.
Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Xây dựng NTM xã Quảng Hợp: "Đường về đích quá xa xôi"

Thứ Tư, 12/11/2014, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) về cuộc hành trình xây dựng nông thôn mới đầy gian nan phía trước của xã. Hiện xã Quảng Hợp chỉ mới hoàn thành được 5/19 tiêu chí, thế nhưng, nói như ông Chủ tịch UBND xã thì “toàn là những tiêu chí đã có sẵn”.

Muôn nẻo khó khăn

Đến thăm điểm trường trung tâm của Trường mầm non xã Quảng Hợp, chúng tôi được chứng kiến cảnh cô và trò chen chúc trong một phòng học chật hẹp. Tại điểm trường trung tâm, do số lượng học sinh quá đông nên hiện tại, trường phải mượn trụ sở cũ của Trạm y tế xã để làm địa điểm dạy học cho các em.

Thế nhưng, cơ sở này cũng không đáp ứng được nhu cầu cho 90 học sinh theo học tại đây. Thiếu phòng học nên hiện tại, lớp trẻ 3 tuổi phải học chung với trẻ 4 tuổi. Mỗi phòng được ngăn ra làm đôi, một nửa để dạy học, nửa còn lại chỉ đủ để bỏ đồ đạc và giáo cụ. Do không gian chật hẹp, không có chỗ đặt bàn ăn, nên vào bữa ăn trưa, các em phải ngồi ăn ở ngoài hiên và tràn cả ra sân.

Hiện tại Trường mầm non Quảng Hợp có bốn điểm trường, thì điểm trường ở thôn Thanh Xuân và Bưởi Rỏi, hệ thống phòng học đã xuống cấp, nhiều mảng tường nứt nẻ và bong tróc. Trong mùa mưa bão, cô và trò luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Theo ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, thì không riêng gì trường mầm non, mà tình trạng thiếu phòng học diễn ra ở cả Trường tiểu học và THCS. Thầy và trò tại các điểm trường này hiện đang phải mượn nhà văn hóa thôn hoặc học trong các phòng học tạm bợ, thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Ông Phạm Hồng Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã. Xã Quảng Hợp nằm trải dài gần 15 km. Ngoài trục đường chính đã được đầu tư đổ bê tông thì hầu hết hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng của xã đều đang ở nguyên trạng, gập gềnh, khó đi. Những con đường liên thôn chỗ lổn nhổn đá sỏi, chỗ vẫn còn trơn trượt, lầy lội do cơn mưa từ đêm hôm trước.

Đặc biệt, trong mùa mưa bão, chỉ cần một trận mưa lớn, nhiều tuyến đường trở nên lầy lội, nhiều chỗ trũng bị ngập nước, học sinh phải lội nước đến trường. “Trung bình mỗi thôn chỉ có hơn 1km đường bê tông, có thôn còn chưa có. Cái mà người dân ở đây cần nhất đó là đường giao thông, họ có thể hiến đất, hiến ngày công để làm đường, nhưng khả năng huy động nguồn vốn từ dân khó mà thực hiện được”, ông Phó Chủ tịch UBND xã lắc đầu bất lực.

Điểm trường mầm non tại trụ sở cũ của Trạm y tế xã không có đồ chơi cho học sinh.
Điểm trường mầm non tại trụ sở cũ của Trạm y tế xã không có đồ chơi cho học sinh.

Khó bởi cái nghèo, cái khổ vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của người dân xã miền núi này. Hiện tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm đến hơn 70%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 31 %. Với họ, bữa ăn còn chưa đủ chắc bụng thì đâu dám mơ chuyện dư dả để đóng góp xây dựng những công trình dân sinh khác ở địa phương.

Được biết, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Quảng Trạch giao cho xã Quảng Hợp đến cuối năm 2014 phải hoàn thành các tiêu chí: điện, thủy lợi và hệ thống tổ chức chính trị-xã hội. Trong đó, theo ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp thì hai tiêu chí điện  và tổ chức hệ thống chính trị-xã hội là địa phương có thể hoàn thành tốt, riêng tiêu chí thủy lợi thì khó đạt được.

Hiện hệ thống thủy lợi của xã chỉ mới được gần 60% kiên cố hóa, còn lại phải huy động cơ chế từ sức dân mới có thể hoàn thành. Thế nhưng, cái khó của xã là vướng phải điều kiện kinh tế của người dân quá khó khăn. Trong khi đó, nhiều hồ đập đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hướng nhiều đến quá trình sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Do không đủ điều kiện về công trình thủy lợi, thiếu nước tưới, nên nhiều năm qua, 2/6 thôn của xã là Hợp Phú và Hợp Hạ chỉ có thể sản xuất lúa một vụ.

Cùng giải bài toán khó

Trong ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã miền núi Quảng Hợp đã có nhiều khởi sắc. Thế nhưng, để có thể “cán đích” đúng tiến độ, trên cuộc hành trình nỗ lực của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Hợp sẽ gặp không ít trở ngại, đặc biệt là vấn đề nan giải: “khát” vốn. Chính quyền xã cũng đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương như chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, giúp người dân phát triển kinh tế.

Hiện nay, tại Quảng Hợp đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, tận dụng lợi thế về diện tích đất rừng, UBND xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung khai thác thế mạnh từ rừng. Hiện diện tích đất rừng sản xuất của xã là 4.063,81 ha, chủ yếu trồng keo, tràm. Nhiều năm trở lại đây, Quảng Hợp đã phát triển mô hình chăn nuôi dê thả rừng, đem lại thu nhập cao cho người dân. Hiện toàn xã có tổng đàn dê gần 500 con. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững nhờ mô hình hiệu quả này.

Cách giải bài toán khó của xã Quảng Hợp là “thắt nút ở đâu, gỡ dần ở đó”. Với các thôn không có điều kiện nước tưới để sản xuất lúa hai vụ, UBND xã chỉ đạo tập trung sản xuất lúa vụ mười và tăng cường công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phấn đấu sản xuất hết diện tích, không có thôn nào để diện tích đất bỏ hoang. Tận dụng thế mạnh từ rừng, chính quyền xã đã thực hiện tốt chính sách trợ giống vật nuôi thuộc Chương trình 135 cho người dân, đưa mô hình nuôi ong lấy mật vào thực hiện và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về tiêu chí thủy lợi, hiện xã Quảng Hợp đang huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống kênh mương tại thôn Thanh Xuân và Hợp Hạ theo cơ chế 4-4-2 (4 phần từ nguồn vốn của tỉnh, 4 phần từ nguồn vốn của huyện và 2 phần huy động từ sức dân). Sau khi hoàn thành, hệ thống kênh mương thủy lợi của xã sẽ đạt gần 80% kiên cố hóa.

Vậy nên hiện tại, Đảng bộ và chính quyền xã Quảng Hợp đang tập trung mọi nguồn lực, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để huy động sự đóng góp từ phía người dân, phấn đấu đến cuối năm, xã sẽ đạt được tiêu chí thủy lợi đặt ra. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, cần có nhiều nỗ lực từ phía chính quyền và nhân dân xã nhà.

Theo ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp thì xã đang phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7 đến 9%. “Nhiệm vụ phía trước còn rất khó khăn, nhưng Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Quảng Hợp chúng tôi vẫn động viên nhau, đồng sức, đồng lòng cùng khắc phục khó khăn, gỡ dần từng nút thắt để phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đã đặt ra. Tất nhiên, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các cấp để Quảng Hợp bớt đi những gánh nặng về “khát” vốn”, ông Chủ tịch UBND xã chia sẻ.

Diệu Hương