.

Kinh tế dần khởi sắc

Thứ Sáu, 08/04/2016, 09:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Tình hình kinh tế quý 1 năm 2016 tiếp tục ổn định và phát triển. Nổi bật là sản xuất công nghiệp ổn định và tăng trưởng khá so cùng kỳ;  sản lượng đánh bắt hải sản tăng cao; du lịch, dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, lượng khách du lịch tăng khá...

Trong quý đầu năm 2016, các nhà máy sản xuất công nghiệp vẫn duy trì sản xuất ổn định, sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 2.314 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn ổn định tăng trưởng ở mức cao như: bia đóng chai đạt 2,5 triệu lít, tăng 10%; áo sơ mi đạt 2,2 triệu cái, tăng 36,7%; gạch lát nền đạt 1,7 triệu viên, tăng 144,7%; clinker thành phẩm đạt 543.500 tấn, tăng 11,0%; xi măng đạt 345.240 tấn, tăng 7,1%; điện thương phẩm đạt 185 triệu kwh, tăng 3,3%; nước máy đạt 1,8 triệu m3, tăng 4,2%; mực đông lạnh đạt 392 tấn, tăng  9,0%; tinh bột sắn đạt 5.810 tấn, tăng 0,5% so cùng kỳ năm trước...

Nổi bật trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là sản lượng đánh bắt nuôi trồng thủy sản tăng cao, ngư dân đánh bắt xa bờ và ven bờ được mùa cá. Dự ước sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 10.650 tấn, tăng 8,7% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 1.507 tấn, tăng 5%; sản lượng thủy sản khai thác 9.142 tấn, tăng 9,3% so cùng kỳ.

Sản lượng đánh bắt thủy sản các địa phương đều tăng cao như: huyện Bố Trạch 3.505,4 tấn, tăng 9,9%; thành phố Đồng Hới 1.615,1 tấn, tăng 9,9%; thị xã Ba Đồn 1.215,8 tấn, tăng 8,1%; huyện Quảng Trạch 1.576,8 tấn, tăng 8,8%; huyện Quảng Ninh 452 tấn, tăng 10,2%; huyện Lệ Thủy 718,4 tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ...

Mới đây chúng tôi có dịp về một số xã bãi ngang huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh và được biết, không  chỉ những tàu vươn khơi đánh bắt hiệu quả mà các thuyền nhỏ, bơ nan của vùng bãi ngang cũng đánh bắt đạt sản lượng khá cao. Từ sau Tết Bính Thân, ngư dân xã Hải Ninh (Quảng Ninh) và ba xã bãi ngang Lệ Thủy: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung không ngày nào bỏ biển, trừ những ngày biển động. Mặc dù phương tiện thuyền nhỏ, đi gần bờ nhưng sản phẩm đánh bắt được của ngư dân lại khá đa dạng và phong phú gồm cá, tôm, ghẹ, mực.

 Khách sạn 4 sao ở bờ biển Bảo Ninh, do công TNHH Vương Thuận đầu tư chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Khách sạn 4 sao ở bờ biển Bảo Ninh, do công TNHH Vương Thuận đầu tư chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Trong những tháng đầu năm nay ngư dân trong vùng trúng đậm cá trích, bẹ xước, tôm biển... Trung bình một đêm đi biển, mỗi thuyền với chỉ 2 lao động đánh được từ 20-50kg tôm, hoặc vài tạ cá trích, thu nhập mỗi lao động xấp xỉ một triệu đồng/một chuyến.

Kết quả thu ngân sách được xem như "thước đo sức khỏe" của các thành phần  kinh tế. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 3 tháng đầu năm đạt 584,3 tỷ đồng, đạt 19,5% dự toán địa phương, tăng 4,5% so cùng kỳ. Đáng chú ý là khoản thu ngoài quốc doanh khá khó khăn đối với mọi năm, thì quý 1 này đã tăng 14,3%... Nguồn vốn trong các ngân hàng và tổ chức tín dụng khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.Tổng số vốn huy động của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 3-2016 đạt 23.800 tỷ đồng, tăng 1,9% so với đầu năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay cuối tháng 3-2016 đạt 28.750 tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm và tăng 23,2% so với cùng kỳ.

Nhờ sự hồi phục của nền kinh tế nên số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, với 169 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 829,369 tỷ đồng, tăng 22,4% số lượng doanh nghiệp đăng ký so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại nội địa tiếp tục ổn định, sức mua của người dân tăng cao so với cùng kỳ. Điểm nổi bật là trước Tết Bính Thân, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh khai trương, đưa vào hoạt động Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, phục vụ nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân, tạo ra thị trường sôi động trên địa bàn. 

Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng khá, tháng 3 đạt 237,8 ngàn lượt, 3 tháng đạt 710,6 ngàn lượt, tăng 10,2% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 10 ngàn lượt, tăng 16% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 3 tháng đầu năm đạt 486,2 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú đạt 33,1 tỷ đồng, tăng 6,7%; doanh thu ăn uống đạt 421,4 tỷ đồng, tăng 14,7%, doanh thu du lịch lữ hành đạt 31,7 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ. Dấu hiệu khả quan trên lĩnh vực du lịch là từ cuối năm 2015 đến nay có nhiều khách sạn quy mô lớn, tiêu chuẩn 3-5 sao đang gấp rút xây dựng ven biển Bảo Ninh, Nhật Lệ để đón khách trong mùa du lịch năm nay.

Tình hình thị trường đất đai có dấu hiệu sôi động, giá đất tăng xấp xỉ 10% so với cuối năm 2015. Ông Hoàng Ngọc Hòa, Giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh cho biết, do thị trường đất đai có chuyển biến nên năm nay các địa phương đều đăng ký thu từ đất tăng thêm so với chỉ tiêu giao trên 200 tỷ đồng (kế hoạch giao 700 tỷ đồng, dự kiến sẽ thu 900 tỷ đồng).

Trong đó trên địa bàn thành phố Đồng Hới dự kiến sẽ thu từ đất đai 750 tỷ đồng (cụ thể: Chi cục Thuế thành phố thu 350 tỷ đồng, Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường thu 250 tỷ đồng và các dự án quỹ đất Sở Xây dựng thu 150 tỷ đồng). Qua tìm hiểu được biết, giá đất ở thành phố Đồng Hới và một số khu trung tâm huyện, thị xã Ba Đồn trong quý 1-2016 tăng bình quân 5-10% so với cuối năm 2015.

Hiện tại một lô đất diện tích khoảng 120m2 ở thành phố Đồng Hới có giá từ 850 triệu đến 1 tỷ đồng tùy theo vị trí mặt đường. Đối với một số khu vực trung tâm như bắc đường Lê Lợi, bắc đường Trần Hưng Đạo, khu vực Nam Lý... giá tăng trên 15% (bình quân mỗi lô đất 120m2 có giá trên 1,5 tỷ đồng).

P.V