.

Công tác lập hồ sơ di tích những bất cập

Thứ Tư, 09/12/2015, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình là vùng đất trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Nằm ở vị trí xung yếu nên ở vào thời nào Quảng Bình cũng là mảnh đất chứng kiến và chịu đựng nhiều nỗi đau chia cắt trong các cuộc chiến tranh Đại Việt-Chiêm Thành, Trịnh-Nguyễn phân tranh...

Chính vì vậy, vùng đất này cũng là nơi lưu giữ nhiều dấu tích và di sản văn hóa có giá trị như hệ thống các thành lũy, làng mạc, hang động, cảng, cửa biển, cầu, phà, đình chùa, miếu mạo...

Đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hầu như không nơi nào trên vùng đất Quảng Bình là không mang dấu ấn của hai cuộc chiến. Thật đáng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, về những trang sử hào hùng của dân tộc.

Theo tinh thần nội dung của Luật Di sản văn hoá sửa đổi, việc nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, xếp hạng di tích cũng như bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là việc làm thiết thực nhằm gìn giữ vốn di sản văn hóa vô giá mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng, đồng thời để các thế hệ mai sau luôn tự hào và không quên về quá khứ hào hùng của các thế hệ đi trước. Công tác phát hiện, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích là việc làm thường xuyên của Ban Quản lí Di tích, cơ quan chuyên môn của Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi,vẫn không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc cần được sự đồng thuận, ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ tạọ điều kiện phối hợp từ phía chính quyền địa phương để những việc làm trên được tiến hành nhanh chóng và thuận lợi.

Điểm di tích lịch sử Khe Thui (xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa)
Điểm di tích lịch sử Khe Thui (xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa)

Quảng Bình là vùng đất từ xưa đến nay chiến tranh, thiên tai liên tiếp xảy ra, từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc lưu giữ các tài liệu, hiện vật quý như gia phả, sắc phong, văn bia... cũng như các hiện vật khác. Điều này đã gây khó khăn cho những người làm công tác di tích trong việc sưu tầm, nghiên cứu tư liệu hiện vật, là một trong những yếu tố quan trọng của một hồ sơ di tích.

Trong các năm từ 2012-2014, nhận được tờ trình của địa phương đề nghị xếp hạng các di tích Phong trào Cần Vương ở Quảng Bình và di tích lịch sử Khe Thui (Minh Hóa), di tích lịch sử Trận địa pháo Phân đội nữ dân quân Tiến Hóa (Tuyên Hóa), Ban Quản lý Di tích Quảng Bình sau khi thẩm định đã triển khai các bước sưu tầm tư liệu, khảo sát, đo vẽ, chụp ảnh... tại di tích.

Các đợt khảo sát đều có các cơ quan liên quan tham gia và cũng đã chọn được các địa điểm thích hợp để khoanh vùng bảo vệ di tích. Tuy nhiên, sau đó thì phía địa phương lại có sự thay đổi về vị trí đã chọn của di tích. Vì vậy cho đến nay, khi chỉ còn việc tổ chức hội nghị bảo vệ di tích (bước cuối cùng) để trình tỉnh ký quyết định xếp hạng di tích thì mọi việc lại phải dừng bước.

Mặc dù tháng 7-2015, huyện Minh Hóa đã phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ tổ chức hội thảo “Minh Hóa với phong trào Cần Vương”. Những tưởng sau hội thảo, việc chọn địa điểm cho di tích đã quá rõ ràng, thế nhưng đến nay, mọi việc vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”. Địa bàn Minh Hóa là nơi được vua Hàm Nghi chọn làm “kinh đô kháng chiến”, trở thành trung tâm đầu não của Phong trào Cần Vương và cũng chính là ngọn lửa yêu nước để phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp lan tỏa đi khắp nơi. Với những sự kiện lịch sử có ý nghĩa trên nên việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích là việc làm cần thiết.

Được biết, hiện nay hồ sơ Vua Hàm Nghi và Phong trào Cần Vương ở hai tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia, đã phát huy hiệu quả giá trị di tích cũng như phục vụ công tác tham quan du lịch.

Đối với di tích lịch sử Khe Thui cũng tương tự như vậy. Sau khi đã tiến hành các bước và đã có đến 2 lần khảo sát chọn địa điểm nhưng đến nay, hồ sơ di tích vẫn đang phải chờ đợi từ phía huyện Minh Hóa, bởi thửa đất mà các ngành liên quan của huyện Minh Hóa quyết định chọn làm di tích đang là thửa đất của hộ gia đình quản lý, vì vậy việc cấp đất cho di tích chắc chắn là việc làm không hề đơn giản.

Trong lúc đó, nguyện vọng từ phía huyện cũng như thân nhân, đồng đội của 7 chiến sĩ TNXP hy sinh tại Khe Thui mong chọn được địa điểm để xây dựng tượng đài hoặc chí ít là dựng bia di tích làm nơi tưởng niệm đồng đội, người thân đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, để hương hồn các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Khe Thui cũng như giữa núi rừng Trường Sơn được ấm hơn.

Ở huyện Tuyên Hóa cũng tương tự. Nhận được tờ trình về việc đề nghị xếp hạng di tích trận địa pháo phân đội nữ dân quân xã Tiến Hóa (còn gọi Trận địa Cồn Phủ) của xã Tiến Hóa, Ban Quản lý Di tích cũng đã tiến hành thẩm định và lập hồ sơ di tích.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành các bước theo trình tự thì mọi việc cũng phải dừng giữa chừng bởi thửa đất nơi ngày xưa là trận địa pháo của phân đội nữ dân quân Tiến Hóa, nay là đất của các hộ gia đình. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị địa phương từ xã đến huyện giải quyết việc thu hồi đất đai để cấp cho di tích, để nguyện vọng phục dựng lại trận địa pháo năm xưa của phân đội nữ dân quân Tiến Hóa (nay một số người đã mất) nhanh chóng thành hiện thực, nhưng tất cả đều đang trông chờ vào địa phương có di tích.

Khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây, các di tích khảo cổ học cực kỳ quan trọng ở tỉnh ta (không muốn nói là rất hiếm), được nhiều cơ quan quan tâm phối hợp nghiên cứu như di tích khảo cổ học Cồn Nền (có niên đại tương đương văn hoá Phùng Nguyên ở Bắc Bộ), thuộc xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch; di tích các lò gốm  thuộc làng Mỹ Cương, thành phố Đồng Hới...; hồ sơ các di tích đều đã được thực hiện hoàn chỉnh, nhưng với di tích Cồn Nền, hồ sơ vẫn phải dừng lại, chưa thể xếp hạng, vì chính quyền xã vẫn chưa có biện pháp quyết liệt di dời vài ngôi mộ tự ý mai táng ra khỏi khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.

Hồ sơ di tích các lò gốm cổ ở làng gốm Mỹ Cương, thành phố Đồng Hới cũng chịu chung số phận như vậy, chỉ vì di tích nằm trong vườn, hoặc sát khu vực trồng tre ven bờ sông của dân.

Lập hồ sơ khoa học  là một trong những khâu quan trọng bước đầu của công tác di tích. Xếp hạng thêm một di tích là chúng ta, thế hệ đi sau đã góp phần bảo vệ thêm một di sản văn hoá mà các bậc tiền nhân để lại và nếu không làm sớm, làm ngay thì di tích sẽ bị vi phạm, bị xâm haị, bị mai một và sẽ bị rơi vào quên lãng.

Vì vậy, để công tác  bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt giá trị của di tích, rất cần có sự phối hợp, giúp đỡ, ủng hộ của tất cả mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là từ chính quyền địa phương.

Hải Yến