.
Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, năm 2015:

Rồi cuộc sống sẽ mỉm cười với em!

Chủ Nhật, 13/09/2015, 16:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi khi nghĩ về em-cô học trò bé nhỏ của phố núi Đồng Lê (Tuyên Hóa), tôi luôn nghĩ đến đóa hoa xương rồng - bông hoa khoe sắc giữa sa mạc khắc nghiệt đầy nắng gió và cát bỏng. Bởi giữa những nghiệt ngã của phận người, em vẫn vươn lên bằng chính nỗ lực và ý chí của một con người không đầu hàng trước số phận. Tên em là Cao Thanh Ngọc, học sinh lớp 10, Trường THPT Tuyên Hóa (huyện Tuyên Hóa).

Nước mắt-đó cũng là điều chúng tôi chứng kiến nhiều nhất trong cuộc trò chuyện với Ngọc cùng người cô ruột của mình-bà Cao Thị Huệ. Nhìn người phụ nữ đang phải vật lộn từng ngày với bệnh tật hiểm nghèo, chúng tôi hiểu, bà đang phải trải qua những tháng ngày quá đỗi khó khăn.

Nhưng như bà nói, cái án tử treo lơ lửng trên đầu những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như bà không đáng sợ bằng chính nỗi lo: rồi ngày mai, khi bà nằm xuống, ai sẽ là người chăm sóc và nuôi nấng bé Ngọc? Khi ấy, quả là cuộc sống đã quá đỗi bất công với em! Bởi khi em vừa tròn 4 tháng tuổi, khi chưa kịp ngấm vị ngọt mát của dòng sữa mẹ thì mẹ em bỏ đi biệt xứ. Ba em cũng bệnh nặng rồi nằm liệt giường từ ấy cho đến hôm nay.

“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, bà Cao Thị Huệ, lúc ấy là cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa đã mang em về nuôi. Thương cháu chưa đầy tuổi đã sớm cảnh côi cút, bà quyết định ở vậy nuôi Ngọc và yêu thương em như con đẻ của mình. Bà đã chạy vạy khắp nơi để xin từng giọt sữa về bón cho đứa cháu đỏ hỏn vừa lọt lòng đã chịu nhiều bất hạnh.

Cao Thanh Ngọc muốn học thật giỏi để lớn lên trở thành bác sỹ
Cao Thanh Ngọc muốn học thật giỏi để lớn lên trở thành bác sỹ.

Năm tháng trôi đi, cô bé Ngọc khát sữa ngày nào đã lớn dần lên trong tình yêu thương vô bờ của người cô ruột và bà con chòm xóm. Xinh xắn, đáng yêu và luôn cười tươi, nhưng vắng mẹ, lại thiếu thốn sự chăm sóc của cha, trong em, vẫn còn đó một khoảng trống mà không ai có thể lấp đầy. Nhất là năm em học xong tiểu học, bà Cao Thị Huệ phát hiện mình bị bệnh ung thư vú. Những ngày tháng sau đó là chuỗi thời gian bà ngược xuôi chạy chữa khắp các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc. Cuộc sống của hai cô cháu dần trở nên chật vật và vất vả hơn bội phần.

12 tuổi, Ngọc đã có thể thay cô vun vén việc nhà, chăm sóc cho cô những khi ốm đau, trái gió trở trời. “Một năm trở lại đây, bệnh tui bắt đầu di căn, phải thường xuyên đi truyền hóa chất, cháu Ngọc phải vừa học vừa trông nom nhà cửa, rồi chăm sóc tui. Cũng vất vả đủ bề nhưng chưa khi mô nghe cháu than thở một lời”, bà Huệ nghẹn ngào.

Ngồi ngay cạnh, Ngọc lại không ngừng nắm lấy tay bà như động viên, an ủi. Nhìn em, toát lên một sự mạnh mẽ và lạc quan đến lạ, dù cuộc đời đã không mấy mỉm cười với em. Và như cây xương rồng chắt lọc sự sống từ trong chính những cằn khô, vất vả, cô học trò nhỏ Cao Thanh Ngọc vẫn nỗ lực vươn lên giữa chính những chật vật của cuộc sống. Bà Huệ bảo, như ý thức được hoàn cảnh của mình, ngay từ nhỏ, Ngọc đã tự giác trong việc học tập và nỗ lực không ngừng.

Nhờ sự quyết tâm vươn lên giữa nghịch cảnh ấy mà 9 năm liền, cô bé Cao Thanh Ngọc luôn là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của trường. Năm học lớp 8, em đạt giải khuyến khích cuộc thi Giải toán qua mạng internet cấp huyện và giải nhất môn cờ vua cấp huyện.

Sang năm học lớp 9, Ngọc lại tiếp tục viết tiếp bảng vàng thành tích của mình với giải khuyến khích học sinh giỏi văn cấp huyện. Ghi nhận những nỗ lực vượt khó của cô học trò nhỏ, Quỹ học bổng Olympia dành cho học sinh THCS đã trao tặng em suất học bổng 2,5 triệu đồng. Em cũng là một trong 5 đại diện của Quảng Bình tham dự buổi gặp mặt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn toàn quốc, được tổ chức vào tháng 5 vừa qua.

Nhắc đến cô học trò cũ kém may mắn nhưng thừa nghị lực của mình, thầy giáo Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lê không giấu được nỗi tự hào: “Cao Thanh Ngọc là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất của trường nhưng ở em, bao giờ chúng tôi cũng thấy một sự nỗ lực, sự lạc quan, tự tin trong cuộc sống”.

Học lực giỏi, Ngọc còn là một cán bộ lớp gương mẫu, năng động khi nhiều năm liền em làm lớp trưởng, chi đội trưởng và lớp phó học tập. Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, em luôn sắp xếp thời gian để tham gia tốt mọi hoạt động do Đoàn, Đội và trường tổ chức.

Nhìn ánh mắt nhanh nhẹn và nụ cười luôn thường trực trên môi em, không ai nghĩ, ẩn đằng sau sự lạc quan ấy là cả một khoảng trống thăm thẳm khi thiếu thốn tình cảm gia đình và sự chín chắn trước tuổi của cô bé mồ côi. Trong góc học tập của mình, nhìn những công thức toán học, hóa học và cả những câu khẩu hiệu chắc nịch quyết tâm được dán khắp phòng, chúng tôi hiểu, bên trong tâm hồn em nuôi lớn một ý chí mà hiếm ai có được.

Mạnh mẽ, nghị lực như chính cái cách mà em chia sẻ: “Rồi đây, khi o Huệ không còn nữa, em không biết mình sẽ sống như răng cả, nhưng rồi ai cũng phải cố gắng bước tiếp thôi, chị hè? Sau ni, em muốn được làm bác sỹ, chị à. Làm bác sỹ để được chữa bệnh, được chăm sóc cho những người bệnh nhân như o, chứ mỗi lần thấy o đau vật vã mà em không biết làm răng cả, em thương lắm”.

Vẫn tin rằng, như cây xương rồng chật vật chắt lọc sự sống để vươn lên khoe sắc, rồi cuộc sống cũng sẽ mỉm cười với cô học trò nhỏ Cao Thanh Ngọc bởi một điều hiển nhiên: “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”.

Diệu Hương