.

Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông, khuyến ngư

Thứ Sáu, 16/01/2015, 07:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Với những nỗ lực không ngừng trong suốt một năm qua, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã tập trung triển khai xây dựng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất nông-ngư nghiệp. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản đã hình thành mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong năm 2014, tổng kinh phí bố trí cho hoạt động khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh là 4,5 tỷ đồng (trong đó 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp, 2,5 tỷ đồng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp). Với nguồn vốn đó, trung tâm đã tiến hành triển khai và thực hiện hầu hết các chương trình khuyến nông, khuyến ngư ở các địa phương trong toàn tỉnh theo đúng tiến độ. Một số mô hình sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả tăng thu nhập cho nông dân.

Điển hình là mô hình chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nếp lai HN88 với diện tích 6,3 ha tại xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch). Bước đầu mô hình cho hiệu quả, năng suất cao đạt 40.000 bắp/ha, bắp to, chất lượng ngon, đưa lại thu nhập cao, bình quân lãi 19.860.000 đồng/ha (tương đương 993.000 đồng/sào).

Nhờ tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn, bà con nông dân yên tâm khâu tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn, bà con nông dân yên tâm khâu tiêu thụ sản phẩm.

Hiện đang được bà con nông dân đánh giá cao và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới. Hay như mô hình chăn nuôi gà ri thả vườn. Mô hình được triển khai với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 15.000 con gà, thực hiện trên 6 huyện, thị xã. Qua quá trình nuôi thử nghiệm, tỷ lệ gà ri sống đạt trên 90%, trọng lượng từ 1,3-1,7 kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đã khẳng định được việc nuôi gà theo hướng thả vườn, từng bước xây dựng thương hiệu gà đồi.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, công tác khuyến ngư cũng có những thành quả đáng kể như: Mô hình nuôi thử nghiệm cá lăng thương phẩm trong ao đất và trong lồng được tiếp tục nuôi thử nghiệm ở huyện Tuyên Hóa. Với việc tập huấn về kỹ thuật và hỗ trợ về giống, thức ăn, thuốc hóa chất phòng bệnh của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, bà con nông dân đã thực hiện tốt các khâu chăm sóc, phát triển đàn cá.

Qua theo dõi, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao ước đạt khoảng 97%, trọng lượng bình quân đạt 270 gram. Được biết, sau khoảng 2-3 năm, cá lăng chấm mới cho thu hoạch, trọng lượng đạt 1,5-2 kg/con nhưng năng suất, lợi nhuận cao, đạt 8-10 tấn/ha và lãi trên 600 triệu đồng/ha. Hiện trung tâm đang tiếp tục chỉ đạo theo dõi quá trình sinh trưởng của cá trong năm thứ 2. Ngoài cá lăng chấm, việc đưa cá chim vây vàng vào nuôi thử nghiệm, nhân rộng mô hình cua đồng thương phẩm cũng mang lại hiệu quả khả quan.

Cá lăng chấm khoảng 3 tháng tuổi được nuôi thử nghiệm tại tỉnh ta.
Cá lăng chấm khoảng 3 tháng tuổi được nuôi thử nghiệm tại tỉnh ta.

Cũng trong năm 2014, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã trích nguồn kinh phí hỗ trợ giá giống cho nông dân triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa, ớt, sắn; nuôi thử nghiệm giống bò Brahman trắng; chuyển đổi nghề khai thác thủy sản xa bờ bằng lưới rê cá thu-ngừ và lưới rê mực nang...

Có thể nói, với những nỗ lực không ngừng, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến ngư phù hợp với nhu cầu thực tế của sản xuất, được người dân đồng tình ủng hộ. Các chính sách nông nghiệp đã chuyển biến tích cực, thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ. Nhờ vậy, đã góp phần đưa lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tỉnh ta chuyển dần theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn và phát triển bền vững.

Để tiếp tục hoàn thành tốt và mang lại hiệu quả cao cho các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo huấn luyện sẽ được trung tâm triển khai tích cực hơn. Nội dung tập huấn tập trung vào chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến, phương pháp tập huấn sẽ đổi mới để phù hợp với từng đối tượng tham gia. Tiếp tục tìm kiếm đưa vào thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới, năng suất, hiệu quả cao và thích hợp với điều kiện của địa phương...”.

Lê Mai