.

Mái đình làng biển ngày xuân

Thứ Hai, 30/01/2017, 20:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi làng quê Việt Nam đều có những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó đình làng là một nét văn hóa tiêu biểu. Với các làng chài ven biển Quảng Bình, đình làng là nơi thờ các vị tiền hiền mở cõi, các vị thần linh gắn với đặc thù nghề biển của mỗi vùng miền… Mỗi dịp Tết đến, xuân về, mái đình làng biển lại nhộn nhịp với bao lễ hội truyền thống đặc sắc để cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, thuyền về tôm cá đầy khoang.

Cõi thiêng nơi cửa biển

Đối với ngư dân các làng biển Quảng Bình, cá Ông (tức cá voi) là vị “thần hộ mệnh” luôn sát cánh bên mình mỗi khi ra khơi, bám biển. Do đó miếu thờ vị thần này được bà con ngư dân xem là “cõi thiêng” và rất trân trọng, giữ gìn.

Các lễ hội, cúng tế đầu xuân được tổ chức tại đình làng.
Các lễ hội, cúng tế đầu xuân được tổ chức tại đình làng.

Cho đến nay chưa ai biết rõ tín ngưỡng thờ cá voi ở các làng chài ven biển Quảng Bình xuất hiện từ bao giờ, song việc cá voi dạt vào bờ thì đã được sử sách ghi lại cách đây hơn 450 năm. Thông thường khi cá voi theo sóng dạt vào bờ, ngư dân đưa cá lên bờ và chôn cất tử tế. Ở làng Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) hiện nay vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn hai bộ xương cá voi từ hơn 200 năm trước. Cùng với việc chôn cất, cúng tế, ngư dân còn lập đền thờ có tên gọi Hiển Linh Ngư, nhang khói quanh năm.

Cũng xuất phát từ tục thờ cá voi mà hình thành nên lễ hội cầu ngư. Đây là lễ hội dân gian lớn nhất của cư dân ven biển Quảng Bình, có ở nhiều nơi trong tỉnh với quy mô và thời gian trong năm khác nhau như: ngư dân Lý Hòa (xã Hải Trạch, Bố Trạch) thường tổ chức vào ngày 15-6 âm lịch; ngư dân Hải Ninh (Quảng Ninh) dịp 2-9 mừng Tết Độc lập; ngư dân  Ngư Thủy (Lệ Thủy) rằm tháng 4 âm lịch; ngư dân Bảo Ninh (Đồng Hới) từ 14 đến 16-4 âm lịch... 

Với người dân Cảnh Dương, sau những ngày đón Tết, vui xuân, ngư dân lại nhộn nhịp sửa soạn cho một vụ cá mới. Bên chân sóng biển Đông rì rào, các ngư dân hướng về đền thờ Hiển Linh Ngư khói hương cầu khấn thần biển, mong một mùa đánh bắt bội thu. Với biển, người Cảnh Dương vô cùng biết ơn bởi biển cho họ cuộc trường tồn phát triển mấy trăm năm mở đất lập nghiệp. Chính vì thế, cách thờ tôn cá thành thần càng cho họ tự tin vươn khơi, bám biển.

Mỗi mùa cầu ngư đầu xuân, ngư phủ nơi đây vẫn hát: “Nay mừng mở hội cầu xuân/ Trời sinh Thánh thượng duy tân trị vì/ Trời yên, biển lặng bốn bề/ Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên/ Lênh đênh mặt nước bao miền/ Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô/ Xuân sang lai láng biển hồ/ Ngư dân trông thấy nước vô lạch nhà/ Tưng bừng nổi trống, kết hoa/ Nghe tin làng nước gần xa đón mừng”.

Miếu thờ Hiển Linh Ngư được người dân Cảnh Dương (Quảng Trạch) chăm nom chu đáo.
Miếu thờ Hiển Linh Ngư được người dân Cảnh Dương (Quảng Trạch) chăm nom chu đáo.

Nét văn hóa đặc trưng làng biển

Mỗi làng quê, mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng và người dân miền biển cũng vậy, họ có những lễ hội, phong tục độc đáo, đặc trưng riêng của quê hương. Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) là một làng biển được khai khẩn cách đây hơn 600 năm, mảnh đất này hội tụ nhiều di tích văn hóa như: chùa Phật, đình làng, miếu thờ các vị thần linh.

Song do đổi thay của lịch sử, sự tàn phá của thời gian và đặc biệt là sự khốc liệt của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và đế quốc Mỹ, các di tích văn hóa đó đã không còn nữa. Hiện nay một số công trình đã được phục dựng để phục vụ cho các ngày lễ lớn của làng, trong đó có đình làng Nhân Trạch (được khởi công xây dựng năm 2009 và hoàn thành năm 2011). Đình làng được xây dựng trên khuôn viên của đình làng cũ với diện tích 2.000m2; thiết kế gồm đình hậu và đình tiền với diện tích 415m2 bằng nguồn tài trợ chính của anh Nguyễn Hải Lý (ở Hà Nội), một người con quê hương Nhân Trạch.

Vào các ngày lễ tết, dân làng đều đến đình làng tổ chức các nghi lễ cúng tế cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, đươc mùa cá tôm. Ông Nguyễn Bá Mạng, nguyên cán bộ xã Nhân Trạch, cho biết, mỗi năm Nhân Trạch có 5 lễ hội lớn gồm: kỵ yên làng vào rằm tháng giêng, cầu ngư vào trung tuần tháng 3 âm lịch, kỵ cậu (thần ngư) vào ngày 15-5 âm lịch, rước sắc làng vào  ngày 15-6 âm lịch và trả lễ thần ngư vào rằm tháng 8 âm lịch.

Những ngày đầu xuân năm mới, đình làng luôn mở cửa để cho tất cả người dân trong làng và những người con xa quê về đây dâng hương; tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn hóa- văn nghệ như: múa hoa đăng, chèo cạn, múa quạt; làm bánh; trao học bổng của Hội Khuyến học cho các học sinh giỏi của làng...

Đối với người dân Nhân Trạch, đình làng không chỉ là chốn tâm linh thờ cúng Thành hoàng làng, các dòng họ, các anh hùng liệt sỹ, người có công mà đây còn là mái nhà chung thể hiện tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, đoàn kết. Mọi người chung tay thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương Nhân Trạch giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị quốc phòng-an ninh, xứng đáng với đơn vị anh hùng mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.

Múa chèo cạn ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch).
Múa chèo cạn ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch).

Cũng lưu giữ riêng cho mình nét văn hóa truyền thống đặc sắc, ở vùng biển Lý Hòa, từ bao đời nay vẫn tổ chức lễ hội Xuân Thủ đầu năm. Thông lệ, cứ vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, tất cả già trẻ, gái trai trong làng đều tụ họp đông đủ tại đình làng để làm lễ cúng tế. Cụ Nguyễn Duy Ánh (82 tuổi), người phụ trách văn hóa dân gian của làng cho biết: Đây là đại lễ lớn đầu năm của người dân Lý Hòa. Từ sáng sớm, các bô lão của làng với áo dài, khăn đóng đã đến cúng viếng ở đình làng cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài cho dân làng.

Trước đó, vào ngày mồng 3 Tết, các hoạt động văn hóa-thể thao cũng được tổ chức hết sức sôi động như: đua thuyền truyền thống, múa bông, múa dâng rượu, múa chèo cạn, khai hội bài chòi... Trong lễ hội Xuân thủ còn có phần lễ rước thần, phần lễ này thực hiện 3 năm một lần, được người dân nơi đây vô cùng coi trọng, do đó tất cả con cháu trong làng đều nhớ “3 năm một lễ Thành hoàng, đi mô thì phải về làng mà ăn” để nhắc nhở nhau dù đi xa, bận trăm công ngàn việc thì đến ngày lễ rước thần mồng 4 Tết cũng hãy cùng nhau trở về quê hương để thắp nén tâm nhang lên bàn thờ tổ...

Có thể nói mái đình làng biển nói riêng và văn hóa làng biển nói chung là một đề tài vô cùng phong phú, đa màu sắc với nhiều phong tục tập quán đặc sắc, lễ hội truyền thống ý nghĩa nhưng gói gọn trong tất cả những điều đó là tâm hồn, ý nguyện của người dân làng biển. Đúng như những gì nhạc sĩ Nguyễn Cường đã từng viết trong bài hát “Mái đình làng biển”: “...Gửi vào đây vui buồn người Việt/ Gửi vào đây vào đây tâm hồn người Việt/ Đâu trúc mai sân đình, đâu dáng ai ưa nhìn/ Động lòng tôi câu hát người xinh/ Ơi vút cong mái đình/ Ơi nước non ân tình/ Hồn Việt Nam như thế/ Thuở bình minh”.

Lê Mai