.

Hướng tới "nền kinh tế xanh" bền vững...

Thứ Bảy, 25/10/2014, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nông dân là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nước biển dâng, xâm nhập mặn, thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của họ. Hướng tới “nền kinh tế xanh” - đó là giải pháp bền vững giúp nhà nông ứng phó với BĐKH.

Biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng nặng nề

Theo Bộ Tài nguyên-Môi trường, BĐKH làm trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng gây ngập và nhiễm mặn những vùng ven biển; các vùng khác bị khô hạn, đồng thời lũ lụt và bão xảy ra nhiều hơn.

Chỉ cần nhiệt độ tăng từ 1-20C, năng suất lúa, bắp sẽ giảm 10-20%; tăng thêm 40C sẽ giảm 60%. Trong điều kiện nhiệt độ tăng thêm 10C thì nhu cầu nước tưới cho cây trồng cũng tăng 10%, năng lực tưới của các công trình thủy lợi do đó không đáp ứng nổi, thiếu nước và hạn hán sẽ xảy ra ở những vùng cao...

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tại tỉnh ta, ảnh hưởng của BĐKH hiện rõ khi những năm gần đây, khí hậu có nhiều diễn biến khác thường. Mùa nắng thường kéo dài với nhiệt độ cao. Mùa mưa thường ngắn hơn, nhưng diễn biến về lượng mưa khá phức tạp, gây lũ lụt thất thường. Trong vòng vài năm trở lại đây, tỉnh ta thường xuyên hứng chịu thiệt hại do bão, lũ gây ra. Cùng với nhiều lĩnh vực trong đời sống đang trực tiếp hoặc gián tiếp bị tác động, sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của BĐKH.

Còn nhớ, đầu tháng 10-2010, tỉnh ta có mưa rất to. Trong vòng chưa đến 5 ngày, tổng lượng mưa đo được ở các trạm đều ở mức kỷ lục. Mưa lớn trong thời gian ngắn đã gây lũ lụt lớn trên khắp toàn tỉnh và gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp với tổng giá trị thiệt hại khoảng 349.889 triệu đồng.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người nông dân.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người nông dân.

Tháng 10-2013, cơn bão số 10 với cường độ lớn lại tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, với tổng giá trị thiệt hại lên đến 4.182.239 triệu đồng. Hàng ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại và mất trắng; 13.797/18.220ha cao su bị gãy đổ; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi...

Cùng với bão, lũ lụt, BĐKH với sự biến động của thời tiết đang làm gia tăng sự phát triển của côn trùng, dịch bệnh... gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và sản lượng cây trồng, vật nuôi. Là địa phương có đường bờ biển dài, tỉnh ta cũng không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực do nước biển dâng như: hủy hoại đất đai, tài sản, làm mất khả năng sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, gia tăng các rủi ro bão lũ, hư hại cơ sở hạ tầng, mất các nguồn tài nguyên tái tạo và sinh kế, kéo theo một khoản kinh phí lớn để bảo vệ các tài sản dọc bờ biển...

Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, tỉnh ta "đón" từ 3 đến 4 đợt không khí lạnh tràn về gây rét đậm, rét hại kéo dài trên diện rộng. Riêng vụ đông-xuân 2010-2011, rét đậm rét hại đã làm 6.900/28.464 ha lúa bị chết phải gieo lại, trong đó có nhiều diện tích phải gieo đi gieo lại 2-3 lần; có 2.743 con trâu bò bị chết do rét và thiếu thức ăn... Điều này dự báo trong tương lai, việc phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vẫn là vấn đề lớn đối với sản xuất nông nghiệp tỉnh ta.

Hướng tới “nền kinh tế xanh” bền vững

BĐKH đã và đang ảnh hưởng rõ rệt đến sản xuất và đời sống. Để đồng hành cùng nhà nông trong ứng phó BĐKH, bảo đảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh ta cần chủ động phối hợp với cơ quan phân tích dự báo biến đổi của khí hậu, đồng thời có những thay đổi thích hợp theo phương châm “sống chung” với BĐKH.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: BĐKH ban đầu chỉ là hiện tượng thay đổi thời tiết do môi trường bị phá hoại, dẫn đến mất cân bằng, gây ra tác động xấu. Do đó, phải nắm bắt và có giải pháp để chuyển đổi sản xuất, cơ cấu mùa vụ nhằm thích ứng với BĐKH.

Trên quan điểm đó, ngành Nông nghiệp cũng đề xuất những phương án cụ thể. Theo đó, sẽ tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng cường các biện pháp canh tác, các phương thức sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải. Ngoài ra, ngành đặc biệt chú trọng đến đầu tư nghiên cứu chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới thích nghi với BĐKH, chống chịu được rét, nóng, hạn hán, ngập úng hay phèn mặn...

Vụ hè-thu năm nay, toàn tỉnh có 423,8 ha diện tích đất lúa thiếu nước đã được chuyển qua trồng các loại cây trồng cạn như: đậu xanh, ngô nếp HN88, dưa hấu, mướp đắng, khoai lang, mè... So sánh hiệu quả kinh tế với sản xuất lúa cho thấy các đối tượng chuyển đổi đều đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa từ 1,5 đến 3 lần.

Những năm gần đây, lịch nông vụ cũng được xây dựng tương đối chính xác, nhằm thích nghi với BĐKH, nhờ đó hiệu quả mùa vụ cơ bản được bảo đảm. Vụ hè-thu năm nay, tổng diện tích gieo trồng trên toàn tỉnh là 24.953,6ha, đạt 105,5% kế hoạch.

Đối với lĩnh vực thủy sản, ngành điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu hướng thay đổi ranh giới nước mặn, lợ và ngọt do ảnh hưởng của BĐKH. Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất và dịch vụ nghề cá trên biển nhằm khai thác, bảo vệ ngư trường và giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, tăng cường hệ thống cảnh báo gần bờ và xa bờ cho ngư dân. Phát triển đa dạng các giống thủy sản, có khả năng sống ở vùng nước mặn cao và kháng bệnh, áp dụng các công nghệ sử dụng nước hiệu quả để bảo đảm sản lượng.

Xây dựng “nền kinh tế xanh” bền vững với các chương trình, dự án hướng vào nông dân sẽ là giải pháp giúp nhà nông ứng phó với BĐKH.
Xây dựng “nền kinh tế xanh” bền vững với các chương trình, dự án hướng vào nông dân sẽ là giải pháp giúp nhà nông ứng phó với BĐKH.

Cùng với đó, một trong những giải pháp ứng phó với BĐKH được đánh giá là hiệu quả chính là việc bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn; nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió và cát ven biển.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Đình Hiệp thì việc thay đổi lịch thời vụ, diện tích canh tác hay trồng rừng phòng hộ... chỉ là những giải pháp mang tính chất tạm thời. Về lâu dài, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đang hướng tới một “nền kinh tế xanh” bền vững với các chương trình, dự án hướng vào nông dân như cánh đồng mẫu lớn, trồng trọt theo hướng VietGAP...

Theo bà con nông dân, cái lợi lớn của việc tham gia cánh đồng mẫu lớn là tiếp cận phương thức sản xuất tập trung, tiến bộ, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Cùng với đó, VietGAP trồng trọt là phương thức canh tác hiện đại, bảo đảm an toàn cho người trồng cũng như sản phẩm và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Mới đây, vụ hè-thu 2014, trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol trên cây lúa. Kết quả đánh giá bước đầu đối với diện tích lúa sử dụng loại phân bón này cho thấy: năng suất tăng lên 10% so với đại trà, chi phí sản xuất giảm 470.000 đồng/ha. Và hơn cả là việc sử dụng Lacfotol làm cho hạt lúa ít bị hiện tượng lép hạt, bộ lá xanh lâu, rút ngắn thời gian sinh trưởng, hạn chế sâu bệnh; đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không độc hại và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, việc cho ra đời và áp dụng một số giống cây trồng mới như: giống lạc SVL1 với khả năng chịu hạn tốt, tỷ lệ cây lạc chết yểu thấp, sức chống chịu bệnh cao hay giống lúa SV181 với quá trình canh tác khá thuận lợi, thời gian sinh trưởng ngắn, bông to, hạt dài bầu, tỷ lệ chắc cao và khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tổng hợp tốt... mà công ty CP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình chọn tạo và đang trồng khảo nghiệm tại một số địa phương sẽ là hướng đi giúp nhà nông ứng phó với BĐKH, góp phần xây dựng "nền kinh tế xanh" bền vững.

Thanh Hải