.

Quyết tâm tạo bước đột phá trong năm 2015

Thứ Ba, 20/01/2015, 13:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2015, dự báo tình hình kinh tế-xã hội trong nước sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và thuận lợi hơn năm 2014. Theo đó, cơ chế chính sách của Nhà nước, của tỉnh sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh, cơ sở hạ tầng, dịch vụ được cải thiện và từng bước nâng lên sẽ tạo đà thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại phát triển. Với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu và nhiệm vụ năm 2015, ngành Công thương đã đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đang nỗ lực, tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu năm mới này.

>> Nỗ lực bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

>> Ngành Công thương: Tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh

Xác định rõ những yếu tố thuận lợi và khó khăn hiện nay, ngành Công thương đã đề ra các chỉ tiêu chính trong năm 2015 như: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng 13,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 100 triệu USD...

Nhằm thực hiện thành công các chỉ tiêu này, ngành đã đề ra 4 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nhóm giải pháp về phát triển thương mại nội địa và quản lý giá cả thị trường, nhóm giải pháp về đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và nhóm giải pháp về công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính.

Theo đó, ngành Công thương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp-thương mại, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, các mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh để mọi người dân, các cơ sở sản xuất biết và tham gia thực hiện.

Bên cạnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc về vốn, đền bù giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện năng cho sản xuất, ngành sẽ có giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng để duy trì và phát triển sản xuất, khai thác tốt công suất của các nhà máy hiện có và các dự án mới đưa và sản xuất cuối năm 2014, đầu năm 2015 như: Nhà máy xi măng Văn Hóa, Nhà máy xi măng Vạn Ninh, Xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng giai đoạn 2, Nhà máy may công nghiệp tại làng nghề Quán Hàu, cơ sở chế biến gỗ Trường Thành, dự án sản xuất gạch không nung và các cơ sở sản xuất mới trong các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Ngành thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh để sớm đưa các đơn vị vào sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất. Riêng đối với công tác xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp lớn của tỉnh, ngành tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tìm đối tác liên doanh đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dệt may sớm triển khai đầu tư các dự án may xuất khẩu tại huyện Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn, đồng thời triển khai dự án xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn xăng dầu của Công ty cổ phần Petro Lao, làm việc với Sài Gòn Co.op Mart để đẩy nhanh tiến độ đầu tư Trung tâm thương mại, siêu thị tại thành phố Đồng Hới...

Với quyết tâm cao, ngành Công thương đang nỗ lực phấn đấu để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án trong năm 2015 nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và tạo sự phát triển cho ngành trong những năm tiếp theo.

Nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và tính bền vững của hoạt động xuất khẩu, ngành khuyến khích các doanh nghiệp khai thác tốt các nguồn hàng trong và ngoài tỉnh, đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu mà địa phương có lợi thế như: May xuất khẩu, chế biến thủy sản, nhựa thông, gỗ và dăm giấy, mây tre đan, xi măng và phân bón.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất như: Xi măng, bia Hà Nội-Quảng Bình, gạch ceramic, phân NPK, thuốc tân dược...

Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, ngành tiếp tục tạo mọi điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp được tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ thương mại trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức hội chợ hàng công nghiệp và thương mại Quảng Bình năm 2015, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi. Ngành phối hợp với Sài Gòn Co.op Mart và các siêu thị để tổ chức các hội nghị gặp gỡ, kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN và NNNT, các mặt hàng đặc sản nông-lâm-thủy sản của các trang trại và làng nghề trong tỉnh vào tiêu thụ trong chuỗi hệ thống siêu thị trên toàn quốc.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ kế hoạch 2015 và những năm tiếp theo, ngành Công thương rất cần sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND tỉnh trong việc mời gọi các đối tác trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ vào địa phương, nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển của tỉnh trong năm 2015 và giai đoạn 2016-2020.

Bởi thực tế trong mấy năm qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chính nên các dự án bị gián đoạn, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Trong một vài năm tới, nếu không có các dự án lớn được khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sản xuất trên địa bàn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành.

Hiện nay, ở phía bắc tỉnh tập trung nhiều nhà máy sản xuất xi măng và dăm gỗ có nhu cầu vận chuyển tiêu thụ sản phẩm và nguyên liệu qua đường thủy khoảng 2-3 triệu tấn/năm (chưa kể các mặt hàng quặng, khoáng sản quá cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo về cảng biển), trong khi đó cảng Hòn La bị hạn chế về quy mô, công suất và năng lực vận chuyển, cảng Vũng Áng lại ưu tiên cho nhập thiết bị của dự án Formusa nên đã gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm nghiên cứu đầu tư nâng công suất bốc xếp tại cảng Hòn La, đồng thời nạo vét các cửa sông để đáp ứng yêu cầu vận chuyển tiêu thụ sản phẩm và hàng hóa của các doanh nghiệp.

Cùng với việc quan tâm bố trí nguồn vốn và các chính sách đầu tư để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp trên đia bàn, tỉnh cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, các chợ đầu mối và chợ nông thôn, tăng nguồn khinh phí và phương tiện, thiết bị cho hoạt động của lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan trong Ban chỉ đạo 389 nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

P.V