.

Tín dụng đối với hộ cận nghèo ở Tuyên Hóa: Hiệu quả thiết thực

Thứ Tư, 13/04/2016, 09:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Tín dụng đối với hộ cận nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tuyên Hóa được triển khai từ năm 2013. Sau 3 năm thực hiện, đến nay tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 75 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn của chương trình bình quân 25 tỷ đồng/năm, có 2.300 hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, có 420 hộ thoát cận nghèo vươn lên khá giả, không có nợ quá hạn. 

Thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg, ngày 23-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, NHCSXH Việt Nam đã bổ sung nguồn vốn kịp thời về các ngân hàng địa phương để triển khai cho vay. Kể từ khi có chính sách cho vay, hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giả, tránh tái nghèo.

Với thủ tục hồ sơ, quy trình cho vay đơn giản, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh được vay mức tối đa 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,66%/tháng, không phải thế chấp bất kỳ tài sản gì và được NHCSXH thực hiện giải ngân phát tiền vay ngay tại nơi cư trú.

Năm 2013, với nguồn vốn cho vay 8,2 tỷ đồng, NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã giải ngân cho vay đến 330 hộ vay; năm 2014 giải ngân cho 980 hộ vay với nguồn vốn 28 tỷ đồng; năm 2015 nguồn vốn tăng lên 68 tỷ đồng (tăng 1,42 lần so với năm 2014), với 1.980 hộ vay vốn, bình quân dư nợ 34,3 triệu đồng/hộ.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, tranh thủ nguồn vốn Trung ương chuyển về NHCSXH huyện đã tăng thêm 8 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay lên 75 tỷ đồng với 2.300 hộ vay vốn, không có nợ quá hạn. Đến nay, NHCSXH huyện đã hoàn thành việc giải ngân cho vay đến các đối tượng thụ hưởng.

Đặc biệt trong năm 2015, NHCSXH huyện đã tham mưu kịp thời cho Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện điều chuyển nguồn vốn thu hồi nợ từ chương trình tín dụng hộ nghèo sau khi đã cân đối nhu cầu chuyển sang cho vay đối với hộ cận nghèo số tiền 6 tỷ đồng.

Hiện tại nguồn vốn đã được đầu tư trên địa bàn 20 xã, thị trấn, đến tất cả các thôn bản trên địa bàn huyện. Nguồn vốn cho vay được các hộ cận nghèo đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi đại gia súc sinh sản, trồng rừng nguyên liệu và kinh doanh dịch vụ, đa số các hộ cận nghèo đã đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành trả lãi đầy đủ cho NHCSXH, đồng vốn đang ngày càng phát huy tốt hiệu quả, một số xã có nguồn vốn cho vay lớn như: Phong Hóa 9 tỷ đồng, Thạch Hóa 6,6 tỷ đồng và Thuận Hóa 6 tỷ đồng.

Với nguồn vốn vay cận nghèo, nhiều hộ gia đình ở Tuyên Hóa đã vươn lên khá giả. Chị Phan Thị Hoài Nam ở thôn Thuận Hoan xã Đồng Hóa là một điển hình trong số hộ này. Trước đây gia đình chị Nam là hộ nghèo của xã mấy năm liền, được NHCSXH huyện cho vay số tiền 5 triệu đồng.

Nhờ số vốn vay ít ỏi đó chị đã đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản và thoát nghèo, nhưng vẫn chưa thoát được cận nghèo. Năm 2014, chị Nam được NHCSXH huyện cho vay bổ sung với số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn cận nghèo, có vốn chị đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt. Trong chuồng trại chăn nuôi của chị thường xuyên có 30 con lợn nái và 120 con lợn thịt, thu nhập bình quân của gia đình hàng năm sau khi trừ chi phí gần 130 triệu đồng, có điều kiện trang trải chi phí cho hai con gái theo học đại học.

Hay như gia đình anh Hà Văn Cảnh ở thôn 5, xã Ngư Hóa, vay vốn với số tiền 50 triệu đồng đầu tư trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi bò sinh sản. Ở tuổi 50, gia đình chỉ có 3 lao động nhưng anh Cảnh có đến 20 ha rừng trồng cây keo, tràm và các loại cây khác, đàn bò sinh sản có 6 con, giải quyết được việc làm cho lao động trong gia đình và tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Khoảng hai năm nữa anh Cảnh sẽ có nguồn thu về hàng trăm triệu đồng nhờ thu hoạch cây keo lai, cây tràm...

Hiệu quả sau 3 thực hiện tín dụng đối với hộ cận nghèo ở Tuyên Hóa là rất thiết thực, chương trình tín dụng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đến các đối tượng chính sách. Kể từ khi chương trình triển khai cho vay đến nay đã nhận được sự quan tâm phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là cấp xã. Chính quyền địa phương cấp xã đã tổ chức phân giao nhanh nguồn vốn về cấp thôn để kịp thời tổ chức bình xét cho vay, chỉ đạo bình xét cho vay công khai dân chủ ở cơ sở; kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình sử dụng vốn vay của các đối tượng thụ hưởng.

Theo kết quả khảo sát đánh giá hiệu quả nguồn vốn sau 3 năm có 420 hộ thoát cận nghèo nhờ nguồn vốn vay. Năm 2016, dự kiến nguồn vốn tăng trưởng thêm khoảng 10% so với năm 2015, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tích cực tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và huy động tại địa phương để kịp thời phân giao và giải ngân nhanh đến các đối tượng thụ hưởng, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của các đối tượng là hộ cận nghèo.

Tất Thành
 (NHCSXH huyện Tuyên Hóa)