.
Chào mừng Ngày khai giảng năm học mới 2015-2016:

Trên 21 vạn học sinh, sinh viên tỉnh ta bước vào năm học mới

Thứ Sáu, 04/09/2015, 10:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng mai (5-9), cùng với cả nước, trên 21 vạn học sinh, sinh viên tỉnh ta bước vào năm học mới 2015-2016.

Trong năm học mới 2015-2016, toàn tỉnh có hệ thống mạng lưới trường, lớp được đầu tư kiên cố, hiện đại, với 613 trường và cơ sở giáo dục (bao gồm 179 trường và cơ sở giáo dục mầm non; 209 trường tiểu học và trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật; 148 trường THCS; 18 trường tiểu học và THCS; 27 trường THPT; 6 trường THCS và THPT...) đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho trên 21 vạn học sinh, sinh viên từ bậc học mầm non đến cao đẳng, đại học.                                         

Năm nay cả nước khai giảng năm học mới đúng ngày 5-9. Với phương châm tổ chức ngày khai giảng gọn nhẹ nhưng thật ý nghĩa, nên tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương... tạo được không khí náo nức ngày hội đến trường cho các em học sinh.

Năm học mới 2015-2016, thầy và trò toàn tỉnh quyết tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch hành động của ngành Giáo dục-Đào tạo và kế hoạch của tỉnh triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nội Hà

. Quảng Trạch: Dồn sức cho ngành Giáo dục

Là một huyện mới được chia tách, gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu, nhưng Quảng Trạch luôn dành nhiều ưu tiên cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị mọi điều kiện từ hệ thống cơ sở vật chất, sắp xếp đội ngũ cán bộ giáo viên... đã được các cấp ủy, chính quyền, nhà trường, phụ huynh và các em học sinh khẩn trương hoàn tất, sẵn sàng bước vào năm học mới 2015 -2016.

Ngay trong thời gian nghỉ hè, ngành Giáo dục huyện Quảng Trạch đã ráo riết triển khai công tác chuẩn bị từ xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên... nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất phục vụ năm học mới. Cụ thể, Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn thực hiện các công việc như: tổ chức quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, giáo viên trên các văn kiện chỉ đạo của cấp trên về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2015 -2016, triển khai các đợt sinh hoạt nhằm đánh giá lại những khó khắn, vướng mắc và lên kế hoạch xây dựng biện pháp giải quyết. Tiến hành thống kê số lượng học sinh các cấp học, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất  trường học; tu sửa, vệ sinh phong quang trường lớp; rà soát để đề nghị tuyển dụng, hợp đồng, sắp xếp và ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên bảo đảm điều kiện yêu cầu cho năm học mới. Trong đó đặc biệt chú trọng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, triển khai thí điểm mô hình trường học mới.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách GD-DT huyện Quảng Trạch cho biết, năm học 2015 – 2016, huyện Quảng Trạch có 60 trường học từ cấp mầm non đến trung học cơ sở. Sau khi chia tách huyện, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo chính quyền các cấp vẫn ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các trường đã chuẩn bị khá đầy đủ mọi điều kiện để bước vào năm học mới.

Các em học sinh mầm non ở xã Cảnh Hóa bước vào năm học mới.
Các em học sinh mầm non ở xã Cảnh Hóa bước vào năm học mới.

Đối với các địa bàn còn nhiều khó khăn như Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Tiến... đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường, chống bỏ học sau hè. Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn huyện Quảng Trạch cũng tiếp tục tổ chức phát động xây dựng các Quỹ “Vì học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học”, “Tiếp sức đến trường”,... quyên góp quần áo, sách vở hỗ trợ cho học sinh trong trường và học sinh vùng khó khăn.

Thầy giáo Trương Quốc Phượng, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hợp cho biết, với đặc thù xã miền núi, đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn nên thường có hiện tượng học sinh bỏ học, đặc biệt sau dịp nghỉ hè. Năm nay, trường đã thành lập nhiều nhóm vận động cùng phối hợp với chính quyền địa phương đến từng gia đình vận động con em trở lại lớp. Cả trường có 371 em học sinh, hiện tại, công tác dạy và học của trường đã đi vào nền nếp, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 100%.

X.Phú

. Minh Hóa: Sẵn sàng cho ngày khai trường

Một năm học mới đã bắt đầu với các em học sinh vùng cao Minh Hóa. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức phía trước, song với sự chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, ngành Giáo dục huyện Minh Hóa đã sẵn sàng cho năm học mới.

Năm học 2015 - 2016, huyện Minh Hóa có 56 trường học, khoảng 13.000 học sinh các cấp, trên 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên, gần 700 lớp học. Năm học vừa qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn đã được hoàn thành. Có 100% các xã, thị trấn được công nhận xóa mù chữ mức độ 1, và 14/16 xã thị trấn được công nhận xã đạt chuẩn mức độ 2. Có 6 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 10 đơn vị đạt mức độ 2. Đối với cấp THCS, toàn huyện có 13 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 2. Trên địa bàn huyện có hàng trăm em thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.

Cấp học mầm non ngày càng được quan tâm, nhiều lớp học ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã được mở, tỷ lệ huy động trẻ vào các lớp mầm non đạt trên 99%, huy động vào lớp 1 đạt 100%. Toàn bộ các trường đã mở lớp bán trú. Nhờ đó, chất lượng giáo dục mầm non được nâng lên, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học, THCS và công tác bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được thực hiện tốt. Tỷ lệ học sinh khá giỏi, hạnh kiểm tốt tăng so với những năm trước. Biên chế của các trường học cơ bản đáp ứng được nhu cầu chuyên môn. Các vấn đề, chương trình giáo dục mới được triển khai thường xuyên, cụ thể, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, dạy và học. Toàn huyện đã có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 10 trường, năm học mới sẽ phấn đấu đạt thêm 7 trường...

Học sinh con em người Rục, xã Thượng Hóa đã bắt đầu năm học mới.
Học sinh con em người Rục, xã Thượng Hóa đã bắt đầu năm học mới.

Những thành quả đó sẽ là cơ sở để ngành Giáo dục Minh Hóa tự tin bước vào năm học mới 2015-2016. Huyện Minh Hóa đã bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều phòng học kiên cố, bán kiên cố, bếp ăn. Các đơn vị trường học trên địa bàn cũng đầu tư nâng cấp, tu sửa hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, khuôn viên nhà trường bảo đảm đáp ứng tốt cho năm học mới. Phòng Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức học tập chính trị, bồi dưỡng nâng cao lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các cấp học từ mầm non đến THPT cơ bản đã tuyển dụng xong học sinh đầu cấp. Sách vở, dụng cụ dạy và học cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Tất cả các trường học đều tổ chức cho học sinh học tập trước ngày 15- 8. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới ở Minh Hóa cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới trong điều kiện học tập tốt nhất.

Tại Trường tiểu học thị trấn Quy Đạt, những ngày đầu tháng 8, thầy, trò và phụ huynh đang tích cực lao động, vệ sinh khuôn viên trường học để chuẩn bị cho năm học mới. Năm học này, trường có tổng số 439 học sinh ở 5 khối với 16 lớp. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên đều được bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Giáo viên của trường đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 93,5%. Trước khi bước vào khai giảng năm học mới, nhà trường đã tổ chức các hoạt động dạy và học, bầu ban cán sự lớp và hội đồng tự quản; công tác nghi thức đội để chuẩn bị cho ngày lễ cũng đã chuẩn bị xong.

Chi Đinh Thị Hạnh, một phụ huynh cho hay: “Hiện tôi đã mua sắm đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập cho các con đến trường. Phụ huynh cũng tham gia các hoạt động vệ sinh, dọn dẹp lại lớp học và khuôn viên nhà trường”.

Cô Lê Thị Việt Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nhà trường còn thiếu 12 bộ bàn ghế cho học sinh lớp 1 nhưng đã mượn các trường khác và đang làm hồ sơ mua bổ sung. Còn các vấn đề khác, trường cơ bản đã chuẩn bị xong để đã sẵn sàng cho năm học mới”.

Tuy trên địa bàn vẫn còn thiếu khá nhiều đầu sách giáo khoa nhưng phụ huynh cũng đã đến các huyện, thành phố khác mua bổ sung kịp thời cho con em. Cô Đinh Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Minh Hóa tâm sự: “Cái khó lớn nhất của ngành giáo dục huyện Minh Hóa vẫn là cơ sở vật chất. Bởi hiện tại, nhiều trường học còn thiếu khá nhiều phòng học và các phòng chức chức năng, nhà bán trú... Có nhiều điểm trường cũng đang xuống cấp cần tu sửa và xây dựng mới. Vấn đề này, chúng tôi cũng đã đề xuất lên cấp trên xin kinh phí khắc phục, đồng thời động viên thầy và trò các trường vượt qua khó khăn để làm tốt công tác dạy và học”.

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân, ngành Giáo dục Minh Hóa đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho năm học mới. Với những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, cùng sự nỗ lực của thầy và trò, tin rằng Minh Hóa sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm học mới.

Xuân Vương

. Lệ Thủy: Vững tin bước vào năm học mới

Bước vào năm học mới 2015-2016, ngành Giáo dục- Đào tạo Lệ Thủy có những thuận lợi cơ bản.

Trên cơ sở quy hoạch giáo dục của huyện ở các cấp học, bậc học, năm học 2014-2015, mạng lưới trường lớp các bậc học trên địa bàn huyện tiếp tục được điều chỉnh, sắp xếp, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh các vùng miền. Hiện toàn huyện có 91 trường và cơ sở giáo dục; 28/28 xã, thị trấn thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 100%.

Nhìn chung, mạng lưới trường lớp qua nhiều lần sắp xếp đã hướng dần vào xây dựng tại các khu trung tâm, đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học (TH). Nhờ vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất có nhiều thuận lợi. Thông qua nguồn vốn đầu tư, các chương trình, dự án, năm học vừa qua, nhiều trường đã xúc tiến xây dựng và hoàn thành những công trình phòng học kiên cố. Cũng trong năm học 2014 - 2015, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong toàn huyện tiếp tục được củng cố, đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, hiện đại. Trong đó có 64 phòng học mới được đưa vào sử dụng với kinh phí đầu tư trên 38 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị trường học trong huyện cũng đã tích cực quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Toàn huyện hiện có 61 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 13 trường mầm non, 29 trường TH và 19 trường trung học cơ sở (THCS).  

Công tác huy động trẻ vào bậc học mầm non và học sinh các bậc học cũng được ngành Giáo dục Đào tạo huyện Lệ Thủy quan tâm đúng mức và đạt được những kết quả khả quan. Công tác phổ cập giáo dục cũng đạt được những kết quả tốt. 100% trẻ trong độ tuổi được vào học bậc TH, 99,9% học sinh tốt nghiệp TH được vào học bậc THCS. Có được kết quả này là nhờ toàn ngành đã chú trọng tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng học sinh bỏ học, huy động học sinh bỏ học trở lại trường và đặc biệt là công tác tuyển sinh đầu cấp.

Việc thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng được ngành Giáo dục Đào tạo Lệ Thủy thực hiện nghiêm túc ở các bậc học. Cụ thể là chỉ đạo bậc học mầm non duy trì và phát triển tốt loại hình bán trú, tổ chức cho các nhóm trẻ ăn dưới nhiều hình thức. Thực hiện nghiêm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng chất lượng giáo dục vệ sinh dinh dưỡng... Tỷ lệ trẻ ăn bán trú ở nhà trẻ đạt 100%. Tất cả các đơn vị đều phải tổ chức cân đo, theo dõi biểu đồ phát triển, đồng thời phối hợp với ngành Y tế khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể.

Giáo viên Trường mầm non Lâm Thủy kiểm tra mô hình học cụ, sẵn sàng cho năm học mới 2015-2016.
Giáo viên Trường mầm non Lâm Thủy kiểm tra mô hình học cụ, sẵn sàng cho năm học mới 2015-2016.

Bậc TH cũng đã thực hiện những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tất cả các trường TH và THCS đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Trong đó đi sâu vào đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng phù hợp mức 1 của mô hình trường TH mới. Đặc biệt là tập trung vào thay đổi không gian lớp học, sử dụng các hình thức dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, phát huy vai trò tự quản ở trong lớp và từng nhóm học tập. Nâng cao hiệu quả dạy học trên lớp, tăng cường ôn luyện cho học sinh theo chương trình học 2 buổi/ ngày. Đồng thời quan tâm đến công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu thông qua các hình thức Tiếng Anh qua mạng, tài năng tiếng Anh, bồi dưỡng học sinh năng khiếu thể dục thể thao. Tại hội thi Olympic Tiếng Anh cấp tỉnh, huyện Lệ Thủy đạt 2 giải nhì, 4 giải ba, 9 giải khuyến khích; 6 học sinh tham gia dự thi cấp quốc gia có 4 em đạt giải. Tại hội thi tài năng Tiếng Anh (OTE) cấp tỉnh, huyện Lệ Thủy đạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và có 1 học sinh tham gia cấp Quốc gia khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

Ngoài ra, tham gia Hội khỏe Phù Đổng giải điền kinh, bơi lội cấp tỉnh, huyện Lệ Thủy xếp thứ nhất toàn đoàn cấp Tiểu học. Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm và tập trung chỉ đạo. Đến nay, toàn huyện có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm là Trường TH Sơn Thủy và Trường TH số 2 Hồng Thủy.

Ở bậc THCS, các hoạt động chuyên môn như hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn liên trường, thao giảng, dự giờ, thăm lớp luôn được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Nhờ vậy đã phát huy tác dụng tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học và quản lý một cách có hiệu quả. Công tác đổi mới phương pháp dạy học được chú trọng đúng mức bằng việc tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên môn ở các tổ chuyên môn, cụm trường theo trọng tâm như tổ chức hoạt động học tập của học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá... Triển khai kịp thời và thực hiện đúng chương trình dạy học tự chọn của Bộ GD-ĐT, của Sở GD-ĐT với chất lượng khá tốt; 28/29 đơn vị dạy tự chọn môn Tin học lớp 6, 7, 8, 9.

Cũng trong năm học 2014-2015, ngành Giáo dục Đào tạo Lệ Thủy tiếp tục tăng cường quản lý, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, đội ngũ cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó, cấp học TH đã tích cực chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở các đơn vị và tổ chức tốt các hội thi cấp huyện nhờ vậy mà kết quả học sinh giỏi, học sinh năng khiếu năm học 2014-2015 của Lệ Thủy tiếp tục giữ vững vị trí đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh.

Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành đã đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học trên địa bàn. Bằng nhiều phương thức đào tạo, bồi dưỡng đã từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối, thiếu đồng bộ giáo viên bộ môn ở các cấp học.

Ông Võ Vĩnh Hào, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện cho biết: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới của ngành Giáo dục đã cơ bản hoàn tất. Phòng cũng đã thành lập nhiều đoàn cán bộ đi kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới ở các địa phương để chỉ đạo khắc phục kịp thời những sai sót, bảo đảm cho ngày khai giảng diễn ra trọn vẹn.

Nguyễn Hoàng