.

Để thương hiệu tỏi Quảng Minh vươn xa

Thứ Sáu, 03/02/2017, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn 50 năm trước, trên những thửa ruộng vốn quen với cây lúa, người dân xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) đã mạnh dạn cải tạo đất, trồng những cây tỏi đầu tiên để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trải qua hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng người dân địa phương, vượt qua biết bao thăng trầm, tỏi Quảng Minh đang ngày càng chiếm trọn tình cảm của người tiêu dùng, chứng minh được thương hiệu riêng của mình.

Theo người dân địa phương, cây tỏi tía được trồng trên đất Quảng Minh từ khoảng hơn 50 năm trước khi một vài hộ dân mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích trồng lúa truyền thống sang trồng tỏi vì nhận thấy trồng lúa không cho hiệu quả như mong muốn. Thấy được hiệu quả từ cây tỏi tía, bà con đầu tư mở rộng diện tích, biến cây tỏi tía trở thành loại cây phát triển kinh tế chủ lực của địa phương.

Cây tỏi tía là niềm tự hào của người dân Quảng Minh, góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Cây tỏi tía là niềm tự hào của người dân Quảng Minh, góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo thống kê, hiện tại, toàn xã Quảng Minh có khoảng hơn 20 ha trồng tỏi tập trung chủ yếu ở thôn Cồn Nâm, Minh Tiến và rải rác ở thôn Tân Định, Minh Hà. Không phải ngẫu nhiên mà tỏi Quảng Minh lại được ưa chuộng như hiện nay. Để xây dựng thành công thương hiệu cho cây tỏi tía, người trồng phải đầu tư không ít công sức, tâm lực. Mỗi gốc tỏi chứa đựng biết bao mồ hôi và tâm huyết của người trồng. Tỏi là loại cây ưa lạnh, ẩm nên thường được trồng vào khoảng từ tháng 11 đến tháng 4, khi tiết trời vào đông.

Để cây tỏi cho năng suất, chất lượng cao đòi hỏi phải đầu tư kỹ lưỡng từ khâu chọn giống, trồng và chăm bón. “Tỏi là cây lấy củ, rễ phát triển, nhưng ăn nông nên cần đất tơi xốp, độ pH từ 6-6,5 là thích hợp. Để tỏi phát triển tốt, cho năng suất cao quan trọng nhất là khâu làm đất. Trước khi lên luống, đất phải được cày ải 3-4 lần. Trộn phân chuồng hoai với phân lân hữu cơ, ủ khoảng 2-3 ngày sau đó rải lên các luống đất đã được làm sẵn, rồi dặm tỏi trực tiếp lên phân lân, lấy rơm hoặc lá khô ủ lên.

Sau khoảng 5-7 ngày, cây nảy mầm được khoảng 15 phân thì bắt đầu làm cỏ, bón đạm urê. Nếu thời tiết thuận lợi thì sau khoảng 5 tháng sẽ bắt đầu thu hoạch tỏi. Chính từ những tỉ mẫn, chăm chút trong các khâu như thế nên chất lượng tỏi Quảng Minh không chê vào đâu được”, ông  Hoàng Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết.

Có một thực tế không thể phủ nhận là từ nhiều năm nay, cây tỏi tía đã trở thành cây cứu đói, thoát nghèo cho không ít người dân Quảng Minh. Từ chỗ chỉ được trồng rải rác, hiện nay, tỏi tía được người dân địa phương trồng tập trung với diện tích trên 20 ha. Thôn Cồn Nâm là nơi trồng nhiều nhất trong xã với hơn 12 ha.

“Nhờ cây tỏi mà nhiều năm nay, đời sống các hộ dân ở đây được cải thiện rất đáng kể. Theo tính toán sơ bộ, 1 sào tỏi cho thu hoạch khoảng 5.000 củ. Với giá bán 150.000-170.000 đồng/100 củ với loại to, đẹp; 100.000-130.000 đồng/100 củ loại vừa và 40.000-50.000 đồng/100 củ loại nhỏ thì 1 sào cho thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng; 1ha khoảng 100 triệu đồng. Như vậy bình quân mỗi hộ thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/vụ tỏi, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Hơn nữa, trồng tỏi, bà con có thể trồng xen được nhiều loại cây khác, như lạc, ớt, cà... để tạo thêm thu nhập”, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng thôn Cồn Nâm cho biết.

Hiện tại, toàn thôn có khoảng 84 hộ dân trồng tỏi. Có nhiều hộ nhờ cây tỏi mà thoát được đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Hữu Tịnh. Trước đây, gia đình anh thuộc diện khó khăn của thôn, quanh năm vất vả với mấy sào lúa, không thể trang trải cho cuộc sống với nhiều mức chi tiêu. Từ lúc mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng tỏi, cuộc sống gia đình anh mới dần đỡ hơn. Không chỉ thoát khỏi cảnh khó khăn, vợ chồng anh còn có điều kiện nuôi các con ăn học nên người.

Đối với người dân Cồn Nâm nói riêng, Quảng Minh nói chung, từ lâu cây tỏi không chỉ là “cơm áo” mà còn là niềm tự hào của họ. Hương vị cay nồng, giòn giòn, đậm hương thơm của những tép tỏi đã trở thành thứ gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình. “Tỏi Quảng Minh đang ngày càng được ưa chuộng nhiều nơi, trở nên nổi tiếng trong cả tỉnh. Không chỉ được bày bán ở chợ địa phương và các vùng lân cận, tỏi của chúng tôi còn có mặt tại hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh. Cứ đi đâu thấy những củ tỏi Quảng Minh được bày bán thu hút người mua là niềm tự hào của chúng tôi lại càng nhân lên. Có thể khẳng định chất lượng của tỏi Quảng Minh không hề thua kém với tỏi ở bất cứ vùng miền nào trong cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân, chúng tôi vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho cây tỏi, nên thị trường tiêu thụ chỉ gói gọn trong tỉnh mà chưa thể vươn ra các tỉnh bạn. Đó là một thiệt thòi rất lớn đối với tỏi Quảng Minh. Hi vọng trong một ngày gần nhất, tỏi của làng sẽ có được vị thế xứng đáng như kỳ vọng từ bao đời nay của người dân địa phương”, ông Hoàng Ngọc Lý chia sẻ.

Đào Vân