.

Sản xuất nông nghiệp ở Tuyên Hóa: Những kết quả khả quan

Thứ Ba, 11/11/2014, 10:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, nông nghiệp được mùa, sản lượng lương thực đạt cao; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; nuôi trồng thủy sản tăng về diện tích, năng suất và sản lượng; sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế... Đây là những kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp huyện miền núi Tuyên Hóa năm 2014.

Huyện Tuyên Hóa thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp năm 2014 trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nên tiến độ gieo trồng cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Tuy nhiên, thời tiết đầu vụ đông-xuân rét, khô hanh, giữa vụ nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nẩy mầm, sinh trưởng và phát triển của cây trồng, diện tích lúa phải gieo lại trên 320ha. Vụ hè-thu nắng nóng kéo dài, một số diện tích lúa không gieo được làm giảm diện tích so với kế hoạch 31ha.

Tuy vậy, nhờ có sự chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, các phòng, ban chức năng và chính quyền các xã, thị trấn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ, động viên nhân dân khắc phục khó khăn, tăng cường sản xuất, phòng trừ dịch bệnh bảo vệ cây trồng, vật nuôi nên sản xuất nông nghiệp năm 2014 đạt được kết quả khả quan.

Trong đó, sản lượng lương thực là 19.582 tấn/18.847 tấn, đạt 103,8%KH, tăng 249 tấn so với năm 2013; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 44,3% giá trị sản xuất nông nghiệp, đạt 105%KH, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Huyện cũng đã tập trung chăm sóc, duy trì diện tích cây cao su. Đến nay, toàn huyện có 620,21ha cao su và đang tổ chức khai thác mủ trên diện tích 254,33ha (tăng 16,4ha so với năm 2013), sản lượng đạt trên 200 tấn, giá trị trên 2 tỷ đồng. Trồng rừng tập trung ước thực hiện đến 1-10-2014 là 800ha, đạt 100%KH, tăng 20ha so với cùng kỳ năm 2013.

Nông dân xã Mai Hóa chăm sóc ngô vụ đông.
Nông dân xã Mai Hóa chăm sóc ngô vụ đông.

Đáng chú ý là trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng liên quan và các địa phương tập trung đôn đốc, vận động nhân dân thực hiện gieo cấy hết diện tích, gieo trồng đúng thời vụ. Công tác dịch vụ giống, phân bón, tưới tiêu, bảo vệ thực vật... đáp ứng yêu cầu của người dân; các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng được áp dụng vào sản xuất, nhất là các giống lúa, ngô, lạc có năng suất, chất lượng cao.

Tính đến tháng 10-2014, các địa phương đã thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống của tỉnh và huyện với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Qua đó khuyến khích người dân sử dụng giống xác nhận, chất lượng, tiến bộ kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất.

Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục được quan tâm chỉ đạo phát triển theo hướng trang trại, gia trại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, trong thời gian qua, tranh thủ nguồn vốn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình: 135, xây dựng NTM, khuyến nông và chính sách hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành và các xã, thị trấn tích cực triển khai lai tạo đàn bò, đình sản bò đực cóc, nạc hoá đàn lợn, mô hình chăn nuôi bò lai, mô hình dê Bore; tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ con giống... cho nông dân để phát triển chăn nuôi.

Nhờ đó, tổng đàn tiếp tục ổn định, chất lượng đàn tăng rõ rệt. Đến nay tỷ lệ  bò lai ước đạt 43%, lợn thuần ngoại 4%, lợn có máu ngoại trên 95%, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Trong năm 2014, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức 2 hội thi chăn nuôi bò lai giỏi tại 2 xã Văn Hóa và Tiến Hóa thu hút nhiều hộ dân tham gia, nhằm khuyến khích, tuyên truyền cho người dân phát triển bò lai để nâng cao thu nhập. Thường trực Hội Nông dân tỉnh đã ghi nhận kết quả của  các hội thi và đánh giá cao chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.  

Nuôi trồng thủy sản cũng là một lợi thế của địa phương và tiếp tục được huyện Tuyên Hóa quan tâm thực hiện trong năm nay. Cụ thể là diện tích ao nuôi của huyện được mở rộng, chất lượng con giống, quản lý dịch bệnh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm, nên hiệu quả sản xuất tăng lên gắn với bảo vệ tốt môi trường. Diện tích ao nuôi của huyện cả năm là 66,23ha, đạt 130,3%KH, tăng 12,4ha so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, nghề nuôi cá lồng vẫn được duy trì, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất. Tổng số lồng cá tính đến thời điểm hiện tại là 263 lồng.

Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội, trồng rừng phát triển mạnh. Công tác khoanh nuôi phục hồi, chăm sóc, bảo vệ rừng được UBND huyện chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả.

Cụ thể, diện tích rừng bảo vệ là trên 40.000ha, chăm sóc rừng trồng trên 6.500ha. Huyện cũng đã chủ động làm việc với các đơn vị dịch vụ, chuẩn bị gần 1,5 triệu cây giống lâm nghiệp để cung ứng cho các hộ dân trồng rừng bảo đảm chất lượng; đã trồng mới và trồng lại trên diện tích khai thác 800ha. Nhìn chung, công tác trồng rừng được triển khai thực hiện đúng tiến độ. Đến nay, toàn huyện có 2 trang trại lâm nghiệp đạt tiêu chí.

Đặc biệt, huyện Tuyên Hóa đã tổ chức khai thác rừng trồng đến kỳ thu hoạch trên diện tích 436,59ha, sản lượng gỗ trên 21.345ster, giá trị thu được gần 15 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay của một địa phương vốn có nhiều lợi thế về rừng như Tuyên Hóa.

Kết quả đạt được trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Tuyên Hóa năm 2014 là rất khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là, việc thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đối với cơ sở chưa mạnh; một số đơn vị triển khai sản xuất còn chậm so với khung lịch thời vụ; tổng đàn gia súc chưa đạt kế hoạch, giảm so với năm 2013, mức độ tăng trưởng thấp; công tác quản lý chất lượng giống thuỷ sản còn bất cập, tình trạng người dân mua cá giống trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc vẫn còn; hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng vẫn còn xảy ra ở một số nơi; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra...

Nguyễn Hoàng