.

Được câu cá cùng Đại tướng

Thứ Bảy, 01/02/2014, 08:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Giữa mùa hè năm 1973, Hiệp định Paris có hiệu lực đã được vài tháng. Tình hình chiến sự ở miền Nam tạm lắng. Có thể cần vài ngày yên tĩnh thư giãn để định tâm suy nghĩ về chiến lược sắp tới nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Trường Sĩ quan Lục quân 1 đang đóng ở Thạch Thất (Sơn Tây).

Trong mấy ngày Đại tướng lưu lại, lãnh đạo nhà trường dựng một cái lán tạm trên mặt hồ để câu cá. Bộ khung nhà trường lúc ấy chỉ có ba người quê Quảng Bình, là một chủ nhiệm quân y  và hai giáo viên. Tôi lúc ấy mới tốt nghiệp khóa học được giữ lại giảng dạy đang thời gian không lên lớp nên được ưu tiên phục vụ và cùng Đại tướng câu cá. Đầu giờ buổi sáng, anh em cảnh vệ thái những miếng thịt nhỏ làm mồi câu. Hai bác cháu thả câu ngồi khá lâu mà phao không động đậy. Tôi bắt đầu sốt ruột thì Đại tướng nói:

- Bây giờ dùng con vạc thì mới câu được cá!

Một chiến sĩ cảnh vệ quê ngoài Bắc ngồi gần Đại tướng thưa rằng: “Ở đây cũng có con vạc nhưng thường đi ăn đêm, ban ngày ít thấy”.

Các bạn thanh thiếu niên hiện nay chắc không còn biết nhiều về vốn từ vựng trong phương ngữ Bình Trị Thiên mang nhiều yếu tố của tiếng Việt cổ. Cả những thanh niên hồi đó sinh trưởng ở các tỉnh phía Bắc cũng vậy nên người chiến sĩ cảnh vệ đã hiểu nhầm. Tôi quê ở Liên Trạch (Bố Trạch) cũng có thời thơ ấu câu cá trên sông Son bèn thưa với Đại tướng để ra khoảng ruộng gần đó “kiếm” con vạc. Đại tướng nhìn tôi cười cười không nói gì, còn anh em quê Bắc thì lạ lắm, không hiểu tôi sẽ bắt con vạc bằng cách nào giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi xắn quần lội ra đám ruộng gần đấy, tìm những gốc lúa có đất đùn lên, dùng tay xắn một tảng lớn mang về tách bùn ra nhặt được vài chục con to hơn cái kim, màu đỏ, dài vài centimét thuộc họ giun.

Chúng tôi hì hụi móc mồi mới, quăng xuống, phút chốc đã giật lên được mấy con rô phi khiến anh em cảnh vệ reo hò ầm ĩ. Không ai ngờ được, tới hồi ấy, xa quê đã tròn nửa thế kỷ với bao biến động trong trường đời mà Đại tướng vẫn nhớ nằm lòng một danh từ dị biệt trong phương ngữ Bắc Trung bộ và ký ức một thời ấu thơ đọc sách câu cá trên bến nước quê hương. Lúc sau, tôi vào nhà bếp lấy củ khoai lang, thái miếng nhỏ bằng ngón tay út, nướng lên làm mồi câu. Chỉ ít phút sau Đại tướng giật lên được con cá chép khá to. Đại tướng thích lắm, nói: “Thế chứ! Phải thắng từ nhỏ đến lớn”. Có một lúc, tôi nhìn sang thấy Đại tướng tay vẫn cầm cần câu mà hai mắt nhắm lại, toàn thân không động đậy.

Một lúc sau mở mắt thấy tôi nhìn chăm chăm, Đại tướng nói: “Mình vừa thiền được một lúc đấy!”. Rồi theo yêu cầu của Đại tướng, tôi kể lại hai trận đánh khá điển hình ở chiến trường mà tôi trực tiếp tham gia. Trận thứ nhất chiến thắng giòn giã với tổn thất rất ít. Trận thứ hai chiến sĩ ta thương vong khá nhiều quanh khu vực “cửa mở”. Tôi kể rỉ rả, cố ý dùng nhiều thổ ngữ Bình Trị Thiên cho Đại tướng vui. Đại tướng nghe rất chăm chú, im lặng một lúc rồi nói nhỏ với tôi mà như với chính mình: “Phải thế... chắc thắng mới đánh... một trận đánh chỉ được coi là thực sự thắng lợi với tổn thất xương máu ít nhất...”.

Các bạn độc giả thân mến ơi! Trong cuộc đời mỗi chúng ta, liệu có ai được tình cờ hưởng sự may mắn như tôi, một trung úy trẻ tuổi được ngồi câu cá nhiều giờ với vị tướng lừng danh mà cả thế giới ngưỡng mộ, được Đại tướng chia sẻ từ cái mồi câu đến cảm giác râm ran khi phao động đậy, giật cần câu lên, một chú cá rô giãy giụa đầu sợi cước. Suốt đời tôi không bao giờ quên câu nói ngắn, chậm rãi, ngắt quãng, âm trầm bên tai giữa cái buổi trưa lưng lửng trong sạp lán trên hồ. Lúc sau Đại tướng lại hỏi:

- Đồng chí có biết vì sao mình được giữ lại trường không?

Thực tình, nghe câu hỏi bất ngờ của Đại tướng, tôi hơi lúng túng bèn trả lời:

- Thưa thủ trưởng! Có lẽ vì cha của em là liệt sĩ, và anh trai của em cũng mới vừa báo tử chưa lâu...

Đại tướng bất ngờ quay sang nhìn tôi chăm chú dường như cố nén cảm xúc, nói:

- Chắc đó không phải là nguyên nhân chính. Cái quan trọng là đồng chí đã có thực tiễn sinh động ở chiến trường. Khi lên lớp đồng chí nhớ xoáy sâu vào trường hợp hy sinh nhiều ở “cửa mở”, phải vận dụng thật tốt thực tiễn chiến trường vào bài giảng...

“Ngày vui vắn chẳng tày gang”, Đại tướng trở về Hà Nội với trọng trách Tổng Tư lệnh và chiến lược giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tôi lên bục giảng và ra thực địa cùng các học viên sĩ quan. Nhưng, từ đó cho đến mãi về sau, khi lại ra chiến trường, khi vào học rồi được giữ lại giảng dạy ở Học viện Sĩ quan Đà Lạt, tôi luôn nhớ lời căn dặn giản dị của Đại tướng: Vận dụng thực tiễn vào bài giảng và lý thuyết vào thực tiễn trận đánh sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Một trận đánh thực sự thắng lớn khi mà thương vong của chiến sĩ được giản lược đến mức thấp nhất.

Bốn mươi năm đã trôi qua. Vào tuổi thánh thần, Đại tướng đã “theo chân Bác Hồ” vào “thế giới người hiền”. Còn tôi cũng đã bảy mươi, an hưởng tuổi già. Mỗi lần về quê hay những lúc tha thẩn ra bờ sông Nhật Lệ, gặp những người câu cá, tôi lại nhớ đến con vật nhỏ làm mồi câu trông như con giun chỉ, không hiểu sao trong vốn từ vựng tiếng Việt cổ lại gọi là con vạc, chẳng quan hệ gì với “Cái cò - cái vạc - cái nông...” là những giống chim bay trên trời. Và, trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh vị tướng già huyền thoại, đẹp như một tiên ông đang ngồi câu cá.

----------------------------------------------------

(Ghi theo lời kể của thượng tá Đinh Xuân Lãnh, CCB phường Đồng Mỹ, Đồng Hới)

Nguyễn Thế Tường