.

Vì sao ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 67?

Thứ Sáu, 18/03/2016, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau gần 2 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt NĐ 67), mặc dù tỉnh ta đã đạt những thành quả bước đầu nhưng cũng có không ít vướng mắc nảy sinh khi ngư dân các địa phương tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng. Do vậy, hiện số tàu được ký kết hợp đồng vay vốn rất thấp và số kinh phí giải ngân còn chậm dẫn đến số lượng tàu hoàn thành đưa vào sản xuất chưa nhiều.

Tiến độ thực hiện NĐ 67...

Theo tìm hiểu, toàn tỉnh đã có 89 đối tượng đủ điều kiện vay vốn được UBND tỉnh phê duyệt, gồm 32 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vật liệu mới, 2 tàu nâng cấp. Tuy nhiên, tại các địa phương mới chỉ có 35 chủ tàu được ký kết hợp đồng tín dụng với kinh phí giải ngân là 147,04 tỷ đồng/317,83 tỷ đồng vốn, trong đó có 7 tàu vỏ thép và 28 tàu vỏ gỗ. Cụ thể, Bố Trạch là địa phương có số lượng tàu được ký kết nhiều nhất với 19 tàu, Đồng Hới 11 tàu và Ba Đồn có 5 tàu. Còn lại, ngoài 13 tàu đang chờ thẩm định và hoàn thiện hồ sơ thì 41 tàu vẫn chưa có ngân hàng nào tiếp nhận.

Tại buổi làm việc gần đây của Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67 tỉnh với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, các ngư dân đã đặt ra câu hỏi vì sao cùng một chính sách vay vốn nhưng có ngân hàng sớm tiếp cận, hỗ trợ ngư dân hoàn chỉnh thủ tục vay vốn, còn một số ngân hàng lại chưa cho ngư dân vay?.

Minh chứng cụ thể là, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã ký kết 17 hợp đồng/47 hồ sơ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Quảng Bình ký kết 16 hợp đồng/25 hồ sơ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình ký kết 2 hợp đồng/6 hồ sơ; riêng Ngân hàng Công thương (có 3 hồ sơ) và Ngân hàng Ngoại thương (có 1 hồ sơ) nhưng vẫn chưa triển khai cho ngư dân vay đồng nào.

Đáng chú ý là, có một số trường hợp ngư dân đăng ký đóng mới được ngân hàng thẩm định và đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng sau khi thẩm định lại ngân hàng đã từ chối cho ngư dân vay. Trong khi đó, lúc mới triển khai thực hiện NĐ 67, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đăng ký vốn ban đầu thực hiện Nghị định 67 lên tới 890 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác giải ngân của các ngân hàng đối với ngư dân cũng triển khai chậm. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT mới giải ngân 62,1/142,5 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Quảng Bình giải ngân được 78,6/161,6 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình giải ngân được 6,2/13,7 tỷ đồng.

Tàu cá của ngư dân Trần Đình Thủy (Bảo Ninh) đóng theo Nghị định 67 đã hạ thủy và sản xuất hiệu quả.
Tàu cá của ngư dân Trần Đình Thủy (Bảo Ninh) đóng theo Nghị định 67 đã hạ thủy và sản xuất hiệu quả.

Qua trao đổi với nhiều ngư dân tham gia NĐ 67 thì hầu hết đều có nỗi niềm chung là, thời gian từ lúc phê duyệt danh sách đến lúc ngư dân cầm được nguồn vốn trên tay quá dài.

Vì sao ngư dân gặp khó?

Anh Mai Dũng, chủ tàu tham gia NĐ 67 đã chia sẻ, trình độ của đa số chủ tàu rất hạn chế, trong khi đó quy trình, thủ tục thực hiện hồ sơ nghiệm thu giải ngân và thanh quyết toán kinh phí đòi hỏi khá chặt chẽ, phức tạp nên ngư dân gặp khó khăn trong lập dự án và hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định để vay vốn ngân hàng. Đây chính là thực trạng chung làm chậm quy trình phê duyệt, thẩm định hồ sơ và khiến nhiều ngư dân nản lòng.

Yêu cầu về phần vốn đối ứng là một thách thức không nhỏ đối với ngư dân, bởi giá thành mỗi con tàu đóng mới có thể lên đến 15-17 tỷ đồng và không phải ai cũng có vài tỷ đồng làm vốn đối ứng, gây chậm triển khai trong quá trình thực hiện NĐ 67.

Những ngư dân ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (Ba Đồn) cho biết, hiện họ đang gặp vướng mắc ở khâu thiết kế mẫu tàu và vốn đối ứng của ngư dân. Do quá trình thực hiện đóng mới, một số chủ tàu đã xem xét điều chỉnh công suất, thiết kế mẫu cho phù hợp thực tế, mỗi lần thay đổi lại phải điều chỉnh thiết kế, dẫn đến chậm trễ trong các thủ tục. Chính vì sự thay đổi thường xuyên thiết kế và dự toán nhiều lần mà quá trình giải ngân bị chậm lại.

Theo ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về phía ngân hàng, nguồn vốn vay để đóng mỗi chiếc tàu khá lớn nên một số ngân hàng thương mại cũng dè dặt khi cho vay. Mặt khác, tài sản bảo đảm của việc vay vốn chỉ là chiếc tàu mà các ngân hàng lại không tường tận về các yếu tố kỹ thuật, nên việc thẩm định dự toán đóng tàu tại các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đã xảy ra trường hợp ngư dân đăng ký đóng mới được ngân hàng thẩm định và đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng sau khi thẩm định lại ngân hàng đã từ chối cho ngư dân vay.

Là một trong những ngân hàng được giao nhiệm vụ cung cấp vốn cho ngư dân vay đóng tàu theo NĐ 67, ông Hà Thanh Hải, Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình cho biết, đơn vị đã tiếp nhận tất cả các hồ sơ của ngư dân có nhu cầu, trong đó đã ký kết 2 hợp đồng tín dụng với số vốn vay gần 13,7 tỷ đồng và đang thực hiện thẩm định số hồ sơ còn lại.

Tuy nhiên, trên thực tế, đối với cho ngư dân vay, ngân hàng phải cử cán bộ hướng dẫn từng trường hợp cụ thể và hồ sơ đăng ký điều kiện cấp tín dụng cũng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ, nên giải quyết tất cả các hồ sơ trong cùng một thời điểm cần nhiều thời gian.

Một khó khăn nữa là, chủ tàu thường sử dụng một số trang thiết bị cũ, tuy nhiên việc sử dụng các trang thiết bị cũ để làm vốn đối ứng có ngân hàng chấp nhận nhưng có ngân hàng chưa chấp nhận bởi vì ngân hàng chưa từng tiếp xúc với việc định giá những thiết bị ngư lưới cụ cũ này.

Rõ ràng, việc thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu với ngân hàng còn nhiều vướng mắc, do chưa thống nhất về cách tính toán, đánh giá phương án vay vốn, giá trị dự án và các chủ tàu chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của ngân hàng. Đó cũng là rào cản khiến nhiều ngư dân các địa phương như Quảng Lộc, Quảng Phúc (Ba Đồn), Bảo Ninh (Đồng Hới), Đức Trạch (Bố Trạch)... khó tiếp cận với nguồn vốn vay, dù các cấp, ngành liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa tháo gỡ được.

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn cần tổ chức các buổi tiếp xúc giữa đại diện ngân hàng với ngư dân để tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục, hồ sơ cho khách hàng, đồng thời phổ biến rõ hơn quy trình, thủ tục vay vốn chính sách tín dụng ưu đãi, những điều riêng biệt của ngân hàng đến với ngư dân. Điều này sẽ giúp các ngư dân dễ dàng hơn trong việc lập hồ sơ vay vốn.

Cần có sự nỗ lực đồng bộ từ các bên tham gia 

Có thể nhận thấy, để chính sách phát triển thủy sản đạt được mục tiêu, sự nỗ lực từ phía các ngân hàng thương mại là chưa đủ mà cần có sự nỗ lực đồng bộ từ tất cả các bên tham gia vào tiến trình thực hiện NĐ 67.

Theo ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước hết, nhằm giúp ngư dân thuận lợi hơn trong thực hiện hồ sơ và tiếp cận vốn thì các ngành liên quan phải tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu của ngư dân theo hướng đơn giản, phù hợp với quy định của pháp luật và trình độ của khách hàng.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay nếu thấy ngư dân chưa đáp ứng đủ điều kiện vay phải có văn bản trả lời rõ ràng lý do không cho vay, lý do từ chối cho vay để các đối tượng có nhu cầu thực sự khắc phục, tránh trường hợp chậm trễ thực hiện sẽ hết hiệu lực chính sách. 

Ngư dân Trần Đình Thủy, ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới) có tàu đóng mới theo NĐ 67 đã hạ thủy đưa vào khai thác cũng cho rằng, ngư dân cần tìm hiểu, nhất là ngư dân đóng tàu vỏ thép phải nghiên cứu kỹ phương án đầu tư, nghề hoạt động và mẫu tàu, đồng thời xác định tư tưởng, trách nhiệm trong việc vay vốn đầu tư đóng tàu và trả nợ, tránh trường hợp đăng ký và thực hiện theo phong trào, bởi việc “hoạch định” khả năng hoàn trả vốn vay cho ngân hàng là rất quan trọng.

Rõ ràng, những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn theo NĐ 67 là đang hiện hữu, tạo ra lực cản cho việc thực hiện chính sách quan trọng của nhà nước. Hy vọng sắp tới, với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ các địa phương và các ngân hàng sẽ tạo động lực cho bà con ngư dân yên tâm đóng mới tàu  để phát triển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

N.L