.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh giữ nước

Chủ Nhật, 16/02/2014, 07:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước tình hình triều Trần ngày càng suy yếu, nội bộ mất đoàn kết, tranh chấp quyền lợi trong hoàng tộc, Chiêm Thành đã phát động nhiều cuộc chiến tranh tiến đánh Đại Việt. Năm Tân Hợi (1371) quân Chiêm Thành tiến đánh Đại Việt. Do chủ quan, vì đã lâu không có chiến tranh ở kinh đô, thành quách không được củng cố, quân đội không được luyện tập, quân Trần đã thất bại thảm hại. Quân Chiêm Thành tiến vào từ cửa biển Đại An đánh thẳng vào kinh đô. Quân Trần không ngăn được. Quân Chiêm đốt cung điện, thành quách nhà cửa, thư tịch, sổ sách. Vua Trần Nghệ Tông phải xuống thuyền chạy trốn sang Đông Ngàn.

Sau khi đánh phá kinh đô quân Chiêm Thành rút về nước. Đây là cuộc tiến quân đầu tiên của quân Chiêm Thành đánh vào kinh đô nhà Trần. Sự kiện này chứng tỏ, triều Trần đã đến lúc suy vong. Quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành ngày càng mâu thuẫn sâu sắc.

Năm Nhâm Tý (1372) Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính tức Trần Duệ Tông. Vừa mới lên ngôi, mặc dầu trong nước đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng Trần Duệ Tông lại chuẩn bị cuộc chiến tranh tiến đánh Chiêm Thành.

Giữa lúc việc chuẩn bị đánh Chiêm Thành đang được triển khai tích cực thì tháng 5 năm Bính Thìn (1376) Chiêm Thành cho quân đến cướp Hoá Châu. Sự kiện đó càng củng cố quyết tâm của Trần Duệ Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Tháng 6 năm 1376 vua Trần Duệ Tông xuống chiếu cho các quân sắm sửa khí giới thuyền chiến chuẩn bị việc thân chinh đánh Chiêm Thành. Mặc dù các quan thần can gián, Trần Duệ Tông không nghe vẫn tiến hành cuộc chinh phạt phía nam.

Tháng 8 năm 1376 vua xuống chiếu cho quân dân Thanh Hoá, Nghệ An - Diễn Châu chở 5 vạn học lương tới Hoá Châu. Tháng 10 duyệt đại quân thuỷ bộ ở sông Bạch Hạc. Tháng 12 vua Trần Duệ Tông thân chính dẫn 12 vạn quân xuất phát từ kinh đô tiến đánh Chiêm Thành. Vua sai Lê Quý Ly đốc thúc quân dân Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hoá chở lương thực cung cấp cho quân đội. Quân đội Trần tiến đến cửa biển Di Luân (tức cửa Roòn ngày nay), vua Trần lên bờ cưỡi ngựa dẫn quân bộ  men theo bờ biển đến cửa Nhật Lệ đóng quân lại và luyện tập thêm một tháng.

Tháng giêng năm Bính Tý (1377) đại quân Trần tiến vào cửa Thi Nại của Chiêm Thành, đánh chiếm đồn Thạch Kiều, đóng quân ở đồn Ỷ Mang, rồi tiếp tục tiến về thành Đồ Bàn, kinh đô của Chiêm Thành.
Vua Chiêm là Chế Bồng Nga vốn là người có tài thao lược, biết cách dùng binh đã cho quân dựng trại ngoài thành Đồ Bàn. Chế Bồng Nga sai Mục Bà Ma là một viên quan đã từng đi sứ qua Đại Việt đến trá hàng, nói dối là Chế Bồng Nga đã chạy trốn, bỏ thành nên tiến binh gấp kẻo bỏ lỡ cơ hội. Vua Trần Duệ Tông cả tin truyền lệnh tiến binh.

Đại tướng Đỗ Lễ can ngăn, nên dò xét "vì lòng giặc khó lường" cần phải xem xét thận trọng. Vua không nghe cho Đỗ Lễ là "hạng đàn bà" rồi đốc thúc quân lính tiến lên phía trước. Đội hình quân Trần bị chia cắt, rơi vào ổ phục kích, quân Chiêm thừa thắng xông lên đánh tan quân Trần, Duệ Tông tử trận, một số tướng lĩnh và tàn binh của Trần vội vã rút về nước. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông được tin Duệ Tông tử trận bèn lập con của Duệ Tông là Trần Hiển Lân nối ngôi, tức là Trần Phế Đế.

Sau khi đánh bại quân Trần, ngày 11 tháng 6 năm đó Chế Bồng Nga thừa thắng cho quân đánh vào kinh đô Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông nghe tin giặc đến sai tướng ra giữ cửa biển Đại An. Quân Chiêm biết có Đại An có phòng bị bèn tiến quân vào của Thiên Phù (sông Chính Đại thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) rồi tiến vào cướp phá Thăng Long.

Đây là cuộc tiến binh đánh phá kinh đô Thăng Long lần thứ hai của Chế Bồng Nga. Lợi dụng lúc triều Trần suy yếu, tháng 5 năm Mậu Ngọ (1387) quân Chiêm Thành lại sang đánh Nghệ An, rồi lại vào sông Đại Hoàng tiến lên đánh phá Thăng Long lần thứ ba.

Năm Canh Thân (1380) quân Chiêm Thành lại cho quân và lấy người ở Tân Bình, Thuận Hoá ra cướp Nghệ An, Diễn Châu và đánh ra Thanh Hoá. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Lê Quý Ly đến Thanh Hoá cho đóng cọc giữa sông Ngu Giang (Lạch Trường, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) đánh thắng quân Chiêm. Chế Bồng Nga thua trận rút chạy về nước.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)