.

Ngành Công thương: Tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh

Thứ Ba, 20/01/2015, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, ngành Công thương Quảng Bình đã bám sát các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, nhân lực của địa phương để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đã có những bước đi lên vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Những kết quả đạt được của ngành đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, tạo công ăn việc làm và giúp xóa đói, giảm nghèo cho một lực lượng lao động lớn ở địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn dệt may Việt Nam tham quan Trung tâm sản xuất công nghệ cao của Xí nghiệp May xuất khẩu Hà Quảng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn dệt may Việt Nam tham quan Trung tâm sản xuất công nghệ cao của Xí nghiệp May xuất khẩu Hà Quảng.

Sở Công thương là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tác động khách quan và chủ quan nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các địa phương và doanh nghiệp, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn luôn duy trì được mức tăng trưởng khá.

Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2013 là 11,4%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp-xây dựng (năm 2008 chỉ chiếm 30%, đến năm 2013 đạt trên 36%) và đạt chỉ tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV đề ra. Riêng năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 8.594 tỷ đồng, tăng 10%.

Theo đó, công nghiệp quốc doanh liên tục có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định do một số doanh nghiệp có sự đầu tư xây dựng mới và mở rộng quy mô phát triển sản xuất, tăng nhanh sản lượng.

Công nghiệp ngoài quốc doanh đang phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong nền công nghiệp tỉnh nhà, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân đã có sự trưởng thành và phát triển nhanh chóng, các doanh nghiệp cổ phần được chuyển đổi đã dần ổn định và đi vào sản xuất từng bước có hiệu quả. Hiện tại, ngành Công thương chiếm trên 63% GDP của tỉnh, đóng góp trên 90% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tới.

Đến nay, sản xuất công nghiệp đã, đang dần hình thành nên các khu công nghiệp, khu kinh tế với dây chuyền sản xuất hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khẳng định thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực với các sản phẩm như: Xi măng Sông Gianh, gạch ceramic, bia Hà Nội-Quảng Bình, mộc mỹ nghệ, may xuất khẩu... Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn được chú trọng phát triển.

Cùng với việc du nhập và phát triển thêm nghề mới, trên địa bàn đã hình thành các doanh nghiệp đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.

Một số dự án đã hoàn thành đi vào sản xuất và phát huy hiệu quả như: Nhà máy xi măng Sông Gianh, may xuất khẩu Hà Quảng, bia Hà Nội-Quảng Bình, xi măng Văn Hóa, xi măng Áng Sơn 2, các nhà máy chế biến gỗ và dăm gỗ... Ngành cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đang triển khai như: Nhiệt điện Quảng Trạch 1, vôi Kim Hóa, may xuất khẩu tại huyện Quảng Ninh và Minh Hóa, Trung tâm thương mại của Sài Gòn Co.op Mart; đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư các dự án cho giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là các dự án tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh lần thứ nhất vào tháng 3 năm 2014 như: May xuất khẩu, sản xuất sợi, chế biến gỗ MDF, dự án thu hồi nhiệt điện ở các nhà máy sản xuất xi măng, dự án đá ốp lát xuất khẩu...

Cùng với phát triển công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tiến bộ vượt bậc, thị trường xuất khẩu được mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng. Năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về thị trường giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 150 triệu USD, đạt 100% kế hoạch. Hoạt động thương mại và dịch vụ không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng, đa dạng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, ổn định thị trường giá cả.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị văn minh và tiện ích, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá năm 2010 đạt gần 8.000 tỷ đồng, giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 27,4% mỗi năm; giai đoạn 2011-2013 mặc dù gặp khó khăn do sức mua giảm mạnh, nhưng vẫn có tăng trưởng khá, tăng bình quân 17,4% mỗi năm. Đến năm 2014, tổng mức lưu chuyển hàng hoá đạt 16.880 tỷ đồng, tăng 13,3%. 

Bám sát chức năng và nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Sở Công thương đã không ngừng nâng cao nhận thức, nắm bắt các chủ trương, chính sách, những định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công thương để từ đó đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng chương trình, đề án phát triển công nghiệp, thương mại phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương trước mắt và về lâu dài. Sở đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án sớm đi vào hoạt động...

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn trên đia bàn hiện cũng đã có những chuyển biến tích cực, nhiều dự án đầu tư đã mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn các huyện, thị và thành phố phát triển ổn định và tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2008-2014 tăng 12,5 %.

Sở đã triển khai đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế như: Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp Hòn La I và II, Khu kinh tế Hòn La... và hiện đã có 60 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó có 33 dự án đã đi vào hoạt động và 27 dự án đang triển khai xây dựng. Về cụm điểm TTCN, trên địa bàn có 8 cụm điểm đã được đầu tư đó là: Thuận Đức, Tân Sơn, Phú Hải, Bắc Nghĩa, thị trấn Quán Hàu, Cảnh Dương, Cam Liên và Quảng Phú. Các cụm điểm đang tiếp tục triển khai đầu tư gồm: Yên Hoá, Lưu Thuận và Nghĩa Ninh. Sở Công thương luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính, mà trọng tâm là việc đơn giản hoá thủ tục giấy tờ, thực hiện tốt cơ chế một cửa, nhằm tạo mọi thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp khi đến giải quyết công việc liên quan.

Với những thành tích đạt được và sự đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, ngành Công thương Quảng Bình đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhì, cờ thi đua của Chính phủ và của Bộ Công thương. Các doanh nghiệp trong ngành được tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động, danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, lá cờ đầu của ngành Công Thương...   

Trong những năm tiếp theo, khó khăn thách thức đối với ngành Công thương còn rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương Quảng Bình là phải tập trung tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của tỉnh, tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án sản xuất công nghiệp thương mại lớn trên địa bàn, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất TTCN và NNNT...

Phát huy truyền thống quý báu mà các thế hệ cha anh đi trước đã xây đắp nên, tập thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành Công thương Quảng Bình quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức, luôn nỗ lực phấn đấu và thi đua thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Phan Văn Thường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương