.

"Nếu dừng lại, sẽ thấy mình lạc hậu"

Thứ Hai, 26/06/2017, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Với anh, sáng tạo không chỉ là niềm vui mà còn là niềm đam mê. Vậy nên, mỗi ngày trôi đi, anh đều say mê, miệt mài nghiên cứu để hiện thực hóa niềm đam mê ấy của mình. Và hạnh phúc lớn lao nhất của người kỹ sư ấy là những sáng kiến của mình có tính ứng dụng hiệu quả, phục vụ tốt cho công việc chuyên môn.

Vũ Hoài Nam sinh năm 1983. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành Điện vào năm 2006, Nam ở lại công tác tại Đà Nẵng. Với anh, đây là quãng thời gian quý giá để theo đuổi chương trình đào tạo Thạc sỹ, nhưng đồng thời đây là cơ hội để gom góp kinh nghiệm làm việc tại một thành phố lớn trước khi về góp sức xây dựng quê hương.

Nam tâm sự rằng, đó là cả một quá trình đầy khó khăn và đáng nhớ, bởi anh nhận ra, kiến thức trên giảng đường và thực tế có sự tương đồng nhưng việc mình vận dụng, triển khai như thế nào trên các hệ thống điện thực tế là một câu chuyện đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc và đam mê.

Với sự nỗ lực không ngừng trong công tác, Vũ Hoài Nam đã được các thành tích nổi bật, như:
2012: Bằng khen “Đề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc năm 2012” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

2013: Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2016: Giải nhì cuộc thi Điều độ viên giỏi của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.

2017: Giải khuyến khích cuộc thi Điều độ viên giỏi của Tập đoàn Điện lực VN 2017.

Như anh chia sẻ, may mắn của Nam là được làm việc đúng chuyên môn, ngành học, đồng thời cũng là niềm đam mê từ khi còn rất nhỏ. Vậy nên, mỗi khi bắt tay vào việc nghiên cứu, sáng tạo, anh đều rất hào hứng. Những sáng kiến ra đời lại làm động lực động viên bản thân tiếp tục nghiên cứu những đề tài mới.

Năm 2010, khi còn công tác ở Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung, Vũ Hoài Nam đã có sáng kiến “Giải pháp tự nghiên cứu và viết phần mềm Generator Capability Curve and Loss Of Excitation cho việc thử nghiệm đặc tính máy phát và bảo vệ kém kích thích cho nhà máy thủy điện”.

Sáng kiến này đã được áp dụng đầu tiên tại Nhà máy thủy điện Sê san 4 nhưng theo anh Nam, sự tối ưu của giải pháp này là có thể áp dụng cho nhiều nhà máy thủy điện khác. Thành công bước đầu ấy trở thành một nguồn động viên to lớn để rồi cuối năm 2010, anh tiếp tục nghiên cứu, đóng góp cho doanh nghiệp thêm sáng kiến “Giải pháp thử nghiệm đặc tính so lệch dọc đường dây Sel 311L bằng Modlue Testing Alpha Plane tự xây dựng” được Công ty công nhận với giá trị lợi ích lớn.

Đến năm 2011, khi đã có trong tay một vốn kinh nghiệm "hòm hòm", Nam quyết định trở về quê hương và công tác tại Công ty Điện lực Quảng Bình. Anh là điều độ viên, phòng Điều độ, đảm nhiệm công việc tính toán hệ thống, chỉnh định bảo vệ rơ le lưới điện phân phối. Chừng đó đến nay, Nam vẫn miệt mài với công việc chuyên môn, đồng thời tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời nhiều sáng kiến khoa học hữu ích, phục vụ đắc lực cho công tác chuyên môn của mình.

Nhiều sáng kiến đã được ghi nhận và đánh giá cao thông qua các Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cấp Tổng công ty. “Năm 2014, tôi có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật “Giám sát, điều khiển Recloser qua sóng di động” và “Tính toán, áp dụng điện trở ổn áp nhằm tránh hiện tượng chạm đất giả trong mạch bảo vệ chạm đất (F64) và hỗ trợ bảo vệ TU khi cộng hưởng phi tuyến tại các TTG có lưới trung tính cách đất”.

Vũ Hoài Nam (ngoài cùng, bên trái) đạt giải khuyến khích cuộc thi Điều độ viên giỏi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam 2017.
Vũ Hoài Nam (ngoài cùng, bên trái) đạt giải khuyến khích cuộc thi Điều độ viên giỏi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam 2017.

Ưu điểm của các giải pháp này là hệ thống giám sát, điều khiển từ xa lắp đặt đơn giản, triển khai đưa vào vận hành nhanh mà không cần đòi hỏi nhân công cao, chi phí lắp đặt và vận hành rất thấp. Hệ thống thu thập dữ liệu có khả năng thu thập theo thời gian thực từ, bảo đảm tính liên tục và chính xác của dữ liệu, phục vụ công tác vận hành và các ứng dụng nâng cao khác, do vậy, có thể chủ động hơn trong việc xử lý sự cố hệ thống lưới điện”, Nam giải bày.

Gần đây nhất là “Giải pháp nâng cấp Firmware, cấu hình các Recloser kiểu cũ như Tarvida, Nulec PTCC, Form6, Shinsung để kết nối về trung tâm điều khiển”. Theo Hoài Nam, giải pháp này có thể khắc phục được nhược điểm của các Recloser kiểu cũ là không thể kết nối về trung tâm điều khiển, nhờ đó, không cần đầu tư mới các tủ điều khiển, cách thức thử nghiệm lại đơn giản, nhanh chóng hơn.

Có lẽ, niềm đam mê sáng tạo bên trong con người của Vũ Hoài Nam vẫn luôn mãnh liệt như thế khi mỗi năm, anh lại cho ra đời nhiều sáng kiến xuất phát từ chính nhu cầu công việc của đơn vị. Từ năm 2010 đến nay, Hoài Nam đã có 7 sáng kiến được đánh giá cao và được ứng dụng trong thực tế. Đó là thành quả của những tháng ngày người kỹ sư trẻ ấy mày mò, tìm hiểu rồi tích cực nghiên cứu, thử nghiệm.

Anh trực tiếp đi đến các trạm tìm hiểu, rồi về đọc sách, tìm kiếm các tài liệu liên quan. Chuỗi công việc ấy cứ thế kéo dài ròng rã hàng tháng trời nhưng không vì thế khiến người kỹ sư trẻ ấy nản lòng. Bởi, đó không đơn thuần là đam mê, là trách nhiệm và sự tận tâm với công việc anh đang gắn bó mà như Nam tâm sự thì “nếu mình dừng lại, bản thân sẽ thấy lạc hậu”.

D.H