.

Dốc sức cho dồn điền, đổi thửa

Thứ Năm, 07/04/2016, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục được huyện Quảng Trạch chú trọng thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Những năm qua, công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc dồn điền, đổi thửa đã được triển khai ở 17 xã với tổng diện tích hơn 5.200 ha, trong đó 3.255 ha lúa và gần 2.000 ha đất màu.

Diện tích các thửa đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình đã lớn hơn so với trước. Số thửa trên hộ gia đình đã giảm xuống còn bình quân 3-4 thửa đối với đất lúa, 2-3 thửa đối với đất màu... tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư, thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trong 5 năm qua đã có bước tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu nội bộ ngành có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 8,53%; giá trị sản xuất trồng trọt tăng bình quân hàng năm 4,93%, tốc độ tăng trưởng lương thực bình quân đạt 6,08%. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao chiếm gần 50% diện tích.

Huyện Quảng Trạch phấn đấu xây dựng nhiều cánh đồng lớn trên địa bàn.
Huyện Quảng Trạch phấn đấu xây dựng nhiều cánh đồng lớn trên địa bàn.

Toàn huyện có 24 trang trại các loại đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chí. Chăn nuôi có sự chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô gia trại, trang trại và bảo đảm an toàn dịch bệnh; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân hàng năm đạt 7,48%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Quảng Trạch còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Chuyển đổi ruộng đất tại nhiều nơi chưa gắn với quy hoạch lại đồng ruộng; quy mô diện tích của thửa đất sau chuyển đổi còn nhỏ, chưa tạo được các cánh đồng lớn để có điều kiện cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng có chất lượng cao vào sản xuất quy mô lớn...

Ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, công tác dồn điền, đổi thửa không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà còn là cơ sở để phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, bởi vậy huyện Quảng Trạch đang tích cực xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tạo sự bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của người dân về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, các bước thực hiện dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp. Công tác dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải căn cứ vào quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi, quy hoạch vùng sản xuất đã được duyệt theo nội dung quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng và phát triển bền vững...

Trong năm 2016, huyện Quảng Trạch sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện điểm ở 3 xã Quảng Lưu, Quảng Tùng và Cảnh Hóa, phấn đấu mỗi hộ sau dồn điền, đổi thửa chỉ còn 1 thửa ruộng đất màu, 1-2 thửa ruộng đất lúa để phát triển, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quảng Trạch xác định hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa tại 14/18 xã trên địa bàn với tổng diện tích 3.999 ha, trong đó 3.362 ha đất lúa và hơn 630ha đất màu. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng và phát triển bền vững. Phấn đấu hình thành và xây dựng các cánh đồng lớn ở các xã với diện tích khoảng 300 ha; hình thành được 2-3 tiểu vùng sản xuất rau tập trung ở các xã có truyền thống trồng rau như Quảng Hưng, Quảng Tùng, Quảng Phú; đưa tỷ lệ bò lai sind tăng từ 27% lên 37%...

Tin rằng, với những giải pháp đã được triển khai, công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Quảng Trạch sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

P.V