.

Một người con làng La Hà yêu nước, thương dân

Thứ Sáu, 11/12/2015, 10:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bát danh hương: “Sơn-Hà-Cảnh-Thổ-Văn-Võ-Cổ-Kim” thì đất La Hà là một trong những cái nôi khoa bảng của tỉnh Quảng Bình. Một làng nhỏ, ba bề bốn bên là sông nước, trong thời Nguyễn đã có tới 6 người đậu tiến sĩ, 1 người đậu phó bảng. Đặc biệt Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn, người làm đến chức Thượng thư bộ Công kiêm phó khâm sai đại thần, Hữu thị lang bộ Binh được cử làm phó sứ sang Trung Quốc. Ông là một sĩ phu yêu nước, thương dân.

Trần Văn Chuẩn tự là Trực Chi, sinh năm Bính Thân (1836), đời thứ 10 của dòng họ Trần xã La Hà, huyện Minh Chánh, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Theo gia phả của dòng họ Trần dưới (*), làng La Hà thì vị thủy tổ của họ là người Kỳ Anh (Hà Tĩnh) kéo vào nhập cư ở làng đảo bé nhỏ này vào thời Hồng Đức (1470-1497), triều vua Lê Thánh Tông. 

Thuở nhỏ, Trần Văn Chuẩn đã tỏ ra là người có tư chất thông minh. Lớn lên ông học rộng, tài cao, ứng khẩu đối đáp như thần. Năm Tân Dậu (1861), hai anh em ông tham gia kỳ thi hương. Gia Định có biến nên nhiều trường thi phải thi chung. Trường Bình Định phải thi chung với trường Thừa Thiên. Khoa thi này do Tham tri bộ Hình Phan Huy Vịnh làm chủ khảo, Biện lý bộ Lại Phạm Thanh làm phó chủ khảo, lấy đậu 30 người. Hai anh em người làng La Hà là Trần Văn Chuẩn và người anh trai Trần Văn Thức cùng đậu.

Năm Nhâm Tuất (1862), thực dân Pháp đã chiếm gọn 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, trên đà chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây. Nhân lúc Tự Đức đang lưỡng lự nên hòa hay nên đánh thì Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt triều đình ký Hòa ước với tướng Pháp Bôna (5-6-1862). Lúc này tại trường thi Thừa Thiên, Trần Văn Chuẩn đỗ tiến sĩ.

Làng ven sông. Ảnh: P.V
Làng ven sông. Ảnh: P.V

Về khoa thi này, sách Đại Nam thực lục chính biên chép: Tháng 5 (Nhâm Tuất, 6-1862) thi Đình. Sai Thượng thư bộ Hình là Trương Quốc Dụng, Tham tri bộ Hình là Phan Huy Vịnh, sung làm chức độc quyền; Thị lang bộ Lại là Phạm Phú Thứ, Thị lang bộ Binh là Hoàng Thiện Trường sung chức Duyệt quyển. Cho đỗ 6 tiến sĩ xuất thân. Đệ nhị có hai người là Nguyễn Hữu Lập và Lê Khắc Nghị, Tam giáp có bốn người là Trần Văn Chuẩn, Nguyễn Chính, Kiều Lâm, Vũ Huy Hiến. Khoa này có hai lần vua đến để hỏi văn sách. (Lệ cũ, chỉ có một lần).

Để thử sức các vị tân tiến sĩ, Tự Đức ra vế đối: “Bò đi đá nhảy”. Vế ra hiểm hóc. Bò, đi, đá, nhảy là bốn động từ, tượng hình. Không những thế, Đá Nhảy còn là một địa danh bên bờ biển Lý Hòa. Các tân tiến sĩ bó tay. Duy chỉ có Trần Văn Chuẩn, người làng La Hà tủm tỉm cười rồi thong thả đọc: “Hùm hét la hà”. Hùm, hét, la, hà cũng là bốn động từ, tượng thanh. La Hà là một làng quê bé nhỏ bên bờ sông Gianh.

Vua và các vị có mặt hôm đó ai nấy đều phục tài năng của ông. Ngày nay trong nhà thờ họ Trần dưới vẫn còn ghi lại giai thoại này. (Trần Văn Chuẩn vốn là một người nổi tiếng về làm câu đối. Hai bên cổng nhà thờ Đề đốc Lê Trực ngày nay đã khắc hai câu đối của ông: "Ngô châu nhân vật chí tương thiên cổ truyền linh thủy nguyên đầu thanh thủy tú. Thử địa văn võ khoa vi nhất châu xướng trúc sơn mạch cước mã sơn cao". Ông ca ngợi làng Thanh Thủy, đầu làng có Phạm Duy Đôn đậu hoàng giáp, cuối làng có Lê Trực đậu tiến sĩ võ).

Thi đậu tiến sĩ, Trần Văn Chuẩn về quê chịu tang mẹ. Ba năm mãn tang, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào kinh giữ chức Biên tu viện Tập hiền, sau thăng tri phủ Thái Bình. Năm 1867, giặc Pháp chiếm hết Nam kỳ lục tỉnh, lúc này ông đang làm Án sát tỉnh Thanh Hóa.

Năm Tự Đức thứ 23 (1870), Trần Văn Chuẩn được sung làm phó chủ khảo trường thi hương Nghệ An và Nam Định. Trong những năm này, tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc bị quan quân nhà Thanh truy đuổi tràn qua Việt Nam ẩn náu và cướp bóc. Trong số đó có toán giặc Ngô Côn trốn qua Cao Bằng, Lạng Sơn quấy nhiễu, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh biên giới. Sau nhiều lần đưa thư cho quan tuần phủ Quảng Tây đệ lên nước Thanh không có kết quả, tháng 10 năm Canh Ngọ (tháng 11 năm 1870) triều đình sai sứ sang nhà Thanh bàn việc phối hợp hai nước dẹp cướp. Công bộ thị lang, kiêm quản hàn lâm viện Nguyễn Hữu lập được cử làm Chánh sứ, Trần Văn Chuẩn được sung Ất phó sứ.

Lúc đó nhà Thanh mới sai Đề đốc Phùng Tử Tài chỉ huy 31 dinh quân ra ngoài cửa quan phối hợp với quan quân nhà Nguyễn tiến đánh các nhóm tàn quân, các tỉnh phía bắc nước ta mới tạm yên. Sau khi về nước, Trần Văn Chuẩn được triều đình thăng chức Tham biện nội các sự vụ, hàm Thị độc Học sĩ.

Năm Tự Đức 27 (1874), Trần Văn Chuẩn sung chức Khâm phái đi trông coi, cai quản cửa tuần Quảng Bình, ông đã tâu lên Tự Đức xin lập thêm một huyện mới đặt tên là Tuyên Hóa. Tự Đức ưng chuẩn, từ đó tên huyện Tuyên Hóa tồn tại cho đến ngày nay.

Về kinh, ông được giữ chức Tả thị lang bộ Lại. Mấy năm liền ở Hưng Yên lụt lội liên miên, đê Văn Giang đã có hai lần bị vỡ nên năm 1876, ông được vua điều đi làm Tuần phủ Hưng Yên. Ông đã đôn đốc sức dân sửa sang lại đê điều chống lụt. Ông còn đề đạt lên vua xin cho địa phương này hoãn việc đóng thuyền vận tải, miễn thuế cho dân. Ông là một ông quan thanh liêm thương dân như con, quang minh chính trực nên được nhân dân địa phương đánh giá rất cao: “Thanh liêm, siêng năng, vỗ nuôi chính mình cai quản suất thuộc lại, dân đều tin yêu”. 

Lúc này ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, dư đảng của Ngô Côn theo Hoàng Sùng Anh lập nên quân Cờ Vàng. Hiệp đốc Tôn Thất Thuyết phụ trách việc quân ở đây bị bệnh phải về Bắc Ninh điều trị. Tháng 6 năm 1876, triều đình trao cho Trần Văn Chuẩn chức Tham tán Đại thần cùng các quan quân thứ ở các tỉnh này tiểu trừ thổ phỉ. Sĩ dân Hưng Yên dâng đơn lên triều đình xin ông ở lại. Hộ lý Tổng đốc Định-Yên đề đạt lên vua Tự Đức: “Tỉnh ấy mấy năm nước lụt, thường tỏ ra túng thiếu, cai trị ở đấy thực khó có người. Viên chức ấy vâng mệnh cai trị, mới khoảng bốn tháng dân tình tin yêu như thế. Tưởng xứng với ủy thác”.

Năm 1880, Trần Văn Chuẩn được điều về làm Tổng đốc Nghệ An. Năm 1881, giặc Xá ở huyện Man Duy, Thanh Hóa trốn vào Nghệ An cùng hợp sức với Lao Lã ở Phủ Tương Dương, quấy nhiễu dân chúng. Ông đã phái một lãnh binh đến đánh dẹp trong hạt mới được yên.

Tháng 4 năm 1882, tên đại tá Hải quân Pháp Heri Rivière cùng hơn 400 quân kéo đến đóng tại đồn Thủy cách Hà Nội 5km nhằm uy hiếp Hà thành. Ngày 25 tháng 4 năm 1882, Rivière cho pháo binh bắn phá dữ dội thành Hà Nội, thành phía Tây bị vỡ, kho thuốc súng bị nổ. Bọn chúng dùng thang trèo qua. Đề đốc Lê Trực giữ cửa Tây không chống cự nổi, thành Hà Nội bị rơi vào tay quân Pháp. Tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ tự tử. Lê Trực cùng các quan cầm quân ở Bắc Kỳ bị triệu về kinh, cách chức.

Đoàn khâm sai do Nguyễn Trọng Hợp và Trần Văn Chuẩn mang lệnh triều đình ra bắt buộc Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản về kinh. Quan quân phải án binh bất động, không được “chọc giận giặc”, nhưng thấy tình hình ở Bắc Kỳ nguy cơ chiến tranh Pháp-Thanh bùng nổ, ông để mặc cho quân Thanh đánh nhau với quân Pháp. Hoàng Kế Viêm Thống đốc Quân vụ Tây Bắc là người theo phái chủ chiến. Ông cùng các sĩ phu và nhân dân Bắc Kỳ vẫn không nghe theo lệnh của triều đình, tiếp tục xây đồn đắp lũy, cùng với quân Cờ Đen đánh giặc.

Ngày 19 tháng 5 năm 1883, quân Cờ Đen đã phục sẵn đại bác tại làng Hạ Yên Khê bên trái Cầu Giấy. Quân địch đến Cầu Giấy bị đánh bất ngờ phải rút chạy, một khẩu pháo bị sa lầy, sụp xuống ruộng lúa, Rivière đến chỉ huy cứu pháo thì bị quân Cờ Đen bắn chết. Tự Đức quyết định triệu Nguyễn Trọng Hợp và Trần Văn Chuẩn về kinh nhận tội vì “thương thuyết không có công trạng gì”.

Tháng 7 năm 1883, Tự Đức băng hà, triều đình Huế rối ren. Quân Pháp lợi dụng cơ hội này đánh chiếm cửa Thuận An, khống chế con đường thủy lên kinh đô Huế. Ngày 25 tháng 8 năm 1883, triều đình Huế ký hòa ước Hác-Măng, xác lập quyền bảo hộ của người Pháp lâu dài ở Việt Nam. Trần Văn Chuẩn được bổ nhiệm chức Doanh điền sứ Quảng Bình đóng ở Thanh Lăng (huyện Bố Trạch). Ông dời quân doanh về Vạn Xuân (huyện Quảng Ninh) và cho đắp hai con đường thông ra Hà Tĩnh và vào Quảng Trị. Ông xin đặt đồn Quyết Sơn và đắp La thành Nghệ An để chống Pháp.

Tháng giêng năm Hàm Nghi thứ nhất (1885), Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn qua đời tại quân doanh, thọ năm mươi tuổi. Sử sách nhà Nguyễn ghi lại tài năng và đức độ của ông “thanh liêm, cần mẫn, giỏi giang và hết lòng vì dân”.

Biết ơn công lao, tài năng, đức độ của Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn, trong phiên họp ngày 11 tháng 7 năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ra nghị quyết đặt tên đường Trần Văn Chuẩn tại thành phố Đồng Hới. Ông là một sĩ phu yêu nước thương dân, một người con làng La Hà làm rạng danh cho quê hương. Ông xứng đáng với niềm tự hào của quê hương Quảng Bình trong công cuộc giữ nước và dựng xây đất nước.

Hoàng Minh Đức

----------------------------------------------------

(*) Nhà thờ họ Trần dưới ở cuối làng La Hà thờ bài vị Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn, nhà thờ họ Trần trên  ở đầu làng thờ bài vị Tiến sĩ Trần Văn Thống (thượng thư bộ Công kiêm phó khâm sai đại thần đời Nguyễn).