.

Tết ở Vũng Chùa

Thứ Bảy, 08/02/2014, 07:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Cái Tết đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thiên thu ở Vũng Chùa (Quảng Đông, Quảng Trạch). Vùng đất thảo dã ấm áp, người dân khắp ba miền nườm nượp đổ về viếng hương bên linh mộ Đại tướng. Riêng người dân các thôn Thọ Sơn, Minh Sơn, 19-5 ở xã Quảng Đông lập trang thờ Đại tướng tại nhà và dâng bánh chưng xanh cùng sản vật địa phương trong không khí Tết ấm cúng ở đất Vũng Chùa.

 

Người dân về Vũng Chùa trong dịp Tết Giáp Ngọ.
Người dân về Vũng Chùa trong dịp Tết Giáp Ngọ.

Giao thừa bên linh mộ

Chiều 30 Tết khi vạt nắng cuối cùng khuất xuống mái bên kia của dãy Hoành Sơn, đứng từ Đèo Ngang nhìn xuống Vũng Chùa, trời đã chạng vạng, nhiều người vẫn còn ngược xuôi ở vùng đất này để viếng linh mộ Đại tướng, đó cũng là lúc kíp trực mới của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ở khu vực này bắt đầu.

Canh giấc thiên thu cho Đại tướng là 30 cán bộ chiến sĩ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình thay phiên nhau theo ca. Một tốp 10 chiến sĩ biên phòng nhận lệnh chia nhau thành ba điểm chốt, một ở bãi đỗ xe và bàn hướng dẫn, một ở đường dẫn lên linh mộ, một ở cầu thang gỗ và khu mộ cũng như bàn hướng dẫn thắp hương. Bên kia sườn núi Mũi Rồng, một tổ trinh sát đi tuần tra lên đỉnh núi và kéo ra biển, xuống bãi Vảy Rồng. Đường tuần tra bảo vệ mục tiêu đi hết cũng là lúc giao thừa sắp điểm. Mọi người lại chuẩn bị mâm cỗ dâng lên Đại tướng giữa đất trời Vũng Chùa của đêm căng tràn thời khắc năm mới.

Binh nhất Phan Xuân Linh, một trong ba chiến sĩ được giao chuẩn bị các sản vật quê nhà và từ các làng biển quanh Vũng Chùa làm mâm cỗ đặt trước linh mộ nói: “Tết đầu tiên em xa nhà, nhưng vinh dự vô cùng vì được phân công tự tay làm mâm cỗ để dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thời khắc giao thừa”. Mâm cỗ là những món ăn giản dị của quê hương Quảng Bình, những sắn, khoai, những cá biển, cá ruộng, những bánh chưng, bánh tét, xôi nếp quê được bày biện tươm tất, đầy lòng kính trọng. Một mâm ngũ quả từ vườn tược quê nhà cũng biện ra, cung kính dâng trước linh mộ Đại tướng. Thời khắc giao thừa đã điểm, toàn bộ các chiến sĩ ở khu vực được đến linh mộ dâng hương. Họ cầu Đại tướng hộ vệ đất nước thanh bình, dân tộc đoàn kết, quốc thái dân an.

Những chiến sĩ biên phòng Quảng Bình ngoài bảo vệ an toàn linh mộ Đại tướng, còn có nhiệm vụ thay hoa tươi trước khu vực mộ, bảo đảm khói hương luôn nghi ngút để đất Vũng Chùa ấm áp mỗi ngày. Mỗi lần thay ca, các chiến sĩ đều nghiêng mình thắp hương xin phép như lễ thành tâm và sự tự hào để giữ yên giấc ngàn thu của Đại tướng ở đất Vũng Chùa thiêng liêng.

Dân về với Đại tướng

Mồng 1 Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, người các làng Thọ Sơn, Minh Sơn, 19-5... xã Quảng Đông rồi bên kia Đèo Ngang là Kỳ Nam của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) rủ nhau bưng lễ bánh chưng, bánh tét cùng sản vật địa phương dâng lên linh mộ Đại tướng. Nhưng nguyên tắc hiện chưa thể đặt lễ nên người dân đã lập trang thờ Đại tướng trong nhà và dâng lên đó như tấm lòng thành kính với vị tướng tài ba lỗi lạc đã chọn đất Vũng Chùa về với thảo dã điền viên. Khi bình minh mùa xuân vừa kéo lên phía biển Đông, từ ngõ xóm, mọi người í ới gọi nhau: “Đi kính hương Đại tướng”.

Mâm cúng ngày mồng 1 Tết trước linh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mâm cúng ngày mồng 1 Tết trước linh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cụ Lê Thanh Khành ở thôn Thọ Sơn nói: “Không ai hẹn ai cả, hương khói tổ tiên xong thì ra với Cụ Giáp. Cụ về với bà con, với nhân dân thì người dân cũng biết mà tìm về mộ Cụ. Cụ ở đây xa gia đình Cụ nhưng là quê hương rồi thì dân làng đến với Cụ, lễ nghĩa cới Cụ để bà con được ấm áp”.

Ngày đầu tiên của Tết Giáp Ngọ, Thượng tá Phạm Xuân Diệu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết: “Có hơn 6.000 lượt khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là niềm vinh hạnh với những người bảo vệ khu vực cũng là lòng thành kính của người dân khắp nơi hướng về Đại tướng”. Mồng 2 Tết, lượng người về thăm mộ Đại tướng hơn 5.000 người, mồng 3 Tết, số đồng bào về viếng Người ở Vũng Chùa cũng được thống kê hơn 7.000 lượt. Đến mồng 4 Tết lượng người về với Đại tướng hơn 10.000 lượt...

Đồng bào từ ba miền, Bắc-Trung-Nam đều thành kính đến viếng Đại tướng. Từ sáng mồng 1 Tết, ra đường, tôi đã gặp anh Trần Nguyễn Nam Anh (Hà Nội) cùng vợ con vào Quảng Bình du xuân hỏi đường về Vũng Chùa. Anh kể: “Kính phục tấm gương Đại tướng, tết này gia đình tôi đưa hai cháu vào Quảng Bình ngay sau khi đón giao thừa. Đi ô tô cả đêm tuy mệt nhưng rất muốn ra mộ Đại tướng từ sáng để được viếng hương”.

Người dân cung kính viếng hương trước linh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Người dân cung kính viếng hương trước linh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Xa tít trong miền Nam, anh Huỳnh Nhị Lộc ở Cần Thơ ra: “Mình chưa lần nào đến Quảng Bình, nhưng tết năm nay thuê xe cả đại gia đình đằng nội, đằng ngoài ra đây để được thắp hương cho Đại tướng. Ba mình đã già, 91 tuổi, ông ưng một lần đến kính nén hương với Đại tướng vì ông nói là rất khó để có lần thứ hai ra Vũng Chùa nên quyết tâm đi trong dịp tết này để tận thấy nơi Đại tướng chọn. Đúng là vùng đất huyền thoại”.

Đầu xuân, hòa trong dòng người về viếng mộ Đại tướng, tôi nhận ra rằng, người dân ai cũng một lòng thành kính hướng về Đại tướng. Ghé các làng quê vùng sâu vùng xa, các ban hội cấp xã, thôn đều bàn bạc để được một lần về linh mộ Đại tướng ở Vũng Chùa. Bởi qua cách nói của mọi người, trong tâm ai cũng có một tượng đài Võ Nguyên Giáp vĩnh cữu. Trên mộ của ông, ngày Tết có hoa quả từ phương Nam, bánh trái của miền Trung, hoa đào miền Bắc, rồi mận tam hoa từ Tây Bắc cũng được đồng bào dâng tặng.

Đến Vũng Chùa ngày Tết, cảm nhận sâu sắc lòng dân hướng về Đại tướng. Từ đây và mãi mãi sau này, Tết ở Vũng Chùa luôn đậm đà nghĩa đồng bào với vị tướng lỗi lạc mà bình dị Võ Nguyên Giáp.

Tại nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở An Xá, Lộc Thủy, Lệ Thủy, ông Võ Đại Hàm, người coi sóc căn nhà cho biết, trong ba ngày Tết có hơn 5.000 lượt người đến thăm và dâng hương tại đây. Người dân ngoài con em Quảng Bình còn có đồng bào các tỉnh thành khác của cả nước du xuân cũng đến kính hương.

Minh Phong