.

Vực Quành... từ hoài cổ đến hồi sinh

Thứ Bảy, 19/12/2015, 14:57 [GMT+7]
(QBĐT) - Năm 2004, một người lính gốc Hà Nội từng gắn bó với đất lửa Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh quyết định bán hết gia sản của mình trở lại chiến trường xưa, xin đất dựng nên ngôi làng chiến tranh “độc nhất vô nhị” tại Vực Quành, xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới. Làng chiến tranh Vực Quành trở thành một địa chỉ đỏ cho hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan với thông điệp: “Những người trẻ tuổi có thể đến nơi đây, chạm tay vào lịch sử để có cảm giác kết nối với lịch sử, để biết rằng có những người hy sinh vì lý tưởng và họ không thể bị lãng quên”. Nhưng hơn 10 năm sau, Làng chiến tranh Vực Quành có nguy cơ bị lãng quên!
 
Gạch nối nhân sinh
 
Tôi quen rồi thân ông Nguyễn Xuân Liên, chủ nhân Làng chiến tranh Vực Quành thời gian 10 năm có lẻ, nghĩa là bắt đầu từ ngày ông chân ướt chân ráo vào Quảng Bình xin đất, lập làng. Hạnh phúc nhất trong những ngày tháng đó được cùng ông rong ruổi khắp mọi ngã đường “tìm lại ký ức” như lời ông tâm niệm về chiến trường xưa- mảnh đất Quảng Bình nuôi nấng, chở che, đùm bọc ông cùng đồng đội trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Nơi đất lửa Quảng Bình, nhiều, nhiều lắm đồng đội ông nằm lại.
Làng chiến tranh Vực Quành lúc mới “khai sinh”.
Làng chiến tranh Vực Quành lúc mới “khai sinh”.
Làng chiến tranh Vực Quành hình thành nên - ông Nguyễn Xuân Liên tâm niệm - như gạch nối nhân sinh nối liền giữa quá khứ và hiện tại, hướng đến tương lai. Ông bảo: “Những người trẻ tuổi có thể đến nơi đây, chạm tay vào lịch sử để có cảm giác kết nối với lịch sử, để biết rằng có những người hy sinh vì lý tưởng và họ không thể bị lãng quên”.
 
Trên diện tích 10 ha, một ngôi làng miền Bắc ở những thập niên 1960-1970 của thế kỷ trước được phục dựng lại. Làng gồm những ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trong lòng đất nối với nhau bằng mạng giao thông hào chằng chịt cùng hệ thống hầm chữ A, hầm trú ẩn, đường giao liên, đường hành quân, cầu phao bắc qua suối... Làng phân thành nhiều khu riêng biệt: lớp học, nhà trẻ, bệnh viện; nơi cất giấu lương thực; nơi để dụng cụ sản xuất; nơi làm hội trường họp hành... Hàng nghìn hiện vật chiến tranh: vỏ bom, hòm đạn, xác xe cháy, xác máy bay, xe đạp thồ, phuy xăng, cây nhiệt đới... trưng bày tại làng giúp cho Làng chiến tranh Vực Quành nhanh chóng nổi tiếng khắp cả nước và nước ngoài.
 
Làng chiến tranh Vực Quành- Gạch nối nhân sinh như ông Liên tâm niệm những tưởng sẽ trường tồn mãi mãi, nhưng thời “hoàng kim” của làng chỉ kéo dài khoảng 5 năm, từ 2005 đến 2010. Trong 5 năm này, Làng chiến tranh là bối cảnh cho nhiều đoàn làm phim.Tháng 6-2010, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thực hiện bộ phim tài liệu ngắn hơn 10 phút giới thiệu Vực Quành phát trên chương trình thời sự của đài ra khắp châu Á. Làng chiến tranh Vực Quành kể từ đó vượt qua khỏi tầm không gian, thời gian của một địa phương và một quốc gia.
 
Những cựu chiến binh tìm đến làng để nhớ lại những năm tháng hào hùng của tuổi thanh xuân một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Các bạn trẻ tham quan và tận mắt thấy, hình dung ra phần nào sự khốc liệt, mất mát do chiến tranh. Nhiều trường học tổ chức các buổi dã ngoại đưa học sinh đến làng cho các em học lịch sử bằng trực quan, bằng chuyện kể từ ông Nguyễn Xuân Liên. 
Các TNV trong CLB Thanh niên vận động Hiến máu tình nguyện Quảng Bình tiến hành phong quang Vực Quành, chuẩn bị bước đầu cho Làng hồi sinh.
Các TNV trong CLB Thanh niên vận động Hiến máu tình nguyện Quảng Bình tiến hành phong quang Vực Quành, chuẩn bị bước đầu cho Làng hồi sinh.
Trong những đoàn khách đến làng có cả các cựu binh phía bên kia chiến tuyến, họ đến để hiểu vì sao một dân tộc Việt Nam nhỏ bé mà chiến thắng hai đế quốc thực dân sừng sỏ Pháp, Mỹ; họ thăm Vực Quành rồi “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”.
 
Đi vào hoài cổ
 
Năm 2011, ông Nguyễn Xuân Liên trở về Hà Nội, gần 5 tỷ đồng ông đầu tư cho Làng chiến tranh Vực Quành nguy cơ trắng tay. Gặp tôi, cái bắt tay nghe chừng run run... “Mình ra Hà Nội, chẳng biết có cơ hội trở vào Quảng Bình nữa hay không. Thời gian làm Vực Quành hoang hoải... mà mình thì đã hết tiền”.
 
Sự tàn phá của thời gian và cả con người vô tình nhanh chóng đưa Vực Quành vào hoài cổ. Làng chiến tranh thành làng cỏ dại, thành phế tích. Xót! Những ngôi nhà cổ kiến tạo từ tranh, tre, nứa, lá mối mọt ăn xuyên thủng, cái xiêu, cái vẹo. Rất nhiều hiện vật quý trong làng bị kẻ xấu lấy mất; hệ thống cầu phao, giao thông hào, hầm trú ẩn... sụt lún đầy đất đá.
 
Cơn bão số 10 năm 2013 tràn qua làng như là một “cú đánh” quyết định cuối cùng, từ đó Làng chiến tranh Vực Quành bị quên lãng nhanh chóng. Không còn một bóng du khách nào vãng lai, để ngày ngày vợ chồng anh Đào Văn Toàn, người được ông Nguyễn Xuân Liên nhờ trông coi làng vào ngẩn ra ngơ, ao ước  bao giờ Vực Quành trở lại như xưa.
 
Tôi lên Làng chiến tranh Vực Quành, lội bàn chân trong mơn man cỏ dại, chợt nhớ đến lời Tiến sỹ sử học Nguyễn Khắc Thái, một nhà khoa học Quảng Bình tâm huyết với Vực Quành, đánh giá về Làng chiến tranh Vực Quành: “Chiến tranh vây bọc Quảng Bình, nhưng chính trong cái tổ kén bỏng lửa ấy, người Quảng Bình đã sống, chiến đấu, sản xuất, chữa bệnh, cấp cứu, chuyển thương, sinh đẻ giống nòi... không chỉ để tồn tại mà còn để chi viện. Nếu mọi sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đến Quảng Bình bị tắc thì tất cả sẽ lùi về số không.
 
Quảng Bình phải kháng cự kiên cường và phải thông đường cho cả nước vào trận. Từ sinh sống, học tập, sinh đẻ, chữa bệnh... đến chiến đấu bảo vệ mình, bảo vệ Tổ quốc, tất tần tật những cái vừa giản dị vừa vĩ đại ấy được nhân dân Quảng Bình thực hiện trong một tổ hợp - hầm: làng hầm, đường hầm, trường hầm, bệnh viện hầm, công sự hầm... Điều đó kể lại trong Bảo tàng hầm Vực Quành.
 
Quá khứ hào hùng thật khó quên nhưng rồi nhiều người cũng sẽ quên vì đó là quy luật nghiệt ngã của thời gian. Chỉ còn một nơi duy nhất để những ai từng đi qua chiến tranh sống lại với nó và lấy làm bài học lịch sử cho các thế hệ sau, đó chính là Vực Quành!
 
Quảng Bình là nơi hội tụ sức mạnh của hậu phương miền Bắc, cũng là tọa độ lửa, là mục tiêu của sự hủy diệt của đế quốc Mỹ, làm sao Quảng Bình trụ vững để chuyển được sức mạnh của cả miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam? Điều đó chỉ có một nơi nói được, nói một cách đầy đủ, nói một cách sinh động, nói một cách tâm huyết, cũng chính là Vực Quành!”.  Nhưng hiện tại Vực Quành dần bị lãng quên.
Các em học sinh Trường THCS Alpha, Hà Nội trong Hành trình “Đi để lớn” lần thứ nhất say mê nghe chủ nhân Làng chiến tranh Vực Quành Nguyễn Xuân Liên kể chuyện về Làng, về chiến tranh, về đất và người Quảng Bình.
Các em học sinh Trường THCS Alpha, Hà Nội trong Hành trình “Đi để lớn” lần thứ nhất say mê nghe chủ nhân Làng chiến tranh Vực Quành Nguyễn Xuân Liên kể chuyện về Làng, về chiến tranh, về đất và người Quảng Bình.
Đến hồi sinh
 
Những ngày cuối năm, tôi tái ngộ ông Nguyễn Xuân Liên cùng hai bạn trẻ Ngô Thúy Hằng, Chế Phong Lan từ Hà Nội vào trong một dự án giúp Vực Quành dần hồi sinh sau gần 5 năm xa cách. Ngô Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ (gọi tắt Marin). Chế Phong Lan, giám đốc doanh nghiệp xã hội có cái tên khá lạ: “Khác” mà sản phẩm chính là Hành trình “Đi để lớn”- một tour trải nghiệm hướng đến các em học sinh THCS nhằm bổ sung kiến thức và kỹ năng sống, trang bị cho thế hệ trẻ măng non ở Thủ đô Hà Nội những bài học về giá trị cuộc sống, giá trị lịch sử cách mạng thông qua các chuyến về nguồn xuyên suốt từ Bắc vào Nam trong đó có Quảng Bình, Quảng Trị.
 
Dự án hồi sinh Vực Quành chính thức khởi động vào trung tuần tháng 11-2015, khi các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Thanh niên vận động Hiến máu tình nguyện Quảng Bình bằng lòng nhiệt huyết của mình tiến hành phong quang Vực Quành. Trong hoang tàn, trong cỏ dại... lần đầu tiên sau 5 năm lãng quên, Làng chiến tranh Vực Quành lộ dần hình hài, dù cơ thể mang đầy thương tích.
 
Hành trình “Đi để lớn” do Ngô Thúy Hằng, Chế Phong Lan phối hợp với ông Nguyễn Xuân Liên chọn Làng chiến tranh Vực Quành làm điểm tập kết cho các em học sinh THCS từ Hà Nội vào, như ngày xưa Quảng Bình là hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Từ Vực Quành, các em học sinh Thủ đô sẽ được nghe chính chủ nhân Làng chiến tranh kể chuyện về Vực Quành, về đất lửa Quảng Bình, về những mất mát, đau thương quân dân Quảng Bình gánh chịu suốt năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Kinh phí của mỗi chuyến Hành trình “Đi để lớn” sẽ trích lại một phần giúp hồi sinh Làng chiến tranh Vực Quành.
 
Vực Quành sẽ  dần phục hồi và có thể  lớn hơn thế nữa đó là câu chuyện tương lai. Chúng tôi đi giữa Làng chiến tranh đã có hơi ấm tình người, Ngô Thúy Hằng chân tình: “Việc hồi sinh Vực Quành là trách nhiệm của người trẻ, thế hệ sinh ra trong hòa bình biết trân trọng lịch sử, những hy sinh mất mát của cha anh để đất nước hòa bình, phồn vinh như ngày hôm  nay”.
 
Ngô Thanh Long