.
Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Sáng kiến của Tuyên Hóa

Thứ Bảy, 12/04/2014, 10:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong khi nhiều địa phương khác trong tỉnh đang loay hoay với việc giải bài toán giao thông nông thôn để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) theo chủ trương chung thì huyện miền núi Tuyên Hóa đã có sáng kiến đáng khen ngợi: hỗ trợ 2.000 tấn xi măng cho các xã phục vụ cứng hóa giao thông nông thôn. Chủ trương này đã và đang được người dân hết sức đồng tình, ủng hộ.

 

Nhân dân thôn Kim Tiến, xã Kim Hóa hăng hái làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân thôn Kim Tiến, xã Kim Hóa hăng hái làm đường giao thông nông thôn.

Cái khó... ló cái khôn

Khách quan mà nói, Tuyên Hóa là một trong những địa phương đạt được những kết quả khả quan trong thực hiện các tiêu chí XDNTM của tỉnh. Đặc biệt, trên cơ sở hưởng ứng việc thực hiện chủ trương chung này, người dân các địa phương của huyện miền núi Tuyên Hóa đã chủ động hiến trên 520.000m2 đất, 366 cổng nhà xây, hơn 251.000m hàng rào, gần 200.000 cây trồng lâu năm với tổng kinh phí trên 51 tỷ đồng. Đây là con số phản ánh chân thực nhất về sự hòa quyện giữa ý Đảng-lòng dân nhằm xây dựng quê hương của người dân huyện miền núi còn khó khăn này.

Tuy nhiên, đặc thù của huyện Tuyên Hóa là địa hình nhiều đồi dốc, phân bố dân cư không đồng đều lại bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối dày đặc nên việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn một cách bài bản theo quy hoạch đã được phê duyệt gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do địa bàn trải rộng, mật độ dân cư của các xã vùng sâu, vùng xa thưa thớt nên khi đầu tư bê tông hóa một tuyến đường giao thông liên thôn cần phải có kinh phí lớn. Điều này đã gây khó khăn cho huyện miền núi vốn còn nhiều khó khăn như Tuyên Hóa.

Vì vậy, nhằm động viên nhân dân tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, trên cơ sở thống nhất nội dung cuộc họp ngày 18-2-2014 của lãnh đạo UBND huyện và Thường trực Huyện ủy, ngày 26-2-2014, UBND huyện Tuyên Hóa đã có Quyết định số 246/QĐ-UBND về việc cấp tạm ứng kinh phí cho UBND các xã mua xi măng phục vụ cứng hóa giao thông nông thôn năm 2014. Theo đó, huyện đồng ý trích ngân sách năm 2014 với số tiền 2.870 triệu đồng cấp tạm ứng cho UBND các xã mua xi măng (tương ứng 2.000 tấn) phục vụ cứng hóa giao thông nông thôn.

Ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành việc cấp kinh phí mua xi măng hỗ trợ cho các xã theo số lượng mà các địa phương đã đăng ký. Trong đó, một số xã có số lượng xi măng đã đăng ký khá lớn là Phong Hóa 292,34 tấn, Thanh Hóa 207,13 tấn, Tiến Hóa 731 tấn, Cao Quảng 300 tấn, Đức Hóa 346,2 tấn...

Tuy nhiên, có 2 xã không thực hiện việc đăng ký để huyện phân bổ xi măng phục vụ cứng hóa giao thông nông thôn như hầu hết các địa phương khác vẫn làm là Ngư Hóa và Văn Hóa. Để tiếp tục chỉ đạo các xã thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn, ngày 13-3-2014, UBND huyện tiếp tục có công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện theo phương thức: huyện chỉ hỗ trợ trực tiếp bằng xi măng, nhân dân đóng góp bằng ngày công hoặc kinh phí để khai thác hoặc mua vật liệu đá, cát sạn, đồng thời trực tiếp huy động ngày công để triển khai thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn. Cũng theo nội dung công văn hướng dẫn, công tác quản lý xây dựng và thanh quyết toán thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quản lý nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.

Đặc biệt, trong quá trình chọn tuyến để thi công, các địa phương cần ưu tiên cho những tuyến đường chính, đông dân cư và nền đường cơ bản đã ổn định về địa chất; đồng thời phải được sự thống nhất của cộng đồng dân cư trong thôn, bản; việc triển khai xây dựng phải thực hiện đúng định mức xi măng theo thiết kế mẫu về cứng hóa giao thông nông thôn đã được UBND huyện ban hành.

Khi lòng dân đã thuận

Kim Hóa là một trong những xã có số đông đồng bào theo đạo Thiên chúa của huyện Tuyên Hóa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bà con nhân dân nơi đây hết sức đồng tình, hưởng ứng và đang từng bước phát huy tốt nội lực để xây dựng đường giao thông nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến trình XDNTM tại địa phương.

Có mặt tại xã Kim Hóa những ngày này, chúng tôi nhận thấy không khí thi đua sôi nổi làm đường giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đang được dấy lên mạnh mẽ. Sau khi nắm bắt được chủ trương hỗ trợ xi măng của huyện, xã Kim Hóa đã mạnh dạn đăng ký 100 tấn xi măng, đồng thời triển khai kế hoạch phân bổ cho các thôn trong toàn xã. Ghi nhận của chúng tôi là mặc dù địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong quá trình triển khai thực hiện đã được hầu hết cán bộ và nhân dân trong toàn xã nhiệt tình ủng hộ.

Một tuyến đường giao thông của thôn Cao Trạch, xã Phong Hóa vừa được bê tông hóa nhờ chủ trương hỗ trợ xi măng của huyện.
Một tuyến đường giao thông của thôn Cao Trạch, xã Phong Hóa vừa được bê tông hóa nhờ chủ trương hỗ trợ xi măng của huyện.

Tại thôn Kim Tiến, ngay sau khi có chủ trương hỗ trợ xi măng của huyện, thôn đã tiến hành họp, triển khai kế hoạch và vận động nhân dân góp công, góp sức, hiến tài sản để thực hiện chủ trương chung. Ông Phan Dương, Trưởng thôn Kim Tiến cho biết: Sau khi UBND xã cung ứng đủ số xi măng đã đăng ký, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai làm đường trong không khí thi đua sôi nổi. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, bên cạnh việc hiến đất, hiến tài sản, người dân cũng đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công để làm đường giao thông nông thôn, bình quân mỗi nhân khẩu đóng góp 300 nghìn đồng. Đến nay thôn đã hoàn thành xong tuyến đường đăng ký với tổng chiều dài 160m.

Được biết, ngay sau khi huyện có chủ trương hỗ trợ xi măng cho các xã phục vụ cứng hóa giao thông nông thôn, chính quyền địa phương xã Kim Hóa đã tiến hành họp bàn một cách dân chủ, công khai và triển khai rộng rãi trong nhân dân. 8/8 thôn của xã đã hăng hái đăng ký tham gia với tổng chiều dài của đường giao thông nội thôn gần 2.000m. Mặc dù trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân trong xã đã nhiệt tình hưởng ứng với mức đóng góp bình quân từ 200 đến 300 nghìn đồng/người.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân, UBND xã cũng đã thành lập ban chỉ đạo và phân công cán bộ về phụ trách các thôn, hướng dẫn, chỉ đạo và giám sát việc thi công, đồng thời hỗ trợ thêm kinh phí cho các thôn có nhu cầu.

Ông Trần Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa tâm sự: Chủ trương hỗ trợ xi măng của huyện là đúng đắn, quan trọng với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Mặc dù với điều kiện đời sống, kinh tế, dân sinh còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi với quyết tâm cao đã vận động bà con phát huy nội lực để cùng nhau làm đường giao thông nông thôn nên được bà con nhân dân đồng tình nhất trí cao. Hiện tại đã hoàn thành xong đoạn đường thôn Kim Tiến với 160m; đoạn đường Kim Lũ I, Kim Lũ II hiện đã giải phóng xong mặt bằng và sẽ triển khai xây dựng trong những ngày tới. Chúng tôi cũng mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm hỗ trợ xi măng để xã Kim Hóa hoàn thành việc cứng hóa các đoạn đường nội thôn nhằm thúc đẩy tiến trình XDNTM trên địa bàn xã.

Không chỉ Kim Hóa, hầu hết các xã trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa đã và đang nỗ lực thực hiện chủ trương chung với tinh thần hết sức hăng hái. Như đã nói, huyện chỉ hỗ trợ một phần kinh phí bằng việc trực tiếp cấp xi măng theo số lượng đăng ký cho các địa phương nhưng chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Ví như xã Sơn Hóa với số lượng đăng ký và được cấp 100 tấn xi măng, tương đương 143,5 triệu đồng nhưng khi triển khai tại địa phương đã nhận được mức đóng góp của người dân lên đến 600 triệu đồng. Hay như xã Phong Hóa được cấp 160 tấn xi măng, tương đương 229,6 triệu đồng nhưng người dân đã chủ động đóng góp số tiền lên đến 500 triệu đồng. Đặc biệt, xã Đức Hóa với 180 tấn xi măng được hỗ trợ, tương đương 258,3 triệu đồng cũng đã nhận được số tiền đóng góp của người dân gần 600 triệu đồng và đã hoàn thành vượt kế hoạch bê tông hóa đường nội thôn với tổng chiều dài 1.656/1.480m.

Đánh giá về việc thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng cho các địa phương thực hiện cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Minh Đề cho biết: Việc làm này đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền với người dân địa phương, qua đó chủ động gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt. Mặt khác, thông qua việc thực hiện chủ trương này đã thể hiện ý chí, nội lực của huyện miền núi nghèo bằng việc huy động sức dân nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp theo tinh thần “Cả nước chung tay XDNTM”  của Chính phủ.

Nguyễn Hoàng