩn; huyện Tuyên Hoá nợ khoảng 500 triệu đồng/1 xã đạt chuẩn và huyện Minh Hoá nợ 500 triệu đồng/1 xã đạt chuẩn.

Đáng chú ý có thị xã Ba Đồn nợ gần 36 tỷ đồng/2 xã đạt chuẩn; huyện Quảng Trạch xếp đầu bảng với số nợ đọng xấp xỉ 85 tỷ đồng/4 xã đạt chuẩn (tính chung các công trình, dự án do UBND tỉnh, huyện làm chủ đầu tư thông qua Ban quản lý dự án; các công trình, dự án do UBND các xã, các đơn vị làm chủ đầu tư thuộc phạm vi quản lý của xã).

Trong đó, nhiều xã có số nợ đọng lớn như: xã Quảng Hoà nợ trên 13 tỷ đồng, xã Quảng Tiên nợ hơn 22 tỷ đồng, xã Mai Thuỷ nợ hơn 9 tỷ đồng, xã Liên Thuỷ nợ trên 8 tỷ đồng, xã Lộc Ninh nợ 12,2 tỷ đồng, xã Đại Trạch nợ hơn 9 tỷ đồng, xã Cảnh Dương nợ 19 tỷ đồng, xã Quảng Phú nợ 22 tỷ đồng, xã Quảng Xuân nợ 22 tỷ đồng...

Ngoài ra, nếu tính riêng các xã chưa cán đích NTM tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh thì con số nợ đọng cụ thể như sau: huyện Lệ Thuỷ nợ gần 24 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh nợ hơn 18 tỷ đồng, huyện Bố Trạch nợ trên 28 tỷ đồng, huyện Quảng Trạch nợ 87 tỷ đồng, thị xã Ba Đồn nợ trên 82 tỷ đồng, huyện Tuyên Hoá nợ khoảng 6,4 tỷ đồng, huyện Minh Hoá nợ xấp xỉ 5,9 tỷ đồng...

Đâu là nguyên nhân?

Qua khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương và trao đổi với cơ quan chức năng, được biết, việc nợ đọng các công trình xây dựng cơ bản thuộc Chương trình XD NTM xảy ra ở các địa phương thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 quy định: Hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho các hạng mục: Quy hoạch, đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, xây dựng trụ sở, trường học đạt chuẩn, trạm y tế, nhà văn hóa, kinh phí cho đào tạo. Căn cứ vào đó các địa phương đã vận dụng huy động các nguồn vốn tạm thời, các đơn vị thi công để triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên, chờ ngân sách Trung ương cấp sẽ trả nợ sau.

Không ít công trình sắp đi vào sử dụng vẫn đang phải đợi vốn để... trả nợ.
Không ít công trình sắp đi vào sử dụng vẫn đang phải đợi vốn để... trả nợ.

Thế nhưng, do Trung ương không cân đối được ngân sách nên ngày 8-6-2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2010-2020. Trong đó, chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) cho: Quy hoạch; xây dựng trụ sở; kinh phí cho đào tạo. Các hạng mục khác chỉ hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước. Đây chính là nguyên do dẫn đến một số công trình tuy đã thực hiện xong nhưng địa phương không có vốn để trả nợ.

Cũng tại Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định cơ chế huy động vốn của địa phương để tổ chức triển khai chương trình; theo đó tỉnh quy định tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) để lại cho ngân sách xã, ít nhất 70% để thực hiện XDNTM.

Từ cơ chế đó, một số địa phương tuy chưa bán được quỹ đất nhưng vẫn “liều nợ” để triển khai thi công một số công trình hạ tầng trên địa bàn, chờ khi bán được đất thì sẽ... trả nợ. Ngoài ra, với quyết tâm cán đích NTM đúng tiến độ, một số địa phương đã huy động sức dân bằng cách vận động doanh nghiệp mạnh dạn bỏ tiền ra làm đường giao thông nông thôn, công trình thuỷ lợi nội đồng..., sau đó người dân cam kết sẽ đóng góp để trả hết nợ trong vòng vài năm sau đó...

Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM quy định xã được công nhận là xã NTM phải đạt 19 tiêu chí thuộc các lĩnh vực về quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; hệ thống chính trị. Đối với những tiêu chí, hạng mục, phần việc cần ít kinh phí, chỉ cần các địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện với quyết tâm cao thì chắc chắn sẽ đạt được.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế tỉnh nhà nói chung và tại một số địa phương nói riêng còn lắm khó khăn, với những tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư như: cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông nông thôn, môi trường..., việc “ôm nợ” để phấn đấu đạt chuẩn NTM đúng lộ trình là điều khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là các địa phương cần phải biết tự lượng sức mình, “liệu cơm gắp mắm” trong thực hiện chương trình, tránh để nợ đọng NTM vượt ra ngoài tầm kiểm soát...

Văn Minh-Thanh Hải

Bài 2: Đi tìm giải pháp “gỡ” nợ đọng