.

Hiệu quả từ việc giao đất, giao rừng ở xã Trọng Hóa

Thứ Tư, 15/10/2014, 07:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Được sự quan tâm, hỗ trợ từ các dự án và các cấp, ngành, những năm qua, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) đã có nhiều nỗ lực trong công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng và người dân. Việc giao đất giao rừng đang cho thấy hiệu quả rõ rệt khi người dân đã ý thức được việc trồng và chăm sóc rừng. Và rừng đã từng bước mang lại cuộc sống ổn định cho đồng bào; công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng thuận lợi hơn nhiều.

Xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa có trên 19.000 ha đất tự nhiên, trong đó có 18.000 ha đất lâm nghiệp. Trong quỹ đất lâm nghiệp có trên 7.000ha đất rừng sản xuất, gần 11.000ha đất rừng phòng hộ... Từ khi UBND tỉnh và huyện Minh Hóa có chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân, cộng đồng bảo vệ thì xã Trọng Hóa cũng đã bắt tay vào triển khai công việc để phát huy lợi thế của mình.

Trước hết, lãnh đạo xã đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc giao đất, giao rừng, nhất là những lợi ích sẽ mang lại cho họ trước mắt cũng như lâu dài. Với phương châm “cán bộ, đảng viên làm trước, làng nước theo sau”, xã Trọng Hóa đã giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt định cư trên địa bàn; khuyến khích họ phải đi đầu trong việc nhận đất để trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Ông Hồ Lin, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa kể lại: “Trước đây, nhiều hộ dân trong xã được cấp đất, cho giống cây để trồng rừng nhưng không ai chịu trồng cả, nhiều người còn lấy cây vứt đi. Bởi đồng bào cho rằng, mình sinh ra từ rừng, xung quanh đã có rừng thì cứ thế mà khai thác, trồng chi cho mệt.

Một khu rừng trồng ở xã Trọng Hóa đang phát triển tốt.
Một khu rừng trồng ở xã Trọng Hóa đang phát triển tốt.

Từ quan điểm đó, nhiều người dân đã ngang nhiên đốt rừng làm rẫy, khiến nhiều diện tích rừng bị phá. Để bà con nhận thức được việc trồng rừng, tôi đã mạnh dạn nhận giống cây về rồi vận động một số đảng viên cùng tham gia trồng rừng ở những nơi đất trống đồi trọc. Sau hơn 10 năm, rừng đã phát triển xanh tốt và cho thu nhập cao”.

Hiện Hồ Lin đã có 10ha rừng trồng keo, tràm. “Năm nhiều nhất miềng bán gỗ rừng trồng được trên 50 triệu đồng. Nhờ nó (rừng) mà miềng mua được xe máy, ti vi, làm nhà cửa khang trang và lo chuyện cưới vợ cho con” Hồ Lin phấn khởi.

Thấy Hồ Lin trồng rừng có hiệu quả, nhiều hộ dân trong xã cũng đến học tập làm theo. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, ông đã tận tình bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cho nhiều bà con cách trồng. Nhờ đó, nhiều người đã mạnh dạn nhận đất, nhận cây về trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Chị Hồ Thị Mười, ở bản La Trọng 2 cho biết: “Từ khi được giao gần chục héc ta đất trồng rừng, miềng đã bán bò để mua giống cây và đầu tư công sức để trồng.

Ngày đó, được cán bộ xã lên tận rừng bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cụ thể miềng mới biết cách trồng”. Gần 10 năm trôi qua, cánh rừng bạt ngàn của Hồ Thị Mười đã phát triển xanh tốt, lứa rừng trồng đầu tiên đã mang lại cho gia đình chị 20 triệu đồng, lứa thứ 2 cho thu gần 50 triệu đồng. Còn những lứa rừng trồng tiếp sau cũng đang trong thời kỳ thu hoạch.

Đến thời điểm này, xã Trọng Hóa đã có hàng trăm hộ dân trong xã nhận đất trồng rừng. Theo số liệu thống kê, xã Trọng Hóa hiện có gần 563 ha đất có rừng trồng, trong đó có 178 ha do Dự án  vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng hỗ trợ trồng những cây bản địa. Ngoài ra, toàn xã có 113 hộ được cấp đất lâm nghiệp với diện tích 558 ha; cấp cho cộng đồng 5.122 ha. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã đã khai thác được khoảng 500 ha rừng trồng, số tiền người dân thu được hàng tỷ đồng.   

Ông Đinh Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Việc giao đất giao rừng đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong xã. Mặt khác, tạo được thói quen định canh định cư, giảm được hiện tượng phá rừng làm rẫy, công tác bảo vệ rừng cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, việc giao đất giao rừng ở xã Trọng Hóa vẫn còn một số vấn đề cần phải xem xét. Hiện, những khu rừng cộng đồng được hỗ trợ kinh phí trồng và chăm sóc còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, nảy sinh những vấn đề liên quan đến tranh chấp, kiện cáo liên quan đến đất đai".

Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có biện pháp chuyển từ rừng cộng đồng sang giao cho các hộ gia đình. Nếu làm được điều này thì việc trồng và chăm sóc rừng ở Trọng Hóa sẽ mang tính bền vững hơn, hiệu quả hơn, nhất là sau khi các dự án kết thúc.

Xuân Vương