.

Thế tỉnh đang lên...

Thứ Bảy, 12/04/2014, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong một lần trò chuyện với các nhà báo những ngày đầu năm mới 2014, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ có nói, đại ý: Lúc này thế tỉnh đang lên, công tác tuyên truyền phải tập trung tạo sự đồng thuận để phát triển... Một buổi chiều gió biển mơn man, nắng xuân rót mật xuống Sun spa resort Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, khi mà các nhà đầu tư và lãnh đạo tỉnh có những cái bắt tay nồng nhiệt, tin cậy trước sự chứng kiến của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tôi chợt nghĩ: Đây có phải biểu hiện cụ thể về điều nhận định của người đứng đầu tỉnh... Vâng, khi có gần 20 nghìn tỷ đồng mà các nhà đầu tư rót vào Quảng Bình  trong ngày kết nối đầu tư với những dự án mang tính động lực, đang thực sự tạo đà, tạo thế cho tỉnh nhà đi lên...

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ký thoả thuận cam kết đầu tư với NĐT tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ký thoả thuận cam kết đầu tư với NĐT tại hội nghị.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình (QB) lần thứ nhất đã thành công mỹ mãn, quá sự mong đợi của tỉnh. Đó là đánh giá của nhiều người ngay sau hội nghị kết thúc. Nhưng để có được điều bất ngờ này, có được những số tiền đầu tư lớn, nhiều dự án mang tính động lực cho tỉnh, không thể không kể đến sự khởi đầu của một người, một doanh nghiệp, đó là ông Trần Bắc Hà, là BIDV.

Vâng, tỉnh ta luôn đau đáu với kêu gọi đầu tư, nhưng đó là chuyện không dễ. Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chuyến đi ra bắc vào nam, đã vận hết nội lực... nhưng rồi kết quả đầu tư vào QB vẫn là con số khiêm tốn, tiềm năng, thế mạnh của một vùng đất vẫn còn đó trong sự ngóng đợi nhà đầu tư (NĐT). Trong những ngày đầu năm 2014, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT đã khởi xướng việc tài trợ và đứng ra tổ chức kết nối các NĐT với tỉnh.

Có người nói, ông là người miền Trung nên dễ chia sẻ, cảm thông với dân nghèo khó miền Trung. Thôi thì cứ tạm nói vậy, có thể là chưa đầy đủ...Tôi gặp ông nhiều lần, chính xác là "thấy" trong những lần ông theo các đoàn công tác của trung ương vào QB. Còn lần gần đây là giữa tháng tháng 1-2014, khi BIDV có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Trong buổi làm việc này, ông đã nói những công việc cụ thể để kêu gọi đầu tư vào QB. Thế rồi nói là làm, sau buổi làm việc với tỉnh, BIDV chủ động cùng với tỉnh tiến hành những buổi làm việc tiếp theo, trong đó phải kể đến chuyến khảo sát đầu tư tại QB của các NĐT tên tuổi; tổ chức chuyến tham khảo kinh nghiệm kêu gọi đầu tư tại Đà Nẵng; hội thảo mi ni "Gặp gỡ UBND tỉnh với các NĐT tiềm năng" tại Hà Nội.

Lúc này, khi kết quả "cầu nối" của BIDV đã quá thành công, thành công ngoài mong đợi, tôi mới vỡ lẽ, BIDV đã có 10 năm kinh nghiệm trong việc khởi xướng, tham gia tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư. Nhưng lâu nay, BIDV chỉ tổ chức xúc tiến đầu tư cho một vùng, một khu vực gồm nhiều tỉnh, còn chỉ với một tỉnh như lần tổ chức ở QB thì chưa.

Hôm nay, tại diễn đàn này ông Hà cũng đã bộc bạch, cái công thức 3 nhà + 1 là sáng kiến của BIDV. Nói 3 nhà, có lẽ nhiều người hình dung đó là nhà nước, NĐT và nhà băng, còn nhà thứ tư, là khá bất ngờ, kể cả cánh nhà báo chúng tôi, khi ông cho biết đó là...nhà báo. Vâng, ông rất coi trọng nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp của mình, nhất là trong xúc tiến đầu tư. Cái điều quan trọng nữa là để tạo sự thành công trong cái công thức có vẻ khô cứng ấy là phải có phương thức tổ chức triển khai thiết thực, hiệu quả; phải  gắn kết nhu cầu của các NĐT với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nói đến QB, ông Hà vanh vách kể về những tiềm năng, thế mạnh, những mặt hạn chế và điều quan trọng nữa, ông chỉ rõ những cái cần đầu tư, cái nào đầu tư sẽ hiệu quả... như chính ông là NĐT vậy. Ông Hà nói, QB có thế mạnh về du lịch, nhưng du lịch QB đang làm theo lối mùa vụ. Để xoá được cái kiểu làm du lịch mùa vụ phải có một tập đoàn làm du lịch mạnh nhảy vào. Làm du lịch quanh năm mới níu kéo khách không chỉ châu Á mà cả Âu, Mỹ nữa...Không chỉ du lịch, QB còn nhiều tiềm năng khác như lĩnh vực sản xuất VLXD, rồi trồng cao su, dệt may...

Am hiểu về Quảng Bình nhưng không dừng lại ở "nói suông" với các NĐT, ông Hà đã níu kéo họ trực tiếp đến với QB. Ông nói với họ: Đến cho biết, đầu tư hay không là tuỳ các anh. Ông Hà đã tổ chức chuyến đi đến QB với 5 nhà đầu tư có tầm cỡ cuối tháng 2-2014 là cụ thể hoá ý tưởng này. Để rồi, cái tiềm năng, thế mạnh của QB đã thuyết phục các nhà đầu tư "tại trận". Nói, BIDV có phương thức làm phù hợp, hiệu quả là thế, phải "trực quan sinh động" tiềm năng thế mạnh của địa phương cần kết nối đầu tư với NĐT, để họ cảm nhận, để họ "say" với vùng đất này và cả con người nơi đây.

Nói "say" với con người nơi đây phải hiểu rằng, trong mắt các nhà đầu tư không chỉ là nguồn nhân lực dồi dào mà họ cần đến trong quá trình khai thác, đầu tư và cao hơn, quan trọng hơn là đội ngũ cán bộ lãnh đạo "chóp bu" biết ta, biết người, luôn khao khát đầu tư, trân trọng NĐT, nhiệt huyết với NĐT...Vâng, với chừng ấy "thủ pháp", trong mấy tháng đầu năm, tính chi li, khoảng 60 ngày, BIDV và tỉnh QB đã làm được điều mà mấy chục năm nay chưa làm được, chính xác hơn là làm chưa hoàn hảo, là "vời" được những NĐT có tầm chiến lược đến với vùng đất này và thuyết phục được họ "cắm sào" làm  ăn lâu dài...

Chúng ta thử điểm mặt" đại gia" trong giới đầu tư tại cuộc hội ngộ đầu tư lớn nhất từ trước tới nay đối với tỉnh ta.  Trong 13 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Tập đoàn Sun Group có đến 2 dự án với tổng mức đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng. Đó là Dự án Quần thể Khu du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng và Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bảo Ninh- Hải Ninh. Tập đoàn Saigon Co.op là Dự án Trung tâm Thương mại- Siêu thị Co.opmart Quảng Bình có mức đầu tư 100 tỷ đồng.

Với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sở hữu liền 3 dự án liên quan đến dệt may có mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, là Dự án Nhà máy may xuất khẩu tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn; 2 Dự án Nhà máy sợi và Nhà máy may tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh. Có một nhà đầu tư đến từ nước Úc, đó là Công ty TNHH LinFox Transport Quảng Bình đầu tư Dự án Phát triển hệ thống Logistics Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo có mức đầu tư 5 triệu USD. Tập đoàn FLC lại chọn Dự án xây dựng Khu công nghiệp Hòn La II với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong tỉnh như Tập đoàn Trường Thịnh, Tập đoàn Sơn Hải cũng có những dự án trong đợt này...

Khu vực cảng Hòn La, nơi Petro Lào sẽ đầu tư xây dựng kho ngoại quan  có tổng mức đầu tư 200 triệu USD.
Khu vực cảng Hòn La, nơi Petro Lào sẽ đầu tư xây dựng kho ngoại quan có tổng mức đầu tư 200 triệu USD.

Ngoài ra, các NĐT còn ký thoả thuận cam kết đầu tư 5 dự án khác trong đó có Dự án xây dựng kho ngoại quan tại Cảng Hòn La của Petro Lào với tổng mức đầu tư dự kiến là 200 triệu USD; dự án xây nhà máy chế biến gỗ MDF công suất 120.000 m3/năm của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng...

Dù thời gian của hội nghị xúc tiến đầu tư không dài nhưng các NĐT cũng đã có những chia sẻ thật chân thành. Ông Phạm Duy Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, thực hiện chiến lược nội địa hoá, Tập đoàn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu vào khu vực miền Trung trong đó QB là một điểm nhấn quan trọng.

Sở hữu những dự án hàng nghìn tỷ, ông Trần Minh Sơn, Phó CT HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho biết, đầu tư vào Phong Nha- Kẻ Bàng nhưng phải giữ được sự nguyên sơ của di sản và ông nhấn mạnh, đã đến lúc hành động để tạo ra những khác biệt và hấp dẫn ở QB... Vâng, là những NĐT năng động, không phải sở hữu Giấy chứng nhận đầu tư như một vật "trang sức" mà họ đang hoạch định những việc làm cụ thể để biến ý tưởng thành hiện thực.

Vì vậy, không chỉ chia sẻ cảm xúc, rất thực tế, họ đã kiến nghị với tỉnh những vấn đề "nóng" mà bất cứ NĐT nào cũng quan ngại là công tác giải phóng mặt bằng, là thực hiện các cơ chế, chính sách, là được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo của tỉnh trong quá trình thực thi dự án, nhất là lúc gặp trở ngại, vướng mắc... Và, trong các phát biểu, tôi còn nhìn thấy những NĐT hướng về phía đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ đang cùng chủ trì hội nghị, để đề cập đến những vấn đề mang tầm vĩ mô mà chỉ có cấp Chính phủ mới "quyết" được để tiếp tục tạo thuận lợi cho địa phương và cho NĐT...

Một NĐT rất quen thuộc- ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thịnh, phát biểu ngắn nhất và rất "mộc mạc, chân quê", nhưng tôi lại cảm nhận  rằng, ông nói rất "trúng" trong hội nghị này.

Ông nói: Tôi luôn chung thuỷ với mảnh đất này. Không ai phản bác điều ông Hoài nói, bởi từ dự án đầu tiên cho đến hôm nay, hai mươi năm trôi qua vẫn là những dự án trên đất QB và mảnh đất này đã làm nên tên tuổi Trường Thịnh- Võ Minh Hoài. Điều thứ hai ông nói là: Hôm nay tôi "ghen tỵ" với các nhà đầu tư mới đến QB. Quá đúng, bởi hai mươi năm về trước, ai chào đón NĐT nồng nhiệt như bây giờ, có đâu những ưu đãi và cả sự thông thoáng, minh bạch...

Thì ra, trong những "lời quê" ấy, ông Hoài lại gửi cái thông điệp thật chí lý đến các NĐT: Hãy chung thuỷ với mảnh đất này, rồi sẽ được đền đáp...

Và cuối cùng, tôi xin khép lại bài viết bằng cái điều ví von của ông Trần Bắc Hà: Các dự án ở QB như những cô gái đẹp, không dễ có phần cho những chàng trai đến muộn...

Văn Hoàng