.

"Tam nông" và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn - Bài 2: Vấn đề bất cập cần tháo gỡ

Thứ Tư, 22/10/2014, 13:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn lại sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (sau đây gọi tắt là NQ TW7), từ thực tiễn nhận thấy còn một số vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh, khắc phục. Nổi lên là, sự lãnh đạo chỉ đạo của một số cấp uỷ đảng chưa quyết liệt, thiếu sâu sát. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn mang nặng trong tiềm thức của một bộ phận nông dân. Sản xuất nông nghiệp nói chung chưa có lãi, việc chỉ đạo nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là đưa giống mới chất lượng cao và biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất còn chậm...

>> Bài 1: Nông thôn khởi sắc

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Mục tiêu của NQ TW7 đề ra rất rõ ràng, cụ thể cho từng giai đoạn. Tuy nhiên một số cấp uỷ, chính quyền chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ, chưa có giải pháp hữu hiệu và nhất là chưa cụ thể Nghị quyết bằng các chương trình hành động sát đúng với tình hình địa phương.

Có thể nói 5 năm qua, năm nào nông nghiệp của tỉnh cũng đều được mùa toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Tuy nhiên, điều trăn trở của người nông dân hiện nay là, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, điệp khúc  buồn "được mùa rớt giá" cứ đeo đẵng mãi với nông dân, chưa có cách gì rứt ra được. Mỗi lần ra chợ người nông dân có cảm nhận không vui vì hạt gạo trên đồng đất tỉnh ta có giá bán quá thấp so với các nơi khác. Gạo Thái Lan, gạo Lào giá từ 22.000-25.000 đồng/kg, gạo thơm Sài Gòn bán 17.000 đồng/kg, trong lúc đó gạo của ta chỉ có 12.000 đồng/kg.

Vấn đề đặt ra là, lâu nay các nhà quản lý, các chuyên gia trên lĩnh vực nông nghiệp của ta đang nặng về năng suất, mà chưa chú trọng nhiều đến chất lượng hạt gạo. Những giống lúa mà chúng ta đang sản xuất có năng suất khá cao (55-60 tạ/ha), thậm chí có nơi lên đến 70ta/ha không hề" thua em kém chị" gì với các vùng lúa nổi tiếng trong nước, nhưng giá trị hạt gạo chỉ bằng 60-70% so với họ.

Đất lâm nghiệp chưa được khai thác hiệu quả.
Đất lâm nghiệp chưa được khai thác hiệu quả.

Bởi vậy có thời điểm việc bỏ ruộng hoang xảy ra khá nhiều nơi trong tỉnh, thậm chí ngay tại vùng đất được mệnh danh "nhất Đồng Nai, nhì hai huyện" như HTX Thống Nhất, xã An Ninh, là ngọn cờ đầu trong nông nghiệp, là vựa lúa của huyện Quảng Ninh, xã Đại Trạch, một điển hình về sản xuất nông nghiệp của Bố Trạch có vụ ruộng bỏ hoang lên đến trăm ha.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2013, Chủ toạ kỳ họp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT có biện pháp tổ chức, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo hình thức "liên kết 4 nhà". Sở Nông nghiệp và PTNT trực tiếp làm việc với một số doanh nghiệp để thực hiện liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Kết quả, các doanh nghiệp đã cam kết tiêu thụ lúa đối với 930 ha.

Cụ thể: Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình liên kết sản xuất và tiêu thụ 180 ha lúa giống; Cục Dự trữ nhà nước khu vực Bình Trị Thiên (A39), Công ty CP Lương thực Bình Trị Thiên, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hoà (Nghệ An) liên kết sản xuất tiêu thụ 750 ha lúa thương phẩm cho nông dân hai huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo phản ánh của nông dân Lệ Thuỷ số lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp này chẳng thấm vào đâu, nông dân không có lợi lộc gì hơn so với bán chợ!. 

Từ thực tiễn cho thấy, NQ TW7 chưa làm chuyển biến căn bản tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước lâu nay vẫn mang nặng trong tiềm thức của một bộ phận nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ý thức vươn lên để thoát nghèo, làm giàu chính đáng chưa cao. Minh chứng cho vấn đề này, vừa qua chúng tôi có dịp về tìm hiểu tình hình tại huyện Minh Hoá, là  một trong 62 huyện được thụ hưởng Chương trình 30a.

Từ nguồn vốn của Chương trình 30a, mấy năm qua Nhà nước đã hỗ trợ 10,6 tỷ đồng cho người dân Minh Hoá chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Số tiền này đầu tư vào mua giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như giống cây cao su, hồ tiêu, bò lai sind, nhím, lợn rừng, ong lấy mật, giống lợn địa phương, gà, dê...Sau nhiều năm thực hiện mô hình, đến nay đa số các mô hình cũng chỉ là mô hình mà không thể nhân rộng ra được. Rất nhiều  mô hình sau khi nhận xong tiền hỗ trợ, đồng thời cũng dừng hẵn việc sản xuất.

Mục tiêu mà NQ TW7 đặt ra là, các hộ nông dân có đất sản xuất. Tuy nhiên việc giao đất kết hợp với giao rừng còn chậm, một số nơi còn tình trạng xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng rừng; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là các vùng xung yếu còn xảy ra.

Mới đây chúng tôi trở lại xã Trường Sơn, vừa đúng 2 năm kể từ khi UBND tỉnh có quyết định giao đất lâm nghiệp cho xã này sản xuất, nhận thấy nhiều bất cập xảy ra xung quanh việc giao đất, nhận đất và sử dụng đất. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, con số 2.153 ha mà tỉnh giao chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ, còn trên thực địa có thể nhận và sử dụng được 380ha, chiếm 18% tổng số đất được giao. Do còn nhiều vướng mắc nên số diện tích đất lâm nghiệp còn lại rất lớn chưa thể giao cho dân được, tiềm ẩn nguy cơ lấn chiếm đất của lâm trường mà người dân tự phát gây ra.

Lĩnh vực thuỷ sản nổi lên là, số lượng tàu cá dưới 30CV vẫn còn chiếm tỷ lệ cao (trên 50%); chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng bãi ngang, cồn bãi vẫn gặp nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng nuôi thủy sản mặn, lợ chưa đáp ứng yêu cầu thâm canh; sản lượng, giá trị thủy sản chế biến xuất khẩu đạt thấp. Sản lượng thuỷ sản mỗi năm trên 55.000 tấn chủ yếu bán thô, không có cơ sở nào chế biến xuất khẩu. Câu chuyện đầu tư nuôi tôm mặn, lợ thu lợi hàng tỷ đồng ở các tỉnh phía Nam đã cuốn hút biết bao nông dân tỉnh ta.

Tuy nhiên, sau nhiều năm nhìn lại, đa phần đều thất bại, dư nợ lớn nhất ở các ngân hàng rơi vào các hộ nuôi tôm, trong đó có nhiều hộ khánh kiệt vì năm nào tôm cũng chết. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình, vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà NQ TW7 đặt ra thực hiện vẫn chưa tốt, chưa thường xuyên.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng viên và người dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, còn tâm lý thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phán ánh những bất cập, tồn tại của việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở Tân Thuỷ, Lệ Thuỷ. Chúng tôi không nêu lại chuyện buồn đó, nhưng có thể rút ra bài học chung về sự thiếu sâu sát, linh hoạt của cấp uỷ, chính quyền ở các địa phương khi triển khai thực hiện chương trình.

Đời sống nhiều vùng nông thôn còn khó khăn.
Đời sống nhiều vùng nông thôn còn khó khăn.

Mục tiêu của NQ TW7 đề ra từng giai đoạn rất phù hợp, nhưng đến nay rất ít địa phương đạt được, vậy đâu là nguyên nhân? Qua tìm hiểu, khảo sát thực tế của chúng tôi, nhận thấy: ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa quyết liệt, thiếu các giải pháp, thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình, vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa mạnh, chưa thường xuyên.

Chương trình xây dựng nông thôn mới là một cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn dân, nhưng phương pháp vận động chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn còn thiếu, dàn trải, thiếu kịp thời; các chính sách hỗ trợ sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để NQ TW7 thực sự đi vào cuốc sống, qua thực tiễn chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề với các bộ, ngành Trung ương như sau: Trước hết, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình hành động thực hiện NQ TW7 một cách kịp thời, nội dung cụ thể. Trung ương cần nghiên cứu thay đổi cơ cấu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04-6-2010, của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương chủ động cân đối nguồn lực đưa ra được lộ trình thực hiện phù hợp.

Cần có nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010, sửa đổi Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực tế cho thấy, theo các quy định của ngân hàng thì người nông dân rất khó được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 755/QĐ- TTg, ngày 20-5-2013, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tăng mức hỗ trợ trên diện tích đồng lúa chuyên canh cho nông dân để động viên người dân gắn bó với đồng ruộng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia...

Trọng Thái