.
Chào mừng Ngày khai giảng năm học mới 2015-2016:

Quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Thứ Sáu, 04/09/2015, 09:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp khai giảng năm học mới 2015-2016, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đoàn Đức Liêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

- PV: Thưa đồng chí, năm học 2014-2015 đi qua với nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn thách thức với thầy và trò tỉnh ta. Theo đánh giá của đồng chí, kết quả đạt được lớn nhất trong năm học vừa qua là gì?

- Đồng chí Đoàn Đức Liêm: Năm học 2014-2015 là năm học thứ 2 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhưng là năm đầu tiên thực hiện những đổi mới cụ thể.

Kết quả quan trọng nhất mà ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh ta đạt được là phát triển đúng hướng theo mục đích và yêu cầu của đổi mới: hệ thống giáo dục ổn định, giáo dục chuyên ngành, giáo dục định hướng, giáo dục chuyên biệt và giáo dục dân tộc có kết quả khá hơn trước. Giáo dục chất lượng cao được chú trọng và duy trì được thành tích cao, ổn định. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, công tác quản lý, phương pháp giảng dạy đã thích ứng dần với yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục và là tiền đề quan trọng để đi sâu và toàn diện hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đổi mới giáo dục.

- PV: Năm học 2014-2015 là năm học đầu tiên chúng ta thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia (kỳ thi hai trong một - vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng). Việc nộp hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng trong những ngày vừa qua đã làm ‘‘nóng” dư luận xã hội, với nhiều ý kiến trái chiều. Vậy quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

- Đồng chí Đoàn Đức Liêm: Đổi mới thi và tuyển sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đổi mới giáo dục theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ.
Một kỳ thi với 2 mục đích lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng thay vì 2 kỳ thi riêng biệt như trước đây là cần thiết, đúng đắn.

Mục đích và phương châm của Bộ GD-ĐT và Ban chỉ đạo Trung ương là giảm bớt khó khăn và tốn kém đối với xã hội, tạo cơ hội nhiều hơn cho học sinh vào đại học, cao đẳng, khắc phục tình trạng học sinh đạt điểm cao nhưng không vào được đại học do giới hạn nguyện vọng.

Tuy vậy, do chưa lường trước được tính phức tạp của việc cho phép tất cả các em cùng lúc đăng ký vào bất kỳ trường nào, trong trường đó được chọn 4 chuyên ngành đào tạo, thời gian để lựa chọn và thay đổi nguyện vọng kéo dài đã dẫn đến tình trạng không kiểm soát được như đã diễn ra vừa qua. Bộ GD-ĐT đã khắc phục tình trạng này trong đợt tuyển sinh bổ sung đủ chỉ tiêu cho các trường đại học và cao đẳng.

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác thi, tuyển sinh và sẽ có phương hướng cho công tác thi và tuyển sinh năm học tiếp theo. Dù có những thay đổi nào khác nhưng chắc chắn việc tổ chức một kỳ thi là không thay đổi.

Đồng chí Đoàn Đức Liêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, trao giải nhất cho các trường mầm non tại hội thi
Đồng chí Đoàn Đức Liêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, trao giải nhất cho các trường mầm non tại hội thi "Xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, thân thiện và hiệu quả" năm học 2014 - 2015.

- PV: Năm học mới 2015-2016 vừa mới bắt đầu, có không ít phụ huynh băn khoăn về vấn đề lạm thu trong các trường học (tình trạng này đã xảy ra ở một số trường trên địa bàn tỉnh và báo chí đã có nêu), đặc biệt là chương trình của bậc tiểu học không thống nhất (có trường học theo chương trình VNEN, có trường lại học theo chương trình thực nghiệm... nhưng cũng chỉ triển khai ở một vài khối). Ý kiến của đồng chí về những vấn đề này như thế nào?

- Đồng chí Đoàn Đức Liêm: Về lạm thu trong các cơ sở giáo dục: Không được lạm thu là yêu cầu bắt buộc của ngành đối với các cơ sở giáo dục. Tình trạng lạm thu xảy ra là do nhận thức chưa đầy đủ của các cán bộ có trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục và hội cha mẹ học sinh.

Ngày 5-8-2015, Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 1550/SGDĐT-KHTC hướng dẫn thu, chi trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định cụ thể các khoản không được thu dưới bất kỳ hình thức nào: tiền vệ sinh môi trường, hỗ trợ các kỳ thi, điện - nước, giấy kiểm tra (trừ giấy kiểm tra học kỳ), mua vở có logo, hình ảnh trường, tiền công thay cho lao động.

Các khoản thu tự nguyện: bảo hiểm thân thể, các loại quỹ phải theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các khoản thu do chưa đủ kinh phí trang trải: học phẩm mầm non, tiểu học học môn tiếng Anh, tin học, nước uống, phù hiệu, sổ liên lạc, thẻ đọc, phục vụ bán trú, bảo vệ trường phải bàn bạc kỹ, thỏa thuận và báo cáo xin chỉ đạo của chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục thuộc Sở phải được Sở GD-ĐT đồng ý. Không được thông qua hội cha mẹ học sinh để thu-chi bắt buộc các khoản chi cho giáo dục ở các cơ sở giáo dục; phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh thu-chi ngay từ đầu năm học.

Về thực hiện chương trình ở bậc tiểu học: Không phải chương trình ở bậc tiểu học không thống nhất. Chương trình tiểu học với các chuẩn kiến thức cơ bản vẫn được thực hiện theo Quyết định 16/2006-BGDĐT ngày 5-5-2006 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

VNEN là mô hình trường học mới của Việt Nam vẫn giữ nguyên nội dung và chuẩn kiến thức như sách giáo khoa hiện hành. VNEN là mô hình giáo dục có phương pháp dạy, học phát triển năng lực học sinh, chuyển từ dạy truyền thụ sang dạy và học chủ động của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Dạy học tiếng Việt-Công nghệ là một phương pháp dạy tiếng Việt tích cực cho học sinh lớp 1. Nội dung và chuẩn kiến thức cũng theo chương trình sách giáo khoa hiện hành.

Mô hình trường học VNEN và phương pháp dạy học tiếng Việt- Công nghệ là mô hình và phương pháp dạy học tích cực phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh được đánh giá có hiệu quả trên thế giới và ở Việt Nam. Việc áp dụng VNEN và phương pháp tiếng Việt- Công nghệ chưa bắt buộc toàn bộ các cơ sở giáo dục tiểu học, THCS. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, chuẩn bị đội ngũ, tâm lý và cơ sở vật chất, các trường tự nguyện tham gia áp dụng mô hình và phương pháp này để dạy- học. Tỉnh ta cũng cố gắng để nhanh chóng nhân rộng mô hình và phương pháp dạy- học này.

- PV: Năm học 2015-2016 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về ‘‘đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Vậy ngành GD-ĐT Quảng Bình sẽ có những giải pháp trọng tâm nào để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, thưa đồng chí?

- Đồng chí Đoàn Đức Liêm: Đối với Giáo dục mầm non: duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tăng nhanh tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ, nhóm trẻ, xác định vị trí việc làm và giải quyết chế độ cô nuôi. Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của giáo viên.

Giáo dục tiểu học: nhân rộng mô hình trường học mới VNEN. Nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá học sinh của thầy, cô giáo. Chỉ đạo tăng cường dạy và học ngoại ngữ.

Giáo dục trung học: chỉ đạo thực hiện chương trình dạy tích hợp và dạy phân hóa kiến thức ở THCS và THPT. Phát triển kỹ năng tư duy và sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh. Áp dụng mô hình trường học mới VNEN vào THCS.

Giáo dục chuyên nghiệp: mở các mã ngành đào tạo phù hợp với sự vận động và phát triển của các thành phần kinh tế. Phân luồng học sinh sau THCS, THPT để tăng nhanh tỷ lệ lao động được đào tạo và bồi dưỡng nghề nghiệp.

Giáo dục thường xuyên: củng cố phổ cập giáo dục các bậc học, đẩy nhanh phổ cập THCS mức độ 2, 3. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng.

Đồng thời trong năm học mới 2015-2016 toàn ngành sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt, giảm số lượng điểm trường; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; hoàn thiện các quy định về thi, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên sâu. Coi trọng khắc phục tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm không đúng quy định; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ổn định an ninh, trật tự trường học, xây dựng trường học theo hướng thân thiện và tiếp tục đổi mới công tác quản lý phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

- P.V: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Nội Hà (thực hiện)