.

Khó khăn trong đào tạo, tuyển dụng bác sỹ ở tỉnh ta

Thứ Ba, 14/07/2015, 16:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngành Y tế tỉnh ta trong những năm gần đây đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trong khi số lượng bác sĩ còn thiếu hụt rất lớn, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh thì việc đào tạo, tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bác sỹ thiếu, tuyển dụng khó

Toàn ngành Y tế tỉnh ta hiện có 3.158 cán bộ, công chức, viên chức và lao động, trong đó có 492 bác sỹ. 159/159 xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Số lượng đông là vậy song trên thực tế, nguồn nhân lực có chất lượng của ngành Y tế tỉnh ta còn thiếu nhiều, nhất là bác sỹ. Hiện tỉnh mới đạt tỷ lệ 7,5 bác sỹ trên một vạn dân, vào loại thấp trong khu vực miền Trung.

Mặt khác, tỉnh ta còn nghèo, xa các trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước nên không đủ để hấp dẫn, lôi kéo con em tốt nghiệp các trường đại học y hoặc bác sỹ từ các nơi khác về công tác. Vì vậy, việc thiếu bác sỹ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ở các tuyến.

Để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, Sở Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Bộ Giáo dục- Đào tạo xin vận dụng điểm c khoản 1 điều 33 Quy chế tuyển sinh đại học năm 2012 để đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ. Như vậy, nhiều học sinh Quảng Bình thi vào các trường đại học y có số điểm cao hơn điểm sàn của khối thi song thấp hơn điểm trúng tuyển của chuyên ngành dự tuyển (thiếu từ một đến một điểm rưỡi) được Trường đại học y dược Huế và Trường đại học y Thái Bình phối hợp với Sở Y tế tuyển dụng, đào tạo theo nhu cầu của địa phương.

Đã có 103 bác sỹ chính quy được đào tạo tại hai trường đại học y theo loại hình đào tạo nguồn nhân lực này. Đến nay, có 17 bác sỹ đã tốt nghiệp và được bố trí cho các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh, số còn lại đang trong quá trình đào tạo.

Phẫu thuận nội soi cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa  huyện Bố Trạch.
Phẫu thuận nội soi cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch.

Cùng với đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ, Sở Y tế phối hợp với Trường đại học y dược Huế đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sỹ. Đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức được một lớp bác sỹ chuyên khoa cấp II quản lý y tế cho 18 học viên, một lớp chuyên khoa cấp I nội khoa gồm 20 học viên, lớp dược sỹ chuyên khoa cấp I, điều dưỡng chuyên khoa cấp I. Ngoài ra có các lớp đào tạo sau đại học và liên thông lên đại học tại các trường đại học y dược trong cả nước.

Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch hiện là bệnh viện hạng ba, có 168 giường bệnh. Theo quy định, số bác sỹ cần có là 42 song hiện bệnh viện mới chỉ có 27 bác sỹ. Đây là đơn vị điều trị thiếu bác sỹ nhất ở tỉnh ta, tính theo số lượng giường bệnh. Để khắc phục khó khăn này, theo ông Nguyễn Quốc Lĩnh Giám đốc bệnh viện, thì đơn vị huy động toàn bộ số bác sỹ làm công tác quản lý trực tiếp xuống các khoa điều trị cho người bệnh. Bệnh viện ban hành chế độ hỗ trợ các bác sỹ bằng cách hỗ trợ tiền thuê nhà ở mỗi tháng 400 nghìn đồng, ưu tiên tăng mức tiền thưởng từ 10-20% đối với bác sỹ chuyên khoa I và II.

Mặt khác, bệnh viện tạo điều kiện tối đa cho các y sỹ học lên bác sỹ, bác sỹ thành bác sỹ chuyên khoa theo hình thức cuốn chiếu để vừa nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, vừa không quá thiếu hụt bác sỹ khám chữa bệnh. Nhờ các biện pháp đó, hai năm qua không có người bệnh nào ở Bệnh viện đa khoa Bố Trạch phải chuyển tuyến vì lý do không có bác sỹ chuyên khoa điều trị.

Ông Nguyễn Quốc Lĩnh cho biết thêm, dự kiến sắp tới lãnh đạo bệnh viện đến trực tiếp các trường đại học y để tìm hiểu nguyện vọng và hỗ trợ hàng tháng cho con em quê hương Quảng Bình để lôi kéo, mời gọi sinh viên giỏi, khá sau khi tốt nghiệp về đơn vị công tác. Ý tưởng là vậy song ông Nguyễn Quốc Lĩnh còn băn khoăn sợ các bác sỹ có bằng loại giỏi, khá sau khi ra trường tìm đến các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, xã hội để làm việc mà không ai trở về công tác tại quê hương.

Vướng mắc trong tuyển dụng, đào tạo bác sỹ

Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế, bác sỹ Dương Thị Phúc, trong khi số lượng bác sỹ còn thiếu so với nhu cầu khám chữa bệnh thì công tác tuyển dụng bác sỹ chính quy vào làm việc còn khó khăn. Qua các kỳ tuyển dụng, tỷ lệ bác sỹ tham gia xét tuyển quá ít so với nhu cầu thực tế. Năm 2014 chỉ tiêu tuyển dụng bác sỹ của toàn ngành là 113 người nhưng chỉ tuyển được 23 người, chiếm 21%. Việc tuyển dụng bác sỹ đạt thấp là do số người nộp hồ sơ xét tuyển ít.

Dự kiến đến năm 2020 tỉnh ta còn thiếu 226 bác sỹ. Việc bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao này được thực hiện bằng nhiều nguồn đào tạo khác nhau nhưng thực hiện đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ là cách làm hiệu quả và chủ động nhất. Tuy nhiên vừa qua, Bộ Giáo dục- Đào tạo sửa đổi một số quy định trong quy chế tuyển sinh năm 2012, cụ thể là bỏ quy định tại điểm c khoản 1 điều 33, tức là các trường không được dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo nhân lực cho địa phương. Điều này gây nhiều khó khăn cho địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong ngành Y tế.

Vẫn theo bác sỹ Dương Thị Phúc, theo quyết định số 17/2011/QĐ- UBND ngày 10-11-2011 của UBND tỉnh về chính sách đào tạo, thu hút nhân tài thì người được hưởng chính sách đãi ngộ là thạc sỹ, tiến sỹ chứ không có đối tượng trình độ chuyên khoa cấp I, cấp II theo đặc thù của ngành Y tế. Mặt khác, tiêu chuẩn thu hút đối với đối tượng thu hút là bác sỹ tốt nghiệp đại học loại xuất sắc hệ chính quy (ngoại trừ thu hút bằng hình thức tiếp nhận) là quá cao trong bối cảnh tỉnh ta còn thiếu nguồn lực bác sỹ hệ chính quy. Do vậy, 5 năm qua không thu hút được bất cứ một bác sỹ theo quyết định này.

Để tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Y tế Quảng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng vừa ký quyết định phê duyệt đề án đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ sử dụng của địa phương đến năm 2020. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức làm việc với Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Y tế để xin chủ trương và chỉ tiêu đào tạo bác sỹ theo địa chỉ, với số lượng hàng năm 20 bác sỹ, đồng thời bổ sung nguồn kinh phí đầy đủ cho việc đào tạo này. Tỉnh thành lập ban quản lý cấp ngành về đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ sử dụng để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, hợp đồng đào tạo, quản lý sinh viên và bố trí công tác cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi chính sách đào tạo, thu hút nhân tài theo hướng hỗ trợ, ưu tiên đào tạo và thu hút ngày càng nhiều bác sỹ có trình độ để bổ sung cho nguồn lực của ngành y tế địa phương. Hy vọng với nhiều biện pháp mạnh dạn nêu trên, tỉnh ta từng bước đào tạo, tuyển dụng được nhiều bác sỹ có năng lực, tâm huyết với quê hương để phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Hoàng Phương