.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Bố Trạch: Cần cân nhắc những bài học từ thực tiễn - Bài 2: Bài học thực tiễn và các giải pháp

Thứ Hai, 17/11/2014, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Mục tiêu Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020" mà huyện Bố Trạch đề ra đã rõ, tuy nhiên để mang lại thành công trong quá trình thực hiện, huyện cần cân nhắc những bài học từ thực tiễn trong thời gian qua, để đưa ra được các giải pháp mang tính đồng bộ, sát đúng với đặc thù địa phương.

>> Bài 1: Thực trạng và hướng đi

Ký kết biên bản hợp tác giữa Hội Nông dân huyện và Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh.
Ký kết biên bản hợp tác giữa Hội Nông dân huyện và Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh.

Những bài học không cũ

Đầu ra cho sản phẩm luôn là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của cơ quan chức năng và người nông dân. Những năm gần đây, nông sản nói chung và các mặt hàng như cao su, hồ tiêu, sắn, ớt... nói riêng, đã liên tục gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ.

Điệp khúc "được mùa rớt giá" đã không còn xa lạ. Năm 2014, mủ cao su và sắn nguyên liệu rớt giá còn không đầy 1/4 so với giá một số năm trước đó. Người trồng ớt, sắn và cao su gần như trắng tay, thậm chí nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần.

Để cùng người nông dân tháo gỡ khó khăn, các cấp chính quyền huyện Bố Trạch cũng đã tiến hành một số giải pháp, trong đó có các hội nghị kết nối tìm đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, điều đáng buồn là một số doanh nghiệp trước đó đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã vắng bóng tại các hội nghị này.

Trên thực tế, việc nông sản bị rớt giá không chỉ ảnh hưởng đến người nông dân, mà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cũng đứng trước nguy cơ thua lỗ bởi nguồn kinh phí ứng trước để đầu tư cây giống cho nông dân. Đây là những hậu quả mà không chỉ riêng doanh nghiệp và nông dân huyện Bố Trạch cũng như tỉnh ta đang phải đối mặt, mà là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan nêu trên, thì có một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa, đó là tư duy kinh tế hạn chế của một bộ phận nông dân đã khiến cho câu chuyện đầu ra cho nông sản trở nên phức tạp.

Điển hình nhất là việc các hộ nông dân sau khi ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với mức giá bảo đảm lợi nhuận cho cả hai bên, nhưng nếu tư thương mua sản phẩm với giá cao hơn, thì nông dân "bở lơ" doanh nghiệp để bán sản phẩm cho tư thương. Ngược lại, khi rớt giá thì quay lại "níu áo" chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Đây là câu chuyện đã nhiều lần tái diễn trong quá trình tiêu thụ sắn, ớt nói riêng và nông sản nói chung ở Bố Trạch.

Cùng với câu chuyện đầu ra là vấn đề quy hoạch. Thực tế cho thấy, khi một loại cây nào đó mang lại lợi nhuận lớn, thì người nông dân đổ xô nhau đi trồng. Điển hình rõ nhất ở Bố Trạch thời gian qua là cây ớt. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích cây ớt trên địa bàn đã tăng vọt lên trên 350 ha (con số thực tế có thể còn lớn hơn). Cây cao su cũng không ngoại lệ khi nhà nhà trồng cao su. Phát triển tự phát nên dẫn đến hệ quả cung lớn hơn cầu là lẽ đương nhiên. Và như thế lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn đầu ra ế ẩm, rớt giá...

Đâu là giải pháp?

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Bố Trạch đã đưa ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng quy hoạch; chuyển đổi, tích tụ ruộng đất; đẩy mạnh cơ giới hoá, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; nâng cao hiệu quả đầu tư công; cải cách thể chế; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách; triển khai một số dự án trọng điểm...

Hầu hết các vấn đề tồn tại của những loại cây trồng chủ lực như cao su, sắn, hồ tiêu, ớt... đều được đề cập đến trong từng giải pháp. Đó là việc điều chỉnh quy hoạch, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làng nghề và các nhà máy, cơ sở chế biến; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đặc biệt quy hoạch phát triển sản xuất.

Cây ớt, một trong những loại cây trồng thuộc Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Bố Trạch với mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Cây ớt, một trong những loại cây trồng thuộc Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Bố Trạch với mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Giải pháp xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế là hướng đi tích cực trong việc đồng hành cùng người nông dân tiêu thụ nông sản. Việc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích mạng lưới thương lái phát triển làm đầu mối thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng đã được Bố Trạch triển khai tích cực trong những năm qua.

Điển hình là việc kết nối với Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh và một số doanh nghiệp thu mua ớt trên địa bàn. Tiếp nối giải pháp này, thời gian tới, trong nội dung của đề án, Bố Trạch sẽ tăng cường công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm để tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước...

Trao đổi về các giải pháp của đề án trong tương lai cũng như nỗ lực của địa phương trong vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, đồng chí Trần Quang Vũ, Quyền Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đầu ra cho nông sản là vấn đề rất khó không chỉ riêng với Bố Trạch mà với hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong nước.

Đối với thực tế của Bố Trạch, để giảm thiểu những thiệt hại cho người nông dân, giải pháp ưu tiên nhất hiện nay vẫn là tăng cường kết nối với doanh nghiệp. Khi đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, người nông dân cần tôn trọng các điều khoản đã cam kết, tránh việc thấy lợi nhỏ trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài. Một khi người nông dân phá vỡ cam kết với doanh nghiệp, khả năng bị tư thương ép giá sẽ xảy ra và mọi thiệt hại đều là người nông dân gánh chịu.

Thực tế thời gian qua, nhiều hộ dân cũng đã rút ra được bài học đắt giá từ việc tiêu thụ sắn và ớt. Về vấn đề phát triển các loại cây trồng, bên cạnh sự lựa chọn của mỗi hộ gia đình trong quá trình sản xuất, thì sự định hướng và quy hoạch của địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Bỏ qua quy hoạch "mạnh ai nấy làm" chắn chắn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Để hoàn thành các mục tiêu của đề án, nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp nói chung, của các loại cây trồng chủ lực nói riêng, cùng với những giải pháp mang tính khoa học, thì việc cân nhắc và áp dụng những bài học từ thực tiễn là vô cùng quan trọng.

Hy vọng rằng, từ những bài học ấy, Bố Trạch sẽ gặt hái được những thành tựu mới, phát huy được thế mạnh của địa phương và nâng cao đời sống người nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa quê hương phát triển nhanh và bền vững.

Ngọc Mai