.

Hái quả ngọt trên đất quê hương

Thứ Ba, 11/11/2014, 10:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Sẽ không sai khi nói như thế về câu chuyện làm giàu của đôi vợ chồng anh Nguyễn Viết Tú và chị Lê Thị Hương (Lương Ninh, Quảng Ninh). Bởi với anh chị, cuộc hành trình thoát nghèo và vươn lên làm giàu của họ quá đỗi gập ghềnh. Nhưng sau những ngày tháng mặn chát mồ hôi và đắng nghẹn vì làm ăn thất bát, cuối cùng, cặp vợ chồng chịu thương chịu khó ấy vẫn có thể “hái quả ngọt” từ chính mảnh đất quê khô cằn, đá sỏi.

Trang trại chăn nuôi của anh Tú và chị Hương nằm giữa mênh mông đồng lúa. Giờ thì con đường dẫn ra khu trang trại ấy đã được đổ bê tông phẳng lì-thành quả đóng góp của địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Vậy nhưng, đến giờ, anh chị vẫn không thể quên những ngày tháng đầu quyết định ra đây, “dựng chòi”, lập nghiệp giữa cánh đồng quạnh quẽ. Ngày ấy, những con đường đất bé xíu, nhỏ nhoi, cô độc nhô lên giữa bạt ngàn lúa.

Trời mưa thì đường trơn trượt, nhầy nhụa. Mưa nặng hạt một chút thì nước phủ trắng trời, chẳng còn biết đâu là đường, đâu là ruộng. Vậy mà chẳng chút chần chừ, anh Tú vẫn quyết định bỏ nhà, bỏ vườn ra đây cải tạo đất, mở mô hình chăn nuôi cá-lúa. Bởi nếu không đánh cược một phen, thì đến bao giờ mới thoát khỏi kiếp nghèo đeo đẳng?

Anh Tú nhớ lại: “Quê tôi ở Hà Tây (cũ), ngày trước, ở ngoài đó cũng tập tành chăn nuôi gà Thái Lan. Nhưng sau mấy vụ đều lỗ cả, vậy là tay trắng. Dạo đó, hai vợ chồng, hai đứa con quyết định dắt díu nhau về quê vợ ở Lương Ninh sinh sống. Rồi cũng tiếp tục mở trang trại chăn nuôi heo, gà, nhưng lại tiếp tục lỗ vốn vì dịch bệnh”.

Năm 2007, UBND xã Lương Ninh có chủ trương chuyển đổi diện tích ruộng lúa một vụ năng suất thấp sang mô hình cá - lúa. Sẵn có máu làm giàu nên với anh Tú, đó là cơ hội vàng để lại tiếp tục vươn lên từ trong những thất bát, khó nhọc. “Lúc đó, mình nghĩ chỉ có đánh liều một phen thì mới mong may mắn để thoát nghèo. Vậy là vợ chồng vay tiền, vay bạc để ra đây đào ao, thả cá, trồng thêm lúa, nuôi thêm ít vịt, gà”, anh Tú kể, cái chất giọng miền Bắc nay đã pha chút giọng Quảng Bình nghe cứ lạ lạ, thương thương. Vụ cá đầu tiên trúng đậm, anh chị càng có thêm nguồn động viên để mở rộng trang trại, có chút vốn liếng để mua thêm giống về nuôi.

Mỗi năm, trang trại của anh Tú thu hoạch được hơn 6 tấn cá.
Mỗi năm, trang trại của anh Tú thu hoạch được hơn 6 tấn cá.

Giờ thì cả trang trại rộng hơn 1ha, có đủ cả, từ cá, gà, vịt đến heo, bò và trồng lúa hai vụ. Trong đó, chủ yếu là chăn nuôi cá, cùng đàn bò 8 con, 30 con lợn và đàn vịt, gà gần 200 con. Mỗi năm, khu trang trại cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Riêng cá, mỗi năm thu hoạch được 6 tấn, trị giá 200 triệu đồng/năm. Số tiền đó quả là khoản lợi nhuận trong mơ mà trong những tháng ngày nghèo khổ trước kia, anh chị chẳng bao giờ dám nghĩ đến. Đó là những đồng tiền kiếm được từ những ngày chát mặn mồ hôi và nước mắt.

Đêm cũng như ngày nắng cũng như ngày mưa, vợ chồng anh chị phải thay phiên nhau túc trực bên ao cá, từ việc cho ăn rồi theo dõi dịch bệnh. Nhất là những mùa mưa bão, coi như thức trắng, nơm nớp theo từng đợt gió, từng trận mưa. Bảy năm rồi, thành công, thất bại sau mỗi vụ thu hoạch, vợ chồng anh chị đều nếm đủ cả. Mà đã chấp nhận làm ăn thì đôi khi cũng phải biết đánh cược với cái đỏng đảnh của thời tiết, “được ăn cả, ngã về không”. “Nếu để vụ cá đến tết rồi thu hoạch thì thắng đậm, nhưng chỉ cần một trận lụt, bão thì coi như mất trắng. Nhưng mà chấp nhận liều thôi”, anh Tú chia sẻ.

Trận bão lịch sử năm 2013 đã làm cho cả khu trang trại gần như tan hoang, tổng thiệt hại hơn 150 triệu đồng. “Của một đồng, công một nén”, chỉ trong chốc lát lại mất một số tiền lớn đến vậy nên anh chị quá xót xa. Vậy nhưng, ngã ở đâu, thì đứng dậy ở đó, họ lại tiếp tục cải tạo trang trại, mua giống mới về nuôi. Giờ thì trang trại của anh chị xanh mướt màu xanh của lúa, cùng với rất nhiều loại vật nuôi khác có thể cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt là cá trắm, cá rô phi...

Anh Tú bảo: “Chăn nuôi sợ nhất là dịch bệnh nên phải luôn luôn học hỏi kinh nghiệm, tìm cách tránh được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra”. Ngoài những kinh nghiệm học hỏi từ những hộ chăn nuôi trong xã, vợ chồng anh còn tìm hiểu qua sách báo, rồi tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tổ chức. Giờ thì họ đã có được một vốn kiến thức “hòm hòm”, đủ để có thể tự tin bắt đầu những mùa vụ mới ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Đánh giá hiệu quả mô hình trang trại của vợ chồng anh Tú, chị Hương, ông Đoàn Lâm Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Ninh cho biết: “Ở Lương Ninh, có rất nhiều mô hình trang trại lớn, nhưng trang trại chăn nuôi của anh Tú là một trong số những trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Cái chúng tôi nể phục ở anh chị đó là ý chí, quyết tâm và có gan làm giàu. Từ điển hình của anh Tú, Hội Nông dân xã đã nhân rộng ra nhiều mô hình chăn nuôi khác, góp phần đổi thay đời sống của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 14,7% xuống còn 4,3%”.

Diệu Hương