.

Lộc Hạ chuyển mình

Thứ Tư, 13/01/2016, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi về Lộc Hạ, xã An Thuỷ (huyện Lệ Thủy) vào một ngày cuối năm, qua câu chuyện của Chủ nhiệm HTX Lộc Hạ, ông Bùi Văn Phúc được biết, thời gian qua Lộc Hạ đã làm được nhiều việc. Nổi bật nhất là hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, kinh tế HTX phát triển toàn diện.

Đưa chúng tôi thăm cánh đồng canh tác lúa 2 vụ thẳng cánh cò bay, Chủ nhiệm HTX tâm sự rằng, HTX Lộc Hạ được thành lập năm 1959, đến năm 1996 được chuyển đổi thành HTX dịch vụ nông nghiệp. Hiện tại mô hình hoạt động của HTX Lộc Hạ không khác gì mô hình của một doanh nghiệp cổ phần. HTX quy tụ hơn 1.500 xã viên và tất cả họ đều có cổ phần trong ngôi nhà chung HTX.

Những ngày này tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con xã viên ra đồng làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông - xuân. Vụ này bà con rất phấn khởi là HTX tiếp tục ký kết hợp đồng với Công ty TNHH-KHCN Vĩnh Hòa, tỉnh Nghệ An liên kết sản xuất lúa chất lượng cao. Theo đó, công ty nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn mức bình quân trên địa bàn 20%. Từ xưa đến nay diện tích canh tác của HTX không tăng thêm, mà chỉ gói gọn trong 258ha lúa 2 vụ, trong lúc nhân khẩu lại tăng đều đặn qua hàng năm, làm gì để tăng thêm thu nhập luôn là sự trăn trở của các thế hệ lãnh đạo HTX.

Trong cái khó đó, Lộc Hạ đã chọn hướng đi lên từ khoa học công nghệ, để làm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Ông chủ nhiệm cho biết, để biến ý tưởng đó thành hiện thực chỉ dựa vào nội lực của xã viên là không thể làm được, nên lãnh đạo HTX đã mạnh dạn bắt tay liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có Công ty TNHH-KHCN Vĩnh Hòa.

Ảnh 3 : Cơ giới hóa khâu làm đất ở HTX Lộc Hạ.
Cơ giới hóa khâu làm đất ở HTX Lộc Hạ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hàng năm HTX đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện, các công ty phân bón, công ty thuốc bảo vệ thực vật và các doanh nghiệp tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn phổ biến quy trình, kỹ thuật thâm canh lúa, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản cho bà con xã viên. HTX phối hợp với Trung tâm khuyến nông, các công ty giống cây trồng làm các mô hình đối chứng sản xuất lúa chất lượng đứng ra đảm nhận tiêu thụ toàn bộ sản phẩm.

Lúc này vai trò HTX đã thay đổi so với trước. HTX đứng ra thực hiện tất cả các khâu dịch vụ nông nghiệp cho xã viên, đồng thời làm đầu mối đảm nhận khâu thu mua và cung ứng hàng hóa đến với thị trường, các doanh nghiệp; làm khâu trung gian giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Đây là khâu khó nhất khi tham gia vào chuỗi giá trị hạt thóc làm ra.  

Thực tế ở tất cả 43 HTX trên địa bàn Lệ Thủy cho thấy họ mới làm tốt chức năng dịch vụ, chứ chưa đảm nhận khâu bao tiêu sản phẩm cho xã viên, cảnh “được mùa rớt giá” vẫn luôn xảy ra đối với người nông dân. Trước thực trạng không vui đó, HTX Lộc Hạ đã tìm cho mình hướng đi mới. Lãnh đạo HTX đã mạnh dạn tìm đến Công ty TNHH-KHCN Vĩnh Hòa, tỉnh Nghệ An để liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với sự ràng buộc pháp lý chặt chẽ.

Công ty chịu trách nhiệm mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, cung ứng giống vật tư, phân bón đầy đủ kịp thời theo hợp đồng cho xã viên. Trách nhiệm của xã viên là cuối vụ thu hoạch sản phẩm bảo đảm đạt chất lượng theo thỏa thuận 2 bên và công ty có trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm lúa mà xã viên có nhu cầu bán ra. Giá thu mua luôn giữ ở mức giá tại thời điểm, tối thiểu cao hơn giá lúa P6 20%.

Qua 2 năm thực hiện, sự liên kết này đã mang lại hiệu quả tốt cho cả 2 bên, người nông dân xóa được nỗi lo âu thường nhật “được mùa rớt giá” và nhà doanh nghiệp được lợi từ bán vật tư và chủ động nguồn hàng là lúa chất lượng cao để cung cấp ra thị trường.

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận ra không phải công ty chịu thiệt khi  thu mua giá cao 20% so với mặt bằng, ngược lại do lúa của bà con sản xuất theo quy trình của công ty nên chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu làm lúa giống trên phạm vi cả nước, nên giá bán của công ty cũng cao hơn. Qua mấy vụ liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa chất lượng cao theo quy trình tiên tiến năng suất lúa của Lộc Hạ luôn dẫn đầu toàn huyện. Ví dụ như vụ đông - xuân 2014-2015, HTX làm mô hình giống lúa AC5 thực nghiệm trên 65ha cho năng suất rất cao, trên 70 tạ/ha.

Hiệu quả của việc liên kết sản xuất lúa hàng hóa mang lại rõ rệt đã kích thích người nông dân, họ tự nguyện dồn điền đổi thửa cho nhau để tạo ra cánh đồng mẫu lớn rất tiện lợi sản xuất lúa hàng hóa. Cùng với sự phát triển kinh tế tập thể, trên địa bàn còn có một trang trại nuôi trồng tổng hợp, 5 hộ đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo, 9 hộ chăn nuôi gia cầm quy mô lớn.

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi vịt đàn của gia đình ông Hoàng Thành Đồng. Đàn vịt của ông khoảng 4.000 con đang chuẩn bị xuất bán vào dịp Tết Bính Thân cùng với hơn 2.000 con vịt đẻ. Nhờ dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, đến nay cơ sở của ông trở thành đầu mối cung cấp vịt có tiếng ở Lộc Hạ. Không chỉ nuôi vịt, ông Đồng còn đầu tư nuôi lợn thịt, bò vỗ béo, ao cá. Mỗi năm trang trại này xuất chuồng 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa 40-50 con, bò trên 20 con, cho thu nhập khá. Từ những thành công trong chăn nuôi, ông mạnh dạn đầu tư mua 3 xe tải chở hàng hoá đi tiêu thụ, tạo việc làm cho gần 10 lao động là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh với mức lương 4-5 triệu/tháng/người.

Về hoạt động dịch vụ, mỗi năm bình quân HTX đã mua phục vụ bà con nông dân trong vùng khoảng 150-180 tấn đạm các loại (chủ yếu mua sản phẩm các thương hiệu nổi tiếng như: Sao Việt, Việt-Nhật, Lâm Thao); đầu tư mua giống mới chất lượng cao 200ha; có 35ha sử dụng lúa thảo dược (hay còn gọi là gạo hữu cơ, ăn để chữa bệnh) và các loại giống khác mà công ty đề xuất.

Người nông dân được HTX hỗ trợ không còn lo thiếu vốn sản xuất, mà cứ đến đầu vụ, HTX bỏ vốn ra cung ứng giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật nuôi trồng... sau đó thu hồi lại. Hàng năm, vốn quỹ và cổ phần xã viên tăng trưởng tốt, làm cho đời sống xã viên được nâng lên rõ rệt. Đến nay tổng giá trị tài sản và vốn lưu động của HTX lên đến 6 tỷ đồng.

Chính sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của HTX dành cho người nông dân suốt nhiều năm qua đã tạo được niềm tin vững chắc cho kinh tế hộ phát triển tại địa phương. Mấy năm gần đây bình quân mỗi năm HTX kết nạp mới từ 90 - 100 xã viên và số lượng cổ phần bán ra 2.050 cổ phần. Năm 2015 là năm hạn hán nặng, giá cả nông sản thấp nhưng HTX Lộc Hạ vẫn thu lãi ròng trên 200 triệu đồng.

Nhờ ăn nên làm ra mỗi năm HTX bỏ ra vài trăm triệu đồng để đầu tư hạ tầng thủy lợi, xây dựng trụ sở, làm đường giao thông nội đồng và hoạt động phúc lợi xã hội. Có thể nói, nhờ HTX làm “bà đỡ” nên đời sống vật chất tinh thần của người nông dân ngày một cải thiện và điều đáng mừng là đến hôm nay Lộc Hạ cơ bản “xóa” được hộ nghèo.

Trọng Thái