.

Hóa Sơn: Xóa đói giảm nghèo nhờ chăn nuôi và trồng rừng

Thứ Hai, 17/11/2014, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Hóa Sơn là một xã có điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn của huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa, với 380 hộ và 1.600 nhân khẩu. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khá mạnh (mỗi năm giảm gần 10%). Để có được sự chuyển biến vượt bậc này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Hóa Sơn đã biết khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển chăn nuôi và trồng rừng. 

 

Chăn nuôi gia súc đang là hướng đi giúp người dân Hóa Sơn xóa đói giảm nghèo.
Chăn nuôi gia súc đang là hướng đi giúp người dân Hóa Sơn xóa đói giảm nghèo.

Ông Đinh Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là 67% thì hiện nay chỉ còn 39,79%. Một trong những nguyên nhân quan trọng để Hóa Sơn giảm tỷ lệ hộ nghèo, đó là việc tranh thủ được các chương trình giảm nghèo bền vững như: Chương trình 135, Chương trình 30a...

Thông qua các chương trình này, bà con nhân dân đã được hỗ trợ con giống, cây giống để phát triển trồng rừng và chăn nuôi theo chiều sâu, mang lại hiệu quả. Theo ông Tuyên, với địa hình chủ yếu là đồi núi và thổ nhưỡng của xã, chỉ có phát triển mạnh vào hai lĩnh vực này mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ban đầu, xã tổ chức cho bà con tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng rừng. Sau đó là việc giao đất, tạo điều kiện cho vay vốn mở rộng sản xuất. Những nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, đã tạo động lực to lớn để các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Hiện tại, tổng đàn gia súc của xã Hóa Sơn là 1.478 con, trong đó có 360 con trâu, 695 con bò, 403 con lợn... Với hình thức chăn nuôi mang tính hàng hóa, chăn nuôi gia súc đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ dân, điển hình như gia đình anh Đinh Minh Phù, đã đầu tư nuôi gần 30 con trâu, bò và lợn. Tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, gia đình anh Phù chỉ tập trung chăm sóc “lấy công làm lãi”.

Từ khi bắt tay vào chăn nuôi cho đến nay, thu nhập của gia đình anh đã dần ổn định và có điều kiện để con cái học hành. Nhờ sự cần cù, chịu khó nên không chỉ có gia đình anh Phù mà rất nhiều hộ dân khác đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để người dân yên tâm đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, xã Hóa Sơn đã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trách bệnh cho đàn gia súc, bảo đảm cho gia súc phát triển tốt về chất lượng cũng như số lượng.

Đi đôi với công tác phát triển chăn nuôi, phong trào trồng rừng cũng được coi là một bước đột phá mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Hóa Sơn. Qua tìm hiểu được biết, thời gian đầu, công tác vận động bà con tham gia trồng rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn, vì nhận thức của bà còn thấp, chỉ quen với các tập tục canh tác cũ. Để nâng cao nhận thức cho người dân, ngoài việc tuyên truyền vận động, các cán bộ, đảng viên trong xã đã gương mẫu, đi đầu trong phong trào trồng rừng, từ đó dân học hỏi làm theo. Cùng với đó, chính quyền xã Hóa Sơn còn tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án trồng rừng về giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật cho bà con.

Từ khi được Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng hỗ trợ trồng cây trám và lim thì diện tích trồng rừng của xã Hóa Sơn đã nâng lên đáng kể. Đến thời điểm này, toàn xã đã trồng được gần 300ha, trong đó có hơn 200ha keo, 70 ha trám và lim... Gia đình anh Đinh Hữu Tiến là một trong những hộ trồng rừng nhiều nhất trên địa bàn xã, với hơn 15 ha và chủ yếu là trồng keo. Thời gian vừa rồi anh thu hoạch 2 ha, sau khi trừ chi phí thu về gần 100 triệu đồng. Cũng như anh Tiến, sau một thời gian dài chăm sóc, hiện nay đã có rất nhiều  hộ dân đang tiến hành thu hoạch keo, tràm, có thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thực sự thoát nghèo từ trồng rừng.

Từ những kết quả trên cho thấy, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hóa Sơn đã thực sự đi đúng hướng khi chọn phát triển chăn nuôi và trồng rừng để xóa đói giảm nghèo, phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm còn 10%.

Lan Chi